“Vòng nguyệt quế” - mạo hiểm mới của tôi

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau thành công của những bộ phim truyền hình được đông đảo khán giả đón nhận, đạo diễn Mai Hồng Phong lại “tái ngộ” màn ảnh nhỏ với “Vòng nguyệt quế”. Những tập đầu của bộ phim vừa được công chiếu vào “giờ vàng” của VTV1, với những hứa hẹn đầy bất ngờ và thú vị trong tình huống phim.
“Vòng nguyệt quế” - mạo hiểm mới của tôi
Ảnh minh họa

Kể về những phản hồi đầu tiên dành cho bộ phim, đạo diễn Mai Hồng Phong nói rất giản dị: “Tôi thích cả lời khen lẫn lời chê. Tôi vẫn đang chờ đợi những sự phản hồi. Bởi có nhiều phản hồi nghĩa là bộ phim của tôi có nhiều người xem” .

- Những tập đầu của phim “Vòng nguyệt quế” vừa được phát sóng, chắc hẳn anh đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ khán giả?

- Tôi nhận được khá nhiều sự phản hồi, khen cũng nhiều mà chê cũng có. May là hiện nay tỷ lệ khen nhiều hơn. Một bộ phim dài tập cũng như một đời người, để hiểu hết hay hiểu chính xác về nó thì cần có thời gian.

Tôi nghĩ rằng khán giả phải xem khá lâu để cảm nhận một cách xác thực nhất. Chứ chỉ qua vài tập đầu của bộ phim thì chưa thể nói được điều gì.

- Anh có thể nói thêm về kịch bản và tác giả kịch bản của bộ phim “Vòng nguyệt quế”?

- Thường thì tôi sẽ nhận kịch bản theo quy trình sản xuất chuyên nghiệp của Hãng phim Truyền hình Việt Nam. Đó là nhận kịch bản, đọc, nếu cảm thấy thích thì nhận làm. Nhưng với “Vòng nguyệt quế” thì hơi khác một chút. Cách đây khoảng hơn 2 năm, khi tôi đang làm phim “Đèn vàng”, biên kịch trẻ Hà Thủy Nguyên đã điện thoại cho tôi và đề nghị tôi nhận làm một bộ phim mà cô ấy cùng một nhóm biên kịch đang viết đề cương.

Nhóm của cô ấy muốn khai thác đề tài về thế hệ người viết văn trẻ với những trăn trở, góc nhìn cuộc sống, những thành công và sự trả giá của họ. Hồi đó, khi nghe lời mời tôi rất vui, bởi tôi vốn hay làm phim hướng tới đối tượng khán giả lớn tuổi... nói nôm na là làm “phim già”, nay lại được mời làm “phim trẻ”.

Mặt khác, tôi cũng có hoài nghi, vì đã không ít lần nhận kịch bản kiểu như vậy nhưng không thấy hay. Sau đó tôi đã nhờ nhà văn Thùy Linh (hiện là Phó giám đốc Hãng phim Truyền hình VN) thẩm định kịch bản mà Hà Thủy Nguyên gửi tôi. Thùy Linh đọc rồi nói rất ngắn: “Phong ơi, được đấy, làm đi.” Khi ấy tôi mới đọc kịch bản và chính tôi cũng thấy rất thích.

- Những đặc điểm gì của kịch bản “Vòng nguyệt quế” đã thuyết phục anh, khiến anh thấy thích?

- Tôi nhận thấy trong đó có những nhân vật mang cá tính rất mạnh. Sức hút đầu tiên, với cương vị đạo diễn - tôi thấy đó là kịch bản xây dựng được những nhân vật điển hình, đầy cá tính và chính những cá tính ấy đã quyết định cách hành xử của các nhân vật và tạo nên thông điệp của bộ phim. Trong đó, có những nhân vật mà theo tôi, khi xem phim có lẽ khán giả sẽ bị cuốn theo họ, dù họ có những điểm cực đoan riêng của mình.

- Vậy khi làm “phim trẻ” anh có gặp nhiều khó khăn không?

- Khó khăn ở chỗ lâu quá rồi tôi mới làm một “phim trẻ”, sau hai bộ phim “Đèn vàng” và “Luật đời”. Thực ra thời gian trước tôi muốn hướng mình suy nghĩ già dặn hơn, muốn thể nghiệm... Nhưng ai cũng vậy, làm mãi cái gì đó cũng thấy chán. Rất may là đúng lúc đang chán thì tôi nhận được lời mời làm phim “Vòng nguyệt quế”.

Khi làm một phim về những người trẻ, cái khó đối với những người như tôi là đã quen sống đúng với tuổi tác và những trải nghiệm của mình, giờ phải tiếp cận, dành thời gian để suy nghĩ, hình dung về cuộc sống của giới trẻ ngày nay. Nhưng cũng may, tôi đã có một thời tuổi trẻ rất sôi động và hiện giờ tôi vẫn rất thích hòa nhập với giới trẻ trong công việc, giải trí, thú vui...

Một điều thuận lợi nữa là thực ra bộ phim của tôi đề cập đến những cây viết trẻ nhưng so với những người đồng trang lứa thì họ già dặn hơn, do họ có những sự trải nghiệm và góc nhìn sâu sắc về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống... Họ có thừa sự tự tin và bản lĩnh để đưa ra những phán xét của mình. Thậm chí chấp nhận cả sự trả giá để lớn lên và ngộ ra.

- Có nhiều người nhận định anh thành công ở phim “Luật đời” hơn phim “Đèn vàng”, với “Vòng nguyệt quế”, anh có nghĩ mình sẽ thành công hơn nữa không?

- Với cái nhìn chủ quan của bản thân về góc độ nghề nghiệp, tôi vẫn rất tâm đắc với phim “Đèn vàng” vì trong đó tôi đã gửi gắm được nhiều qua nhân vật chính của phim. Nhưng tôi cũng hiểu khán giả, phim “Đèn vàng” chỉ bó hẹp trong một khuôn viên tòa soạn, một gia đình, còn “Luật đời” lại đề cập đến vấn đề thiết thực hơn, rộng lớn hơn và gần gũi hơn với sự quan tâm của số đông.

Còn hiện giờ, với “Vòng nguyệt quế”, cứ để mọi người xem và cảm nhận dần. Tôi rất thích sự phản hồi và tôi đang chờ đợi những luồng ý kiến về bộ phim này. Tôi hy vọng khán giả xem phim và nhận thấy những cá tính, những thành công và sự trả giá của các nhân vật trong phim là sự hiển nhiên.

Từ đó, mỗi người sẽ “nghiệm” ra điều gì đó gần với mình. “Vòng nguyệt quế” không có thông điệp gì lớn lao, chỉ là chuyện mỗi cá tính sẽ gieo một số phận.

- Bộ phim có các nhân vật cá tính, có chuyện tình tay ba, thông điệp không lớn lao và gần gũi với lớp trẻ... Anh có ngại bộ phim của mình cũng trùng với motif phim truyền hình Hàn Quốc không?

- Đề tài tình yêu không bao giờ cũ. Và cả quan niệm về nó nữa. Cũng không hề đơn giản. Có hôn nhân đấy nhưng chắc gì đã có tình yêu. Để minh chứng, để tìm được một tình yêu đích thực, chung thủy thì nên chăng cũng cần sự trải qua những tình cảm bên lề khác...

Vấn đề là bạn đón nhận và xử lý nó thế nào! Có một điều cũng quan trọng để tạo ra sự khác biệt giữa tình yêu tay ba mà tôi xây dựng với những chuyện tình khác: Họ - những người đang yêu có một đời sống tâm hồn cực kỳ nhạ‌y cả‌m và phong phú, đó là thế giới của những nhà văn, nhà thơ trẻ với những quan niệm, lối suy nghĩ rất phóng khoáng, thẳng thắn.

Đó là những nhà lý luận có trí tuệ, sự hiểu biết rất rộng lớn nhưng cũng đầy ích kỷ… Tất cả tựu chung lại làm nên cái tôi của họ, cái mong muốn phải đạt được điều mình định làm và tình yêu của họ cũng vậy. Tôi hy vọng, chuyện tình yêu của những nhân vật trong phim tôi làm sẽ khiến khán giả thích thú bởi chính sự khác biệt ấy.


- Những nhân vật cá tính mạnh của anh liệu có gây thiện cảm với người xem bởi những sự khác biệt riêng của mình?

- Có thể người xem sẽ không thấy thực sự yêu quý nhân vật nào trong phim. Bởi nhân vật nào hình như cũng có sự bế tắc, nhiều lỗi lầm và đầy sự vô lý không thể lý giải. Có khi người xem sẽ khó chịu đấy, vì cùng là một tình huống nhưng người bình thường không cư xử như thế...

Nhưng tôi tin cuối cùng người xem sẽ thấy trân trọng khi chứng kiến cách hành xử của họ với nhau ở cuối câu chuyện. Tôi cũng có chủ trương khoáy sâu, cố tình tạo ra những điều nghịch lý, phi lý để người xem có thêm nhiều cơ hội đưa ra những phán xử riêng của mình…

Và biết đâu đó cũng chính là cái cớ để người xem nhìn nhận lại mình, những người quanh mình. Và từ đó, họ sẽ nhận thấy giá trị của những điều tưởng như rất bình thường của cuộc sống.

- Hình như đã có lần anh nói rằng có thể kết phim “Vòng nguyệt quế” sẽ không như khán giả mong đợi?

- Kết của một bộ phim bao giờ cũng là vấn đề rất khó đối với kịch bản và đạo diễn. Rất ít bộ phim nhận được lời khen về một cái kết. Kết của phim cũng như kết của một số phận, bao giờ cũng có sự nuối tiếc. Tất nhiên, tôi không thể tiết lộ về cái kết cụ thể của phim.

Chỉ có thể nói là tôi sẽ hướng khán giả chấp nhận và đồng ý với mình về một kết cục mà lẽ phải bao giờ cũng chiến thắng, trong đó có những sự hoán đổi vị trí mang tính bất ngờ, có những người không chiếm được thiện cảm của người xem trong suốt bộ phim bởi những ứng xử của họ nhưng kết cục lại là sự ngộ ra, sự cao thượng của chính những người ấy.

Những người có tri thức, khi ngộ ra điều gì thường có những cách đối diện thực tế và đi tiếp rất riêng...

- Anh nghĩ thế nào về việc tác giả kịch bản hoặc tác giả văn học có tác phẩm được dựng thành phim thường không nhận ra “nguyên hình” “đứa con tinh thần” của mình?

- Công việc của đạo diễn là dùng ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh chuyển tải thông điệp, vấn đề và cốt cách của kịch bản tới khán giả. Người ta vẫn thường nói “phim là của đạo diễn”, nhưng đạo diễn vẫn luôn cần tôn trọng người đã tạo nên nền tảng của bộ phim và giữ được cái cốt lõi của kịch bản.

Tác giả kịch bản hay văn học được ví như người cấp cho đạo diễn sự cụ thể của một thực đơn, và đạo diễn sẽ lựa chọn cách chế biến cho từng món, thêm bớt gia vị, chọn cách sắp đặt để tạo nên một mâm cỗ thật ngon mắt và ngon miệng.

- Anh đã bắt đầu một dự án làm phim mới, sau “Vòng nguyệt quế” chưa?

- Tôi đã có một lời mời tham gia vào dự án tiếp theo, nhưng tất cả mới chỉ ở những công đoạn đầu tiên. Thực ra làm phim có nhiều công đoạn lắm, bắt đầu từ những ý tưởng, rồi sự tìm tòi, khai thác và triển khai của cả một tập thể...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật