Học cách... bán hàng rong

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Đừng tưởng với một cái rổ và trăm ngàn đồng tiền vốn là đã có thể bưng bê hàng rong đi bán kiếm sống. Nghề này cũng cần phải học đấy”- một chị bán hàng rong “giáo huấn” khi biết chúng tôi có ý định vào nghề này.
Học cách... bán hàng rong
Nơi ở trọ là căn phòng dược ngăn thành từng ô, diện tích khoảng ,15x2m. (Ảnh: T.Hồng)

Trước khi gia nhập đội ngũ bán hàng rong ở Sài Gòn, chúng tôi phải trải qua những bài học không trường lớp nào dạy, song không học thì không thể “ra trường”!

Những bài học nhập môn

Trong vai một cô gái thất nghiệp từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn tìm việc, năn nỉ mãi, chúng tôi mới được chị Bảy bán trứng cút, bánh tráng tại các quán nhậu dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mách nước: “Không vào “lò” học một thời gian thì khó lắm. Bán rong mà đi lẻ một mình dễ bị ăn hiế‌p cũng khó tồn tại. Em mới vô thì tìm chủ nào lấy tiền trọ thật rẻ, chịu khó ở chật chội, ẩm thấp để đỡ lo khoản tiền bạc. Hàng thì lấy gối đầu, bán hôm trước hôm sau trả tiền. Em hãy đến khu Rạch Bùng Binh ở đường Kỳ Đồng, quận 3, có nhiều “lò” lắm”.

Theo lời chị Bảy, chúng tôi đến khu rạch Bùng Binh và dễ dàng lần ra hơn 10 “lò” hàng rong. “Lò” ở đây vừa chuyên cung cấp các sản phẩm cho dân bán hàng rong vừa luyện cách vào nghề. Chúng tôi quyết định vào “lò” của chị Phạm Thị Lên ở hẻm 85 Rạch Bùng Binh. Thấy chúng tôi chân ướt chân ráo vào nghề, chị Lên tỏ vẻ ái ngại. Tuy nhiên, sau một hồi nghe chúng tôi ca cẩm, chị cũng xiêu lòng và phân công chị Bảy đi kèm, đến bán quanh khu vực quán lẩu trên đường Lê Bình.

Ngày đầu tiên, chúng tôi được chị Lên chọn vài món hàng để bán làm quen, gồm: 4 chục trứng cút, vài cái bánh tráng, dăm bịch đậu phộng, vài ký xoài sống, cùng hạt sen, cơm cháy, nem chả mỗi thứ một ít... Chị Lên dặn dò: “Em phải đi theo chị Bảy, chớ đi xa lạc đường thì không biết đâu mà tìm. Chị chọn cho em xoài trái nhỏ, bán bằng giá mấy chị để có lời. Em là con gái nên dễ bán hơn mấy bà có tuổi, nếu có người chọc ghẹo cũng ráng chịu nhé. Bán xong về nhà trọ liền, ai rủ đi đâu cũng không đi. Nhớ coi chừng bọn choai choai đầu nhuộm xanh đỏ, tụi nó hay ăn quỵt lắm. Nếu lỡ bị quỵt thì la lên cho người ta đến giúp”.

Chúng tôi thử đi tìm một “lò” khác để tìm hiểu thêm. Đến nhà cô C., chuyên cung cấp hàng rong tại ngã tư Rạch Bùng Binh – Trương Định, chúng tôi dễ dàng nhận ra vì những chùm bánh tráng treo lủng lẳng ngoài hiên nhà. Cô C. còn khá trẻ, ăn mặc giản dị, nói đậm giọng Quảng Ngãi. Trong bộ dạng nghèo khó, tôi ngập ngừng trước cửa nhà cô C., rụt rè: “Con ở dưới quê mới lên, đang nộp hồ sơ làm công nhân mà người ta chưa nhận. Cô thương giùm, cho con đi bán hàng rong kiếm sống”.

Sau khi nhìn tôi một lượt từ trên xuống dưới, cô C. hỏi nhát gừng: “Quê ở đâu, ai giới thiệu, bán nổi không?”. Nghe tôi ra sức phân trần, kể khổ và nằn nì xin đi bán hàng rong, cô C. dịu giọng: “Có ở lại không? Về nhà lấy đồ đạc, cầm theo CMND đến đây”. Tôi hớn hở gật đầu lia lịa.

Trở lại nhà cô C., tôi thổ lộ ý định muốn bán hàng ngay. Cô C. dẫn tôi vào nơi chứa hàng (cũng là “trụ sở giao dịch” giữa cô và các “môn đồ”), rồi luộc ngay trứng cút, lấy bánh tráng, bánh phồng tôm, đậu phộng... chuẩn bị cho tôi đi bán thử. “Trụ sở” khá chật chội, phía trong treo lủng lẳng 3-4 bọc bánh tráng to, phía dưới là giỏ trứng cút, trong góc là kho chứa đậu phộng luộc.

Một chị “đồng nghiệp” vừa thoăn thoắt cột đậu phộng vào bịch vừa “chỉ giáo” cho tôi: “Em không được ngại ngùng, xấu hổ gì cả, phải ráng mời mọc khách nhé”. Cô C. tiếp lời: “Tiền chẵn bỏ một bên, tiền lẻ bỏ một bên, khi khách mua thì lấy tiền lẻ ra thối, cẩn thận coi chừng bị giựt. Khách nào có người đang mời thì đừng nhào vô, phải đợi người ta đi mình mới đến mời, không thì dễ bị họ đánh, chửi đó”. Tôi hỏi cô C. đi bán mấy giờ thì về được. Cô C. bảo tôi là dân mới vào nghề nên về sớm sớm, chừng 2 giờ sáng!

Ở trọ: Tiền nào của đó!

Tôi lên gác nhà cô C. cất đồ đạc. Căn phòng rộng chưa đến 10 m2, đồ đạc, quần áo, giỏ xách, bịch ni lông, chăn màn, soong nồi... bày la liệt. Giữa trưa, hơi nóng hầm hập luồn vào như muốn nung chảy căn phòng, vậy mà gần chục chị vẫn nằm ngủ say sưa. Khoảng trống bên ngoài phòng ọp ẹp rộng chừng hơn 1 m cũng có 4-5 người nằm chen chúc ngủ.

Hầu hết các “lò” như chị Lên, chị C. đều chỉ lấy tiền trọ và được toàn quyền giao hàng cho những người bán hàng rong. Những “lò” này đều bố trí chỗ trọ cho bạn hàng, tùy mức độ “tiện nghi” mà thu từ 1.000-5.000 đồng/người/ngày.

Chật chội quá, các chị đành nằm xeo xéo nhau mới có chỗ đặt lưng. Phía trên còn một căn gác nữa, cảnh tượng cũng y hệt. Tiền trọ ở đây mỗi ngày chỉ khoảng 1.500 - 2.000 đồng/người. Nhà tắm chỉ có một cái nên ai về trước tắm trước, vì thế đến 3-4 giờ sáng vẫn còn người tắm giặt rổn rảng.

Tại “lò” chị Lên, các “đồng nghiệp” của chúng tôi mỗi ngày chỉ phải trả 1.000 đồng. “Chị bao luôn điện, nước”, chị Lên báo cho chúng tôi biết. Ở Sài Gòn mà ở trọ 30.000 đồng/tháng quả là trong mơ đối với người xa xứ đến đây làm ăn kiếm sống. Tuy nhiên, khi vào căn nhà của chị Lên, tôi mới biết quả là tiền nào của nấy!

Đây không đáng gọi là phòng hay nhà mà chỉ là chỗ ngả lưng hằng đêm của các chị. Căn nhà cũ một gác tồi tàn làm bằng gỗ lâu năm được vợ chồng chị Lên tân trang, đóng ván ép ngăn từng ô 3-4 m2 thành phòng đủ cho 2 người nằm ngủ. Trên gác và dưới đất, chúng tôi đếm có gần chục căn phòng tạm bợ như thế.

Thấy tôi có vẻ ái ngại, chị Hoa, bán hàng rong trọ ở đây hơn 4 năm nay, an ủi: “Làm nghề này mà muốn có dư phải chịu ăn ở khó khăn chút em à. Em kiếm đỏ mắt ở Sài Gòn cũng không ở đâu có giá này. Lúc đầu mới vô tụi chị cũng không quen, nhưng ở riết sẽ thích nghi thôi”.

Chị Lên đứng gần đó giãi bày: “Chị cũng muốn làm nhà khang trang cho bà con mình ở lắm, nhưng phải thuê nhà khác giá cao hơn nhiều, bà con phải đóng thêm tiền. Thời buổi vật giá leo thang này, tăng tiền có nước họ bỏ mình qua “lò” khác mất”.

Chính vì lẽ đó, những người mới nhập môn như chúng tôi, ngoài học cách bán hàng rong còn phải học cách thích nghi chỗ ở, rồi học lịch sinh hoạt, phân chia giờ giấc tắm giặt, nấu nướng, vì 30 người chỉ sử dụng 2 toilet, 1 bếp chung.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật