Bí ẩn khu mộ đá cổ ở Kim Bôi - Hòa Bình

Saigontin Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các ngôi mộ đá ở Kim Bôi - Hoà Bình đều tuân thủ một nguyên tắc chung: phía đầu mộ chôn ba khối đá cao, to nhất thành một hàng thẳng, còn chân mộ chôn ba khối nhỏ hơn, thấp hơn đối xứng với đầu mộ: Có khối cao đến 5m, nặng cả chục tấn...
Bí ẩn khu mộ đá cổ ở Kim Bôi - Hòa Bình
Ông Bùi Minh Lợi trước ngôi mộ còn sót lại.
 

Có một nữ tiến sĩ người Nhật, đã nhiều năm nghiên cứu văn hóa dân tộc Mường ở Việt Nam. Bà biết đến khu rừng mộ đá độc đáo ở Kim Bôi, Hòa Bình qua tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học. Bà đã cùng các nhà khảo cổ sang Việt Nam khai quật khu mộ này. Khi chứng kiến cảnh hoang tàn của rừng mộ đá 400 năm tuổi, bà đã bật khóc vì tiếc nuối.

Ông Bùi Minh Lợi, Trưởng ban Văn hóa xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi, Hòa Bình) cứ kể đi kể lại câu chuyện đó khi tôi hỏi về khu mộ đá Đống Thếch. Ông đã bỏ công việc đồng áng cả tháng trời để xem những người Nhật Bản yêu khảo cổ làm việc miệt mài trên đống mồ hoang còn lại do bị bọn “mộ tặc” đào bới. Nước mắt của vị nữ tiến sĩ người Nhật làm ông xúc động.

Ông Lợi là Trưởng ban Văn hóa xã, quyền hành chẳng có là bao, nhưng ông rất có trách nhiệm với khu rừng mộ đá huyền bí nằm giữa thung lũng có hình miệng rồng này. Những giọt nước mắt tiếc nuối một di chỉ khảo cổ cực quý của nữ tiến sĩ người Nhật làm cho ông hiểu thêm giá trị của nó.

Vậy nên, dù khu mộ đá chẳng còn lại là bao, ông vẫn ngày hai lần, tối hai lượt đạp xe lọc cọc vào khu mộ đá để xua đuổi những tên “mộ tặc” chuyên săn lùng đồ cổ. Tất nhiên, chẳng ai trả lương cho ông vì việc đó. Ông cần mẫn làm vậy để mong con cháu đời sau còn được biết đến văn hóa dân tộc Mường Động của mình xưa kia.

Tôi thật sự khâm phục sự cẩn thận của ông Lợi khi ông lôi trong chiếc tủ đã mối mọt ra một chồng tài liệu ố vàng, cũ kỹ, toàn là nói về văn hóa Mường và những nghiên cứu khảo cổ khu rừng mộ đá Đống Thếch.

Ngày ông Lợi còn nhỏ, ông cùng đám trẻ trong bản thường xua trâu bò lên núi, quanh khu rừng mộ đá. Dù tò mò lắm song bọn trẻ cũng không dám vào khu rừng mộ đá, bởi nó quá lạnh lẽo, u ám. Khi đó, rừng phủ khắp nghĩa địa mộ đá. Hàng vạn cột đá đen trũi nằm im lìm trong sương mờ, trải khắp thung lũng. Nơi đây được mệnh danh là vùng đất của người chết, cọp beo và các vị thần linh.

Theo tài liệu cổ của người Mường, ngày xưa, các vị quan lang ở xứ Mường Động rộng lớn đã chọn khu vực núi non hình miệng rồng này làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng nhằm giữ long mạch cho con cháu đời sau mãi được cơ đồ.

Theo truyền thuyết, người vợ thứ ba của Vua Hùng giận chồng đã bỏ kinh đô, dắt theo hai người con lên rừng khai hoang lập ấp, tạo nên vùng đất vô cùng trù phú. Khi ba mẹ con mất hóa thành 3 ngọn núi dáng rồng chầu và cùng hướng về kinh đô. Hàng năm, vào những ngày tết, các bản Mường dắt trâu, bò lên núi, nơi có rừng mộ đá mổ thịt cúng Vua Hùng.

Mỗi bản Mường thường có một bà mỡi (tương tự như thầy mo, thầy cúng) và các bà mỡi có quyền lực rất lớn trong bản. Điều đặc biệt là các bà mỡi đều thờ Vua Hùng. Để quyền năng của mình cao hơn, các bà mỡi thường sắm lễ mang vào rừng mộ đá cúng bái.

Khi một vị quan lang hoặc gia tộc có người chết thì cả vùng Mường Động làm đại tang. Quan tài là một khúc gỗ quý được khoét rỗng ruột. Sau nhiều ngày cúng bái, quan tài mới được khiêng đi chôn ở nghĩa địa mộ đá. Người ta rải một lớp than củi đốt bằng gỗ trai, và đổ vào quan tài một lớp gạo rang khá dày rồi mới lấp đất.

Chỉ với những vị quan lang mới được táng cẩn thận như vậy để giữ xác lâu phân hủy. Những đồ vật cũng được chôn theo khá nhiều. Người nào làm quan to, giàu có thì được chôn theo rất nhiều vật quý. Thậm chí, theo truyền thuyết, người ta còn chôn sống gia nhân là các cô gái xinh đẹp để phục vụ người chết ở cõi âm. 

Sau khi lấp mộ, lính tráng, cùng hàng trăm thanh niên khỏe mạnh khắp xứ Mường Động phải cưỡi voi vào tận Thanh Hóa khai thác đá xanh vĩnh cửu rồi vận chuyển ra. Điều này được kể trong những mo Mường và cũng khớp với nhận định của các nhà khoa học, bởi loại đá xanh vĩnh cửu như ở khu mộ này chỉ có ở Thanh Hóa. Những khối đá lớn này được đẽo gọt, chạm trổ rồi đem chôn xung quanh mộ.

Các ngôi mộ đều tuân thủ một nguyên tắc chung: phía đầu mộ chôn ba khối đá cao, to nhất thành một hàng thẳng, còn chân mộ chôn ba khối đối xứng với đầu mộ và những khối này nhỏ hơn, thấp hơn. Nhiều nhà khảo cổ đã sững sờ trước cảnh tượng hàng ngàn khối đá lớn, có khối cao đến 5m, nặng cả chục tấn, được dựng thẳng đứng quanh những ngôi mộ sau vài trăm năm dãi dầu mưa nắng mà vẫn vững chãi. Với các nhà khoa học, việc đưa ra những giả thuyết về cách khai thác, vận chuyển những khối đá lớn này trên đoạn đường rất dài của người xưa là hết sức thú vị.

Trên mỗi khối đá đều khắc chữ Hán nói về thân thế, công danh, gia tộc của người nằm dưới mộ. Với những khối đá xanh vĩnh cửu, các quan lang, gia tộc người Mường tin rằng con cháu đời sau sẽ mãi khắc ghi công trạng của tổ tiên mình.

Ông Lợi cho tôi xem bản dịch của một chuyên gia khảo cổ học nội dung của những dòng chữ trên một hòn đá mồ: Ông Đinh Công Kỷ, tước Uy lộc hầu, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1582, mất giờ sửu, ngày 13 tháng 10 năm Đinh Hợi 1647. Khi chết được ban tước Chưởng vệ đề đốc uy quận công. Đến ngày 22 tháng 2 năm Canh Dần (1650) được đưa về huyệt trên núi bằng 15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa...

Con cháu, thê thiếp của các vị quan lại thổ tù cũng đều có mồ riêng với những cột đá sừng sững uy nghi. Có một điều gây ấn tượng đặc biệt đối với các nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế, ấy là những tấm bia đều ghi ngày mất và ngày hạ huyệt cách nhau rất lâu, đến vài năm. Tuy nhiên, các cụ già người Mường lại rất hiểu điều này.

Những bài mo Mường kể rằng, khi người chết, xác được cho vào trong khúc gỗ quý có lót than gỗ trai, gạo rang rồi treo trong nhà hoặc bếp vài năm sau mới đem chôn. Trong suốt thời gian đó, gia đình phải cúng tế đều đặn với những nghi lễ rất phức tạp để linh hồn người chết được siêu thoát.

Cũng chính việc mai táng người chết phức tạp, kéo dài như vậy nên nền văn hóa Mường một thời được thể hiện rất đầy đủ qua các nghi lễ mai táng. Nữ tiến sĩ người Nhật nói với ông Lợi rằng, bà đã đi rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa gặp nơi nào có rừng mộ rộng lớn và chứa đựng nhiều câu trả lời về văn hóa, lịch sử như khu mộ Đống Thếch của người Mường. Chỉ tiếc rằng nó đã bị phá gần hết.

Vẫn với chiếc xe đạp lọc cọc, ông Bùi Minh Lợi dẫn tôi qua những con đường quanh co tìm vào hõm núi hình miệng rồng. Khu mộ đá hiện ra trước mắt thật thảm hại. Cả một thung lũng rộng lớn, từng là rừng mộ mênh mông xưa kia, nay là cánh đồng mía bạt ngàn, những thửa ruộng trồng đủ các loại rau cỏ. Trâu bò nhẫn nại kéo cày, người kiên trì cuốc đất.

Để bảo vệ rừng mộ đá cổ kính, bí ẩn một thời, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã trình thủ tục lên trung ương và lập tức khu mộ cổ Đống Thếch trở thành di tích lịch sử quốc gia. Ngay sau đó, khu mộ đá cổ còn sót lại được đầu tư làm đường, xây tường rào, nhà bảo vệ và có cả ban bảo vệ di tích, cùng với hướng dẫn viên phục vụ khách tham quan.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đến thì thấy cảnh tượng bảo vệ di tích cấp quốc gia này thật... buồn. Tường xây thấp lè tè, không có hàng rào thép gai bảo vệ, cổng mở suốt ngày đêm, nhà bảo vệ không một bóng người. Trong khu vực còn sót lại của rừng mộ rộng 3 ha được “bảo vệ nghiêm ngặt” này, người dân vẫn dắt trâu bò vào cày bừa, gieo trồng quanh những ngôi mộ cho đỡ... phí đất.

Các hố khai quật đã được san bằng để trồng ngô, đậu tương, rau cỏ. Những tảng đá được người dân khiêng về lót cầu ao, đập vỡ nung vôi, hoặc đẩy vào một xó để lấy đất trồng cấy. Tệ hại hơn, người ta còn xây cả hố chứa phân chuồng, ủ phân xanh bón cho cây trồng trong khu vực bảo vệ.

Không hiểu sao, trong khi du khách lên Hòa Bình có rất ít chỗ để tham quan, tìm hiểu văn hóa Mường, vậy mà ngay tại “thủ phủ Mường Động” này người ta lại bỏ phí một khu di tích quý như vậy?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật