Thực hư GDP của Việt Nam cao hơn nhiều nước châu Âu?

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo bảng xếp hạng GDP năm 2012 mới nhất của ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam được xếp hạng 42/214 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt trên nhiều nước châu Âu như Na-uy, Phần Lan, Đan Mạch. Phải chăng bảng xếp hạng đã có gì bất thường?
Thực hư GDP của Việt Nam cao hơn nhiều nước châu Âu?
GDP của Việt Nam được WB dự báo tăng trưởng 5,3% trong năm nay

Bảng xếp hạng trên vừa được WB công bố hồi tuần trước. Theo đó quy mô tổng sản phẩm quốc nội theo sức mua (GDP PPP) của Việt Nam năm 2012 là 322,72 tỷ USD, vượt trên cả Na-uy (315 tỷ USD), Đan Mạch (231,4 tỷ USD) hay Phần Lan (206,1 tỷ USD).

So với khu vực Đông Nam Á, GDP của Việt Nam xếp hạng 6, sau Indonesia (1.223,5 tỷ USD), Thái Lan (655,5 tỷ USD), Malaysia (501,2 tỷ USD), Philippines (426,7 tỷ USD) và Singapore (328,3 tỷ USD).

Trong khi đó ở phía trên bảng xếp hạng, vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Mỹ với quy mô GDP 15.684,8 tỷ USD, xếp trên Trung Quốc với 12.470,9 tỷ USD. Nhưng ngạc nhiên hơn cả là theo bảng xếp hạng này, Ấn Độ đã qua mặt cả Nhật và Đức để giành vị trí thứ ba với quy mô GDP 4.793,4 tỷ USD. Tương tự, GDP của Nga cũng vươn lên hàng thứ 5 thế giới, chỉ xếp sau Nhật. Phải chăng bảng xếp hạng trên đã có những nhầm lẫn?

Trên thực tế, không hề có sự nhầm lẫn nào cả. Bảng xếp hạng GDP trên được WB thực hiện dựa trên ngang giá sức mua (PPP) và khác với GDP danh nghĩa mà các nước vẫn thường công bố.

GDP theo ngang giá sức mua là GDP danh nghĩa của một nước được quy đổi sang một đồng tiền quốc tế (thường là USD) theo tỷ lệ ngang giá sức mua. Tỷ lệ ngang giá sức mua được quyết định bởi lượng hàng hóa và dịch vụ mà 1 USD có thể mua được ở các nước khác nhau.

Với cách tính này, GDP theo PPP của các quốc gia đang phát triển thường cao hơn GDP danh nghĩa do 1 USD tại các nước này có sức mua lớn hơn tại các nước phát triển.

Theo công bố cũng của WB trong tháng 7, GDP danh nghĩa của Việt Nam năm 2012 là 141,7 tỷ USD và xếp hạng 51/190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó GDP danh nghĩa của Trung Quốc chỉ là 8.227,1 tỷ USD, nhỏ hơn rất nhiều con số GDP (theo PPP) 12.470,9 tỷ USD.

Trong một bản báo cáo cập nhật về kinh tế Việt Nam được WB công bố ngày 12/7 vừa qua, GDP của Việt Nam trong năm nay được dự báo tăng trưởng ở mức 5,3% trước khi nhích lên 5,4% trong năm tới.

Trong đó, các nguy cơ của kinh tế Việt Nam được chỉ ra đó là: tăng trưởng chậm lại có thể làm tăng nhu cầu nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, làm tăng áp lực lạm phát, khiến những thành quả về ổn định kinh tế vĩ mô đạt được gần đây bị lung lay. Bên cạnh đó sự chậm trễ trong triển khai tái cấu trúc nền kinh tế có thể khiến niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm và làm triển vọng tăng trưởng thêm xấu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật