Kết thúc điều tra vụ lừa đảo tại Công ty CP Thương mại XNK Minh Khôi

Saigontin Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tham gia vào đường dây tuyển người đi du học và làm việc tại Hàn Quốc của Mẫn Lê Phương còn có Hoàng Thị Hòa - Giám đốc TT Hỗ trợ từ thiện và Phát triển hạ tầng cơ sở (Nghệ An), và Phạm Xuân Hùng - phụ trách Văn phòng đào tạo lao động xuất khẩu Hatech, thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.
 

Chỉ thành lập được một thời gian ngắn, nhưng với khát vọng làm giàu bằng con đường bất chính, Mẫn Lê Phương - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Minh Khôi (gọi tắt là Công ty Minh Khôi) có trụ sở tại 75 phố Nguyễn Ngọc Nại, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội cùng với nhân viên Nguyễn Huy Việt và một số đối tượng có chức vụ khác đã lừa đảo người lao động chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng.

Công ty Minh Khôi chỉ có chức năng tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tư vấn du học, chứ không có chức năng xuất khẩu lao động, không có hợp đồng liên kết, không được ủy quyền tuyển sinh cho các trường Hàn Quốc, vậy nhưng Phương, Việt vẫn thông báo tuyển người đi du học tại các trường đại học, cao đẳng của Hàn Quốc với lời quảng cáo rất hấp dẫn như: "Sau thời gian học ngoại ngữ 6 tháng, học viên sẽ được bố trí làm việc với mức lương 640 USD một tháng, chi phí trọn gói 7.000 USD một người, thời gian làm hồ sơ, cấp visa trong vòng ba tháng là được xuất cảnh".

Quảng cáo là như vậy, song mục đích việc làm của Phương là đưa người đi lao động tại Hàn Quốc dưới hình thức du học tự túc để tránh sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước về xuất khẩu lao động. Nhằm tạo niềm tin và để dễ thu được tiền của người lao động, Phương đã ký hai hợp đồng trái phép với hai công ty Hàn Quốc là PowerlineKorea và Bridge net works (chức năng của hai công ty này là hỗ trợ sinh viên nước ngoài du học tại Hàn Quốc). Sau đó, Phương dùng thủ đoạn ký hợp đồng dưới hình thức tư vấn du học với những người có nhu cầu. Nội dung hợp đồng tư vấn là đưa người sang học ngoại ngữ và bố trí việc làm tại Hàn Quốc.

Khi các thủ tục hình thức đã hoàn tất, Công ty Minh Khôi nói sẽ làm hồ sơ, xin cấp visa xuất cảnh và thu tiền của những người lao động và du học. Thế nhưng, Phương không đưa được người đi lao động hay du học tại Hàn Quốc.

Từ tháng 5 - 7, tham gia vào đường dây tuyển người đi du học và làm việc tại Hàn Quốc của Mẫn Lê Phương còn có Nguyễn Tiến Quyến, ở Bắc Giang, Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ từ thiện và Phát triển hạ tầng cơ sở (Nghệ An), và Phạm Xuân Hùng - phụ trách Văn phòng đào tạo lao động xuất khẩu Hatech, thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.

Quyến thu của 9 người số tiền 110.000 USD, Hòa thu của 60 người với số tiền 69.000 USD và 55 triệu đồng, Hùng thu của 12 người với số tiền 26.700 USD. Tất cả số tiền thu được gần 1, 5 tỷ đồng, Quyến, Hòa và Hùng đều đem nộp cho Phương.

Hành vi lừa đảo của Phương diễn ra được một thời gian thì bị lộ tẩy. Người lao động đã đến yêu cầu Phương phải hoàn trả toàn bộ số tiền họ đã nộp thì Phương tìm mọi cách khất nợ... Khi được cơ quan điều tra triệu tập, Mẫn Lê Phương khai rằng số tiền thu được của các du học sinh, Phương chi phí vào việc hoàn chỉnh hồ sơ dịch thuật, công chứng, làm sổ tiết kiệm.

Ngoài ra, Phương còn chuyển cho ông Yong- Lark, Giám đốc Công ty Bridge net works Hàn Quốc 7.500 USD; chuyển cho hai chị em Nguyễn Thị Kiều Hạnh và Nguyễn Thị Kiều Phương ở TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định 17.000 USD. Tiến hành xác minh lời khai của Phương, Cơ quan CSĐT thấy không có cơ sở.

Trong thời gian làm việc cho Mẫn Lê Phương, Nguyễn Huy Việt đã giúp Phương thu của hàng chục người lao động với số tiền 273 triệu đồng. Số tiền này, Việt đã chuyển hết cho Phương. Do vậy, cùng với Phương, Việt cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền trên.

Ngay sau khi sự việc bị phát giác, Phạm Xuân Hùng đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra chưa làm rõ được hành vi phạm tội và trách nhiệm của những người liên quan. Song, trên cơ sở lời khai của các đối tượng liên quan, cơ quan điều tra bước đầu đã xác định được, ngoài số tiền thu giúp Phương, Hùng còn tự thu của người lao động hàng chục nghìn USD và hàng chục triệu đồng.

Ngày 3/7, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã đối với Phạm Xuân Hùng. Và ngày 31/10, cơ quan điều tra quyết định tách vụ án hình sự, phần tài liệu có liên quan đến Hùng để khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Biết việc hợp tác của mình với Mẫn Lê Phương là sai phạm nên Hoàng Thị Hòa đã tự nguyện trả hết tiền cho người lao động để khắc phục hậu quả nên Cơ quan CSĐT không xử lý hình sự trong vụ án này. Tuy nhiên, cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi của Hòa trong vụ án Hoàng Xuân Hùng lừa đảo chiếm đoạt tài sản để xử lý sau.

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội còn có công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An, và Hội Khoa học Kỹ thuật đúc kim Việt Nam đề nghị kiểm tra hoạt động Trung tâm Hỗ trợ từ thiện và Phát triển hạ tầng cơ sở do Hoàng Thị Hòa làm Giám đốc để quản lý theo quy định của pháp luật.

Quá trình nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, VKSND TP Hà Nội quyết định truy tố Mẫn Lê Phương (31 tuổi, ở phố Nguyễn Lương Bằng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) và Nguyễn Huy Việt (27 tuổi, ở tổ 13, tập thể Công ty Khai thác nước ngầm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

Điều đáng nói là trước khi xảy ra vụ án này, tháng 1/2006, Mẫn Lê Phương đã bị TAND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tuyên phạt 36 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 54 tháng về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", và tội "Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức". Thế nhưng, Phương vẫn không chịu tu dưỡng mà lại tiếp tục dấn thân vào con đường phạm tội

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật