Chính phủ ứng 300 tỷ tiếp tục thi công quốc lộ 20

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong lúc chờ khoản vay từ nước ngoài thì Chính phủ đã đồng ý ứng thêm 300 tỉ đồng để tiếp tục thi công dự án nâng cấp quốc lộ này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết
Chính phủ ứng 300 tỷ tiếp tục thi công quốc lộ 20
Quốc lộ 20 đã xuống cấp nghiêm trọng

Quốc lộ 20 là tuyến đường huyết mạch nối TP.HCM, Đồng Nai với thành phố Đà Lạt, ngoài việc phục vụ nhu cầu đi lại từ TP.HCM lên Đà Lạt, tuyến đường này được nâng cấp để vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng về cảng Gò Dầu, Đồng Nai.

Theo tiến độ cập nhật của chủ đầu tư, sau gần 2 năm khởi công đến nay, quốc lộ 20 (đường vận chuyển bauxite) chỉ mới thi công được 15%. Chủ đầu tư cho biết với tiến độ này dự án không kịp hoàn thành vào cuối năm 2014 mà phải lùi lại đến năm 2015.

Ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư) cho biết, hiện nay quốc lộ 20 mới thi công được 15%. Khối lượng thi công này hoàn toàn là vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (khoảng hơn 230 tỉ đồng trong tổng số 4.467 tỉ đồng), phần vốn còn lại đang phải đi vay từ nước ngoài.

“Mới đây, Chính phủ đã đồng ý bảo lãnh để vay vốn của một đối tác Hoa Kỳ. Đến cuối tháng 9 này dự kiến sẽ ký hợp đồng vay vốn để cuối năm có thể kịp giải ngân cho nhà thầu đẩy nhanh thi công”, ông Dũng nói.

Về kế hoạch hoàn thành giai đoạn 1 nâng cấp quốc lộ 20, ông Dũng cho biết với tiến độ thực hiện như hiện nay thì phải đến năm 2015 dự án mới hoàn thành.

Tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết trong lúc chờ khoản vay từ nước ngoài thì Chính phủ đã đồng ý ứng thêm 300 tỉ đồng để tiếp tục thi công dự án nâng cấp quốc lộ 20.

Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 20 giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 123 km (từ điểm giao với quốc lộ 1A tại Dầu Giây, Đồng Nai đến điểm giao với tỉnh lộ 725, tại Bảo Lộc, Lâm Đồng), được khởi công ngày 23/12/2011 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014. Dự án được đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) với tổng mức đầu tư 4.467 tỉ đồng.

Giai đoạn 2 từ điểm giao với tỉnh lộ 725 đến điểm giao với quốc lộ 27, có tổng mức đầu tư 3.058,9 tỉ đồng sẽ được đầu tư sau khi đủ điều kiện.

Trước đó ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Nhôm - Titan (Vinacomin) từng phát biểu việc vận chuyển bauxite từ Nhà máy alumin Tân Rai vẫn dựa trên QL20, QL51, tỉnh lộ 769 về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) do khối lượng vận chuyển còn thấp. Chi phí vận chuyển bauxite - alumin về cảng Gò Dầu theo tính toán cũng xấp xỉ nếu vận chuyển về cảng Vĩnh Tân.

Nhưng về lâu dài khi công nghiệp chế biến alumin - nhôm phát triển với quy mô gấp 10 - 20 lần hiện nay, với việc Nhà máy alumin Tân Rai chính thức hoạt động cũng như Nhà máy Nhân Cơ được xây dựng và đi vào hoạt động, việc tính toán con đường vận chuyển bauxite để giảm tải cho con đường hiện nay là đòi hỏi thiết yếu.

Tuy nhiên, với việc đã chọn “sai” một lần với cảng Kê Gà, việc lựa chọn cảng nào thay thế cần phải được tính toán cẩn thận.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Đường bộ VN cũng đã tính toán phương án vận chuyển bauxite qua cảng Vĩnh Tân để so sánh khi phương án Kê Gà gặp khó khăn. Phương án này có ưu điểm là cảng Vĩnh Tân đang trong quá trình xây dựng (dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014).

Nhưng nhược điểm là chiều dài tuyến vận chuyển lớn, kinh phí đầu tư cao và tiến độ lập dự án chậm hơn do phải tiến hành lại các thủ tục từ đầu.

Đáng kể nhất là kinh phí đầu tư nâng cấp các con đường để vận chuyển bauxite về cảng Vĩnh Tân (tỉnh lộ 714, giao cắt QL1, QL28) sẽ mất khoảng 2.840 tỉ đồng (so với kinh phí nâng cấp QL20, QL51, tỉnh lộ 769 là hơn 2.000 tỉ đồng theo dự kiến ban đầu).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật