28 năm tìm hài cốt chồng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cô thôn nữ Phạm Thị Thảnh, quê làng Tân Quý (nay là phường Tân Quý, quận Tân Phú TPHCM) lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo.
28 năm tìm hài cốt chồng
Bà Phạm Thị Thảnh, vợ Anh hùng LLVTND Bành Văn Trân, nhớ lại kỷ niệm xưa.

Từ nhỏ cô đã một nắng hai sương cùng cha mẹ trồng rau màu đem ra chợ bán. Thấy cô chịu thương chịu khó lại hiền lành nết na, người bà con mai mối hỏi cô về làm vợ anh Bành Văn Trân, nhà ở sát sân bay Tân Sơn Nhất...

Lúc đó hai người đều cùng 22 tuổi, trông họ rất xứng đôi khiến ai cũng tấm tắc: đúng là “trai anh hùng, gái thuyền quyên”. Sau đám cưới, lần lượt 4 đứa con ra đời, chị ở nhà cùng cha mẹ chồng làm lụng nuôi con để anh yên tâm hoạt động cách mạng. Khi rảnh rỗi, anh phụ vợ chăm sóc con và lo việc đồng áng. Tham gia Đội Biệt động Sài Gòn - Gia Định, anh luôn phải “vào sinh ra tử” chiến đấu trực diện với kẻ thù, nhưng nhờ người vợ trẻ động viên nên anh đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Năm 1965, anh chỉ huy cánh quân đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất khiến kẻ thù kinh hoàng khiếp vía.

Sau trận đánh chấn động đó, anh được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, anh phụ trách cánh quân đánh vào các cơ quan đầu não của địch ở trung tâm Sài Gòn. Khi trở về căn cứ, anh đứng ngồi không yên vì đồng đội vẫn còn trong sào huyệt địch, anh liền quay lại tìm đồng đội nhưng có tên chiêu hồi chỉ điểm khiến anh bị địch bắt và đưa về giam ở khám Chí Hòa. Sống trong cảnh chồng bị bắt khi đứa con út mới vài tháng tuổi, chị chỉ biết nén đau thương, gửi con cho mẹ chồng và thay chồng tiếp tục hoạt động cách mạng. Rồi chính chị cũng bị địch bắt, chúng giam chị ở các nhà lao, khám lớn và tr‌a tấ‌n rất dã man nhưng do không khai thác được gì nên sau hơn 1 năm giam cầm, chúng đành phải thả chị.

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mọi người nô nức đón người thân trở về nhưng chị càng mong, người chồng càng biệt tăm. Mẹ chồng chị là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Trọng, hễ thấy ai đi qua hơi giống con trai mình, bà liền rối rít: “Thằng Trân nó về kìa..”. Thấy vậy chị lại nghẹn ngào: “Chắc anh ấy hy sinh rồi má ơi…”. Thương nhất là cha chồng, trong phút lâm chung, ông không nói ra hơi mà dùng 4 ngón tay ngoắc ra hiệu mọi người hãy đi báo tin cho 4 con trai về gặp cha gấp, nhưng cả 4 người con trai đều không về vì các anh đã vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường. 2 năm sau giải phóng (năm 1977), tức 9 năm sau ngày anh hy sinh, chị mới nhận được giấy báo tử ghi anh “hy sinh tháng 5-1968, không tìm thấy hài cốt”. Dù biết anh không còn nữa, nhưng chị vẫn quyết tìm anh cho bằng được, dẫu chỉ còn nắm xương tàn. Chị đi khắp nơi, lúc đến Bà Điểm - Hóc Môn, lúc đi căn cứ Trung ương Cục ở Tây Ninh, có lúc còn khăn gói ra tận Đà Nẵng tìm chồng nhưng vẫn không thấy.

Sau 28 năm xa cách và nhờ mọi người giúp đỡ, năm 1996, chị mới tìm thấy hài cốt anh ở khu trường đua Phú Thọ. Hiện nay tên Anh hùng LLVTND, liệt sĩ Bành Văn Trân được đặt tên cho một con đường và một trường học trên địa bàn quận Tân Bình, các cháu nội tự hào khi đang học tại ngôi trường mang tên ông nội của mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật