TP. Hồ Chí Minh: Về đâu phố thiệp Nguyễn Du?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
5 giờ sáng, bà cụ Ngôn (95 tuổi) đã dậy tập thể dục, rảo bộ đôi vòng quanh nhà thờ Đức Bà. Mỏi chân, cụ về bắc ghế ngồi dưới hàng me trên đường Nguyễn Du, bên cạnh là những sạp hàng bán thiệp ngay ngắn, nép sát vách Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Tay cầm ly café, cụ nói cái giọng Quảng Trị trầm buồn: “Phố này bán thiệp hơn năm chục năm rồi. Trước thì lớn lắm…”
TP. Hồ Chí Minh: Về đâu phố thiệp Nguyễn Du?
Phố thiệp Nguyễn Du thời con tấp nập bán mua.

Nửa thế kỷ nép mình bên phố

“Phúc ơi Phúc”, “Phúc bán hàng kìa”, “Gì đó Phúc”… là những âm thanh rôm rả mà tất thảy mọi người ở con phố Nguyễn Du, khu đối diện nhà thờ Đức bà gọi một người phụ nữ đã ngoài 50. Phúc lớn lên ở hẻm 59, lấy chồng mãi bên Phú Nhuận, nhưng chưa một ngày xa phố thiệp. Ngày nắng cũng như ngày mưa, từ khi lên 9, lên 10, cứ 6 giờ là Phúc lặng lẽ dắt chiếc xe đạp ra ngoài chạy thẳng tới sạp thiệp, tới 7 giờ tối, có khi tới khuya mới về…

Kéo tấm nylon bao chiếc xe 4 bánh rộng chừng 1m, Phúc nhẹ nhàng xếp từng xấp thiệp, bản đồ, cẩm nang du lịch trên kệ gỗ mỏng tang gắn vào chiếc xe đẩy lắp gép, treo lủng lẳng dăm ba mẫu tiền xu, vài chiếc thiệp mẫu làm tay “dễ vỡ” phía dưới giá gỗ. Tới hơn 7 giờ, khi có khách nước ngoài đi qua, Phúc lại “Hello, sir”, “Bonjour madame”… và gửi họ nụ cười. Còn gặp khách du lịch người Việt thì Phúc: “Thiệp Sài Gòn xưa, cô gái áo dài này. Ông lão đạp xích lô này. Gánh hàng rong này. Miền Tây, ghe thuyền này. Phố cổ Hà Nội cũng có nữa...”

Vãn khách, Phúc mới ngồi kể cho tôi nghe về phố thiệp. Rằng hơn 40 năm trước, phố đã bán thiệp rồi. Khi đó, các sạp hàng cao 2, 3m, rộng tới 4m, bày biện đủ loại, từ thiệp in, thiệp làm tay, tiền cổ, đèn lồng… Mỗi dịp noel, 20-11, ngày 8-3, tết tây, tết ta, góc phố nhỏ này rực rỡ sắc màu, đông vui như ngày hội. Ở Sài Gòn này, thói quen tặng thiệp đã có từ lâu, từ trẻ con tới người già đều thường tặng nhau tấm thiệp, bên trong ghi vài con chữ, lời cầu chúc. Đó cũng là nét văn hóa, là tình cảm bạn bè, người thân dành cho nhau, là cách tri ân thầy cô của các cô cậu học trò, có em mới đang tập viết.

Suốt nửa thế kỷ qua, cửa hàng thiệp nào cũng bề thế, rực rỡ. Nhưng 2 năm rồi, nào là chỉnh trang đô thị, lòng lề đường… rồi siêu thị mini, trạm ATM bỗng đâu mọc lên, “cắt” nát phố thiệp. Các sạp hàng phải gói gọn trong phạm vi cỡ 1m2, những xấp thiệp xinh xắn bị nén ép, chồng lấn lên nhau trông “tội nghiệp” vô cùng.

Phúc đang kể thì người quen đi qua chọc: “Phúc, xe cây tới (xe của thanh tra xây dựng, trật tự phường – PV)!” Phúc chỉ cười, có chút gì đắng đót…

Nghĩ làm gì ngày ly tán

Ở cái phố này, người lớn tuổi nhất là bà cụ mà hỏi mấy người chẳng ai biết tên, cứ thân thương gọi là bà Cụ. Năm nay cũng ngoài 80, vẫn thấy cụ ngồi bán vài con tem, tấm thiệp... chắc để vui tuổi già. Mọi người ở phố gần gũi và gắn bó với nhau không chỉ ở tình bạn hàng, bạn chợ. Hàng của dì Ngọc, của Phúc, của bà Cụ… gần như là “sở hữu tập thể”, ai không có hàng thì đến lấy đem bán trước, nói sau…

Giữa tháng 5, người dân sống trong khu vực này xôn xao khi UBND phường Bến Nghé (quận 1) đã thông báo kế hoạch giải tỏa (trong năm 2013) khu đất 4 mặt tiền (Nguyễn Du – Đồng Khởi – Lý Tự Trọng – Hai Bà Trưng). Dân cư khu này, người thì vui vì thấp thỏm cả chục năm chờ giải tỏa (không được xây dựng nhà cửa...), nhưng những hộ buôn bán ngoài phố thiệp lại bần thần khi nghĩ về tương lai. Người có điều kiện thì thuê cửa hàng, người không có thì ở nhà làm thiệp tay, nhận thiệp của học sinh, sinh viên rồi rao cho các nhà sách, hay mang ra bến xe Miền Đông bỏ mối cho chủ tiệm ở Huế, ở Đà Lạt, hay về miệt Cần Thơ, nơi nhiều người rất yêu cái công phu, nắn nót của thợ thiệp Sài thành. Một chiều dọn hàng về, Phúc buông lời: “Thôi tính làm gì, khi nào tới hẵng hay.”

Trước Bưu điện Thành phố, một Việt kiều nhiều năm xa quê ngồi hồi tưởng về kể về kỷ niệm phố thiệp. “Nghe tin sắp giải tỏa thật, người thành phố đang lo mất đi di tích Bốt Catina (Nằm trong Sở VH-TT&DL cũ). Nhưng không biết có ai lo phố thiệp Nguyễn Du rồi cũng sẽ biến mất như ở Hàn Thuyên” – ông buồn bã.

Sẽ như phố thiệp Hàn Thuyên (?)

Trên báo Doanh nhân Sài Gòn năm 2006 có bài viết “Sài Gòn phố” được nhiều website tiếng Việt tại Mỹ dẫn nguồn: “Nếu có dịp đi qua đường Hàn Thuyên bên hông nhà thờ Đức Bà, khách bộ hành có lẽ sẽ rất thích thú khi ngắm nhìn phố thiệp khoe sắc xinh tươi... Ngôn ngữ mua bán ở đây cũng ngắn gọn đến mức tối đa: “Nhiêu?”. “Mười hai ngàn”. “Mười ngàn?”. “Ừ!” Những cuộc mua bán luôn diễn ra chóng vánh, tất bật như thế, như chính nhịp sống Sài Gòn xưa nay.”

Ra sao nếu một ngày, những con em gốc Việt về quê rồi ngậm ngùi “Đâu rồi phố thiệp?”. Hàn Thuyên đã mất, Nguyễn Du sẽ về đâu?

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật