Người con của dân bản

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Gặp Trung tá Lầu Văn Chinh-Phó Trưởng phòng An ninh xã hội (Công an tỉnh Thái Nguyên), ai cũng cảm thấy dễ gần, dễ mến. Anh có đến 17 năm làm công việc giữ gìn an ninh vùng đồng bào thiểu số, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Người con của dân bản
Ảnh minh họa

Có lý có tình

Chinh là người dân tộc Mông, sinh năm 1973 tại xóm Lũng Nái, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Lớn lên đúng lúc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, nên 9 tuổi anh mới được học lớp 1. Vừa biết mặt chữ thì Chinh được về Thái Nguyên học ở trường Văn hóa 1 (Bộ Công an). Khóa học của anh có đến hơn 80 học sinh là con em các đân tộc thiểu số vùng biên giới. Riêng huyện Hà Quảng có 20 người, vậy mà khi tốt nghiệp lớp 12, đồng hương Hà Quảng của anh chỉ còn có 3 người.

Năm 1995, tốt nghiệp Đại học An ninh, Chinh được phân công về Cao Bằng công tác. Nhưng duyên phận lại đẩy đưa anh gắn bó với Thái Nguyên. 17 năm qua anh thuộc địa bàn sinh sống của người Mông như thuộc lòng bàn tay mình.

Khó khăn đầu tiên khi Lầu Văn Chinh về Thái Nguyên công tác là phải giải quyết điểm nóng ở bản Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) năm 1996. Người Mông ở đây rủ nhau theo đạo “Vàng Chứ”. Biết chọn đúng đối tượng cần đấu tranh là bà Lý Thị Sính- Thày cúng , tự nhận là “Đức mẹ Maria” bằng xương bằng thịt, là người của Đức Chúa trời nên biết mọi thứ và làm được mọi việc, Chinh đã kiên trì và khôn khéo tranh luận và làm cho bà Sính phải nể phục, tự nguyện tuyên truyền người dân đi theo con đường đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Cùng thời gian, nhiều người Mông từ các tỉnh di cư về Thái Nguyên, kéo theo tà đạo Dương Văn Mình. Bà con bị tà đạo lôi kéo đã bỏ cả sản xuất, quyên góp tiền để “mua vé” lên thiên đàng vào ngày tận thế. Trước ngày bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp (tháng 5/2011), các đối tượng xấu đã kích động lôi kéo đồng bào Mông ở xóm Trung Sơn không đi bầu cử và đưa yêu sách phải cho theo đạo “Dương Văn Mình”. Không ngại khó khăn vất vả, đêm trước bầu cử, Chinh đã đến từng nhà các đối tượng để tiếp xúc, tuyên truyền, vận động. Bằng phương pháp dân vận có lý, có tình vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết phân tích đúng sai theo Pháp Luật, các đối tượng đã hiểu ra và kết quả là toàn bản đã đi bỏ phiếu đâỳ đủ.

Đến với người dân bằng sự chân thành

Để cảm hóa, giáo dục một số đối tượng, Chinh đã tiếp cận, nắm bắt được hoàn cảnh của gia đình và bản thân họ, quan tâm chia sẻ khó khăn với họ. Từ những giúp đỡ chân thành như tìm thày, tìm thuốc chữa cho người bệnh, bỏ tiền túi ra sửa chữa xe máy cho đối tượng gặp khó khăn….anh đã dần dần thu phục được nhân tâm, khiến họ gắn bó và giúp đỡ cơ quan an ninh, đấu tranh với các đối tượng phạm pháp.

Theo trung tá Lầu Văn Chinh, việc tạo dựng hình ảnh tin cậy trong mắt người Mông nói riêng, đồng bào thiểu số nói chung cũng rất đơn giản. Đến thôn bản, công việc đầu tiên là nên gần gũi trò chuyện với người có uy tín trước. Khi ăn uống, trò chuyện nên giữ thái độ đúng mực. Vào nhà họ, dù bát đũa có bẩn cũng nên ăn bình thường, chăn chiếu có bẩn cũng ngủ bình thường, sau đó hướng dẫn dần dần, họ sẽ làm theo.

Thời gian gần đây, ngoài nhiệm vụ phối hợp với Ban Tôn giáo đi tuyên truyền Pháp Luật cho số người Mông theo đạo Tin lành, Trung tá Chinh đã bảo vệ thành công trước Hội đồng thẩm định của Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) tập giáo trình 200 trang “Tiếng Mông cơ sở” dành cho cán bộ, công chức nhà nước công tác trong vùng dân tộc Mông. Anh mày mò nghiên cứu, tham khảo các tài liệu của tỉnh, bổ xung cho ra tập giáo trình của mình. Đến nay, tập sách đã hoàn thiện 3 phần chính: Sơ lược lịch sử người Mông, tiếng Mông, chữ Mông; phần chữ và ngữ pháp tiếng Mông gồm 36 bài đối thoại. Có video clip để người học có thể phát âm chính xác. Ngoài ra anh còn biên soạn cuốn từ điển tiếng Mông với trên 7000 từ để bổ trợ cho quá trình học tập và giao tiếp với đồng bào

Lời tâm sự mộc mạc, chân thành và cũng là kinh nghiệm của trung tá Lầu Văn Chinh làm người nghe bị thuyết phục:”Muốn trở thành người chiến sĩ công an tốt, phải có tố chất (năng khiếu) và có “nhãn quan” làm trinh sát an ninh trong lĩnh vực mình công tác; phải tự nguyện yêu thích công việc mình đang làm; phải có “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh”, tức là có tình yêu thương con người, đồng thời phải luôn bình tĩnh trược mọi sự việc, tình huống phức tạp diễn ra; phải có khả năng “tiên đoán”, tức là dự báo được tình huống sẽ xảy ra….”

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật