TP.HCM: Đình công ngày càng tăng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ trong ngày 4/8, tại TP.HCM đã có đến 3 vụ đình công. Nguyên nhân của các vụ đình công đều là tranh chấp lợi ích do tình hình giá cả leo thang, với đồng lương ít ỏi công nhân không đảm bảo được cuộc sống hàng ngày.
TP.HCM: Đình công ngày càng tăng
Công nhân đình công. (Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ)

Ngày 4/8, gần 1.000 công nhân Công ty TNHH Tung Mung Textille (100% vốn Đài Loan, đóng tại KCX Tân Thuận, Q.7, TP.HCM) đã đồng loạt đình công nhằm kiến nghị công ty phải giữ nguyên khoản phụ cấp sinh hoạt.

Theo công nhân phản ánh, 3 tháng qua, để chia sẻ khó khăn với công nhân trong tình hình giá cả ngày càng tăng cao, công ty đã phụ cấp sinh hoạt cho mỗi người 150.000 đồng/tháng. Nhưng không hiểu sao, mới đây, công ty lại thông báo sẽ cắt khoản phụ cấp này kể từ tháng 9/2008. Trong khi cuộc sống của công nhân càng ngày càng khó khăn, quyết định này của công ty đã khiến công nhân vô cùng bất bình.

Làm việc với đại diện Ban quản lý các KCX-KCN TP và các cơ quan chức năng Quận 7, TP.HCM, phía công ty cho biết sẽ trả lời kiến nghị của công nhân vào chiều 5/8.

Cùng ngày, 170 công nhân Công ty Hạnh Nguyên (Q.12) chuyên về may mặc đã đình công. Công nhân cho biết, mặc dù đã làm việc lâu nhưng công ty không ký HĐLĐ, không tăng lương. Bên cạnh đó, công nhân phải tăng ca đêm nhưng không được nghỉ bù, ai xin nghỉ sẽ bị đuổi việc. Ngoài ra, công nhân còn bức xúc vì chất lượng bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng để tái tạo sức lao động.

Phía cơ quan chức năng của quận đã yêu cầu công ty phải ký HĐLĐ với công nhân, xây dựng thang, bảng lương, nội quy lao động. Không được xử lý kỷ luật lao động với công nhân khi chưa có HĐLĐ và nội quy lao động, bảo đảm chất lượng bữa ăn cho công nhân.

Các yêu cầu trên phải được thực hiện trong vòng 7 ngày và công ty phải có trách nhiệm báo cáo kết quả với cơ quan chức năng.

Tính cho đến ngày 4/8, công nhân của Công ty TNHH Komega (100% vốn Hàn Quốc, đóng tại quận 12) đã đình công sang ngày thứ 3.

Trước đó vào ngày 2/8, khoảng 1.200 công nhân của công ty đã ngừng việc nhằm kiến nghị tăng thu nhập lên 250.000 đồng/người/tháng, trong đó có 100.000 đồng tiền nhà trọ, 100.000 đồng tiền xăng và 50.000 đồng phụ cấp.

Phía công ty chỉ chấp nhận tăng 120.000 đồng. Khoảng 500 công nhân đồng ý với mức tăng trên đã quay lại làm việc, số còn lại khoảng 700 người không đồng ý nên ngày 4/8 tiếp tục đình công và cho biết khi nào công ty đồng ý với mức họ yêu cầu mới quay lại làm việc.

Có thể thấy, với tình hình giá xăng tăng như hiện nay sẽ kéo theo việc tăng giá của nhiều mặt hàng khác dẫn đến đời sống của công nhân càng ngày càng khó khăn. Nếu doanh nghiệp không có những chính sách hỗ trợ kịp thời thì dự báo trong thời gian tới, tình trạng tranh chấp lao động trên địa bàn thành phố có thể sẽ gia tăng nhiều hơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật