Giỗ tổ sân khấu: Nhớ những người có công

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ lâu, ngày Giỗ tổ sân khấu (12/8 âm lịch) luôn được mọi người trong nghề tổ chức thành kính, long trọng.
Giỗ tổ sân khấu: Nhớ những người có công
Lễ Giỗ tổ còn là dịp để các nghệ sĩ có thể gặp gỡ, hàn huyên

Khởi xướng và tồn tại từ hơn 100 năm trước, Ngày Giỗ tổ sân khấu (nay là Ngày Truyền thống sân khấu Việt Nam 12/8 âm lịch) từ lâu trở thành sự kiện quan trọng của tất cả những người làm công tác sân khấu trên mọi lĩnh vực: từ sáng tác đến nghiên cứu và biểu diễn… Nhưng ngày này, ở khu vực ĐBSCL, lễ giỗ được cử hành long trọng nhất là tại căn cứ của các đoàn cải lương có truyền thống nhiều năm hoạt động.

Cứ đi vào hậu trường sân khấu, đặc biệt là sân khấu cải lương, ta sẽ thấy một góc linh thiêng được dành riêng thờ Tổ nghiệp. Tại đó, vào trước mỗi đêm diễn, tiết mục diễn, những người làm chương trình và các diễn viên đều thành kính dâng lên Tổ nghiệp chút lễ vật và khói hương nghi ngút để vai diễn cho tròn, chương trình chạy cho trọn vẹn. Những nghệ sĩ chập chững vào nghề là đã được các bậc tiền bối dạy rằng phải tôn kính nghề, phải trân trọng khán giả thì mới được tổ độ cho thành tài.

Sau này, cứ đến 12/8 âm lịch là tất cả các đoàn hát đều tổ chức lễ giổ Tổ một cách trọng thể để tưởng nhớ đến tiền nhân khai sáng nghề nghiệp, đồng thời có dịp gặp lại những bạn hữu xa gần, sau một năm làm nghề dong duổi khắp nơi.

Nếu ban đầu, lễ Giỗ tổ sân khấu chỉ là dịp để những nghệ sĩ thành danh về tri ân đoàn hát, tạ ơn thần thánh đã chắp cánh cho mình thuận lợi tỏa sáng trên sân khấu và được công chúng ái mộ thì về sau lễ Giỗ tổ ở mỗi đoàn đều mang thêm những phong thái riêng của địa phương và lịch sử đoàn hát.

Đến đoàn cải lương Hương Tràm (Cà Mau) hay các đoàn Văn công Đồng Tháp, Văn công quân khu 9 vào dịp lễ Giỗ tổ, chúng ta sẽ thấy không khí như một lễ Giỗ ông bà trong gia đình. Không chỉ có Tổ nghiệp như tương truyền được thờ phụng mà cả những nghệ sĩ đã có công xây dựng đoàn và hy sinh vì sự nghiệp sân khấu trong cuộc kháng chiến cũng được thờ phụng trang nghiêm và coi như đây là buổi giỗ chung.

Mọi nghi thức của ngày lễ Giỗ tổ sân khấu đều được tổ chức một cách trang nghiêm

Ở đoàn Hương Tràm năm nay, các thế hệ nghệ sĩ cũng được mời về họp mặt trong lễ giỗ tổ và lễ giỗ 7 nghệ sĩ liệt sĩ. Nghệ sĩ Quốc Tín – Trưởng đoàn cho biết, chương trình lễ Giỗ tổ mang tính truyền lửa cho lớp nghệ sĩ con cháu tiếp tục ghi thêm những thành tích cho lịch sử của đoàn.

“Cũng như hàng năm, ngày Giỗ tổ đoàn thường làm chương trình nói về tổ nghiệp, đời nghệ sĩ, cũng như tri ân các vị tiền bối là liệt sĩ của đoàn…7 liệt sĩ của đoàn văn công giải phóng Cà Mau - coi đây là ngày giỗ chung của các vị. Ngày giỗ có các cựu nghệ sĩ của đoàn và các nghệ sĩ không phải của đoàn cũng về Giỗ tổ” - nghệ sĩ Quốc Tín chia sẻ.

Năm nay, Nhà hát Tây Đô thành phố Cần Thơ tập trung tổ chức lễ giỗ tổ ở căn cứ của đoàn cải lương Tây Đô. Dịp này, Sở văn hóa Thể thao Du lịch thành phố tổ chức biểu dương những cá nhân nghệ sĩ đã có thành công trong năm qua.

Ngày giỗ tổ năm 2013 ở các địa phương ĐBSCL, người ta vẫn tổ chức theo tục lệ có bàn thờ, khói nhang nghi ngút, có biểu diễn trích đoạn cải lương những vở kinh điển hoặc chất lượng cao của đoàn.

Trong không gian trầm mặc của lễ giỗ, trong tâm linh truyền đời của nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu, ngày Giỗ tổ đặc biệt linh thiêng góp phần tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ văn nghệ sĩ tiếp nối để sân khấu Việt Nam ngày càng phát triển đúng hướng, đáp ứng nhu cầu tinh thần của công chúng hôm nay

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật