Thí sinh hứng khởi với... tật xấu người Việt

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kỳ thi đại học (ĐH) đợt 2 năm nay, nhiều thí sinh cho rằng đề văn năm nay khó nhưng hay, đặc biệt là câu nghị luận xã hội khi đề cập tới những thói xấu của người Việt.
Thí sinh hứng khởi với... tật xấu người Việt
Thí sinh dự thi khối C, D khó “phán đoán” điểm thi môn văn.

Dạng đề lạ

Với câu 2 nghị luận xã hội ở đề văn khối D nói về tính cách của người Việt Nam và trích dẫn nguồn không phải từ danh nhân mà là từ một Việt kiều trẻ, mới 24 tuổi. Đây là dạng đề lạ mà thí sinh chưa gặp nhiều năm gần đây. Trước đây, đề văn khi phê phán tật xấu thường phê phán tật xấu của một nhóm người, thành phần nào đó trong xã hội. Nhưng với đề thi năm nay, đề lại phê phán tật xấu của người Việt Nam, cụ thể là phê phán tính thụ động.

Thí sinh Trần Linh Chi (Lào Cai), thi vào ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội hào hứng: “Em đọc và chọn câu nghị luận xã hội làm trước, vì em cảm thấy rất hứng thú khi đặt bút viết về vấn đề này. Tình trạng thụ động, lười sáng tạo em đã từng mắc phải nên có kinh nghiệm. Em rất tự tin với bài làm của mình”.

“Thụ động, lười suy nghĩ, thiếu sáng tạo thực sự là vấn đề nhức nhối trong học đường hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, ý kiến trên cũng chưa đúng hoàn toàn bởi không phải người Việt nào cũng mắc phải tật xấu ấy.

Khi đưa dẫn chứng vào bài em đưa chính trường hợp của mình khi đã quyết định dự chọn thi vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn để quay trở về phục vụ quê hương, mặc dù bị bố mẹ em phản đối. Em muốn là người tiên phong xác định không lập nghiệp ở Hà Nội, quay về quê hướng dẫn người dân quê em thay đổi cách nghĩ, cách làm để cuộc sống ấm no hơn”- em Đào Phương Linh (Nam Định) chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Liên - giáo viên dạy văn Trung tâm GDTX Tam Điệp, Ninh Bình nhận định, đề văn thi ĐH năm nay ở cả khối C và D đều rất hay, tạo sự kíc‌h thí‌ch hứng thú làm bài của thí sinh. Đề thi tạo sự chủ động cho thí sinh chứ không phải theo kiến thức của giáo viên. Tuy nhiên, cô Liên cũng tỏ ra khá băn khoăn khi đề thi đề cập đến tính thụ động của người Việt Nam: “Liệu các em có dám bày tỏ ý kiến riêng của bản thân hay không? Nếu các em có thể trình bày được ý kiến độc lập, thẳng thắn mới đạt được câu 2 nghị luận xã hội”.

“Tôi chờ đợi hướng dẫn đáp án của Bộ GDĐT có thật sự cởi mở và nhìn nhận thẳng thắn vào nhược điểm của người Việt Nam hay không. Tôi nghĩ, chỉ cần thí sinh nêu được quan điểm và có những lý lẽ thuyết phục chứng minh cho quan điểm của mình thì thí sinh đó sẽ giành điểm cao trong câu này” - cô Liên nói.

Vẫn bàn luận về lối sống

Không chỉ khối D, đề văn của khối C năm nay cũng được nhiều người nhận xét khó nhưng hay về nhận xét của Giáo sư Trần Đình Hượu về lối sống người Việt: “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn”.

Không ít thí sinh đã bị “mắc lừa” dẫn tới hăng hái nói tràng giang đại hải về “sự khôn khéo”. Chẳng hạn như thí sinh Trần Phương Linh (Nam Định) tại điểm thi Trường ĐH Công đoàn cho biết: “Hiện nay, rất nhiều người có trí tuệ, có tri thức nhưng không khôn khéo gây mất lòng nhiều người. Phương châm sống của em là học sự khôn khéo từ những cái nhỏ nhất, từ học ăn, học nói đến học cách ứng xử, giao tiếp hàng ngày chứ không phải chỉ biết học kiến thức trong sách vở”.

Tuy nhiên, nhiều thí sinh khác thì tinh tế hơn khi hiểu và phân tích theo hướng đây cũng là đề thi nói về thói xấu của người Việt không trọng thực học mà trọng hư vinh, lời nói bóng bẩy… nên viết bài theo hướng “không nên sống lối sống khôn lỏi, chỉ biết đến bản thân mà không quan tâm đến người khác”.

Em Hoàng Thu Thảo (Phủ Lý, Hà Nam) thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, với đề thi chủ yếu viết cảm nhận, bình luận và phải thể hiện chính kiến bản thân như đề thi văn khối C, D thì việc “phán đoán” điểm thi là rất khó. “Sau khi thi, bọn em có trao đổi với nhau về đề thi, người bảo dễ, người bảo khó, khi nói ra quan điểm viết bài thì không ai giống ai, thậm chí cãi nhau. Vì thế, em cho rằng bài thi năm nay chỉ hơn thua nhau ở cách phân tích”.

Cô Hoàng Minh Khánh - giáo viên Trung tâm Ôn thi trực tuyến Onthi.net.vn cho biết, đề thi năm nay bám sát cấu trúc đề thi ĐH mà Bộ GDĐT đã định hướng. “Câu nghị luận xã hội khối C là nhận định về lối sống của người Việt Nam truyền thống rất khách quan và tinh tế của Giáo sư Trần Đình Hượu. Lối sống ấy vẫn còn không ít người lựa chọn. Vấn đề đặt ra là cần phải thấy được điểm tích cực và tiêu cực của lối sống ấy. Do vậy, đề buộc thí sinh phải nhìn nhận vấn đề ở nhiều hướng. Đây cũng là dịp để các em lựa chọn cho mình một lối sống đúng đắn nhất” - cô Khánh cho biết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật