Tôi để chồng tự do đến với ngư‌ời tìn‌h

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi chia tay khi nhận ra tình yêu đã không thể cứu vãn, cả hai làm tổn thương nhau quá nhiều vì lừa dối, ghen tuông, giận hờn.
Tôi để chồng tự do đến với ngư‌ời tìn‌h
Ảnh minh họa

Hôm nay tôi có chút thời gian rảnh rỗi, ngồi viết những dòng này để chia sẻ với tất cả những ai cùng hoàn cảnh.

Tôi là người phụ nữ được mọi người nói là công - dung - ngôn - hạnh, ra đường nói có người nghe, đe có người nể, về nhà được họ hàng, anh chị em, bà con hàng xóm yêu quý. Tôi đến với chồng bằng tình yêu thương say đắm, tự nguyện cả hai bên, cùng nhau vượt qua khó khăn trở ngại, nhưng cũng trong hoàn cảnh bị chồng phản bội, cũng không cam tâm. Giờ tôi đã quyết định để chồng được tự do đến với người mình yêu (dù hiện tại chồng nói rằng anh vẫn yêu thương mẹ con tôi và mong muốn hàn gắn hạnh phúc gia đình nhưng với sự nhạ‌y cả‌m và hiểu biết của một người phụ nữ, tôi tin chồng chỉ nói mà không thật lòng nghĩ như thế).

Tôi là người phụ nữ thuộc thế hệ đầu 8X: vẫn biết đến những năm tháng khó khăn của đất nước, nhưng cũng thông hiểu những phương tiện hiện đại. Tôi biết đến thứ tình yêu màu hồng khi chàng và nàng chỉ cần liếc mắt nhìn nhau hoặc vô tình chạm tay vào nhau thôi cũng đã cảm thấy xấu hổ và cũng biết đến thứ tình yêu thực dụng của những thế hệ sau này.

Tôi cũng thấu hiểu những lễ giáo phong kiến ảnh hưởng đến người phụ nữ nói riêng và những gia đình Việt Nam nói chung như thế nào. Có rất nhiều gia đình được tạo lập không phải trên cơ sở tình yêu, không phát sinh tình yêu sau hôn nhân, không có tiếng nói chung, vợ chồng không ngủ chung giường nhưng vẫn nén tiếng thờ dài vào trong để nói ra những lời ngọt ngào lọt tai, để cho con cái có đủ cả cha lẫn mẹ. Và cũng biết đến thứ gia đình nhanh chóng được tạo lập bởi cái gọi là tình yêu nhưng cũng sớm chia lìa khi không thể hòa hợp.

Tôi cũng thấu hiểu những thế hệ hy sinh tất thảy hạnh phúc cá nhân vì con cái và chờ đợi ngày con được thành tài, rạng danh tiên tổ, báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục, những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu khi sống nhiều thế hệ trong một mái ấm... Và cũng biết đến những hoàn cảnh con cái lớn lên có điều kiện đi du học nước ngoài dẫn đến sự khác biệt về văn hóa. Mẹ chồng nàng dâu không thể ở chung nhà và người mẹ chỉ biết thở dài khi nhìn con trai bảo vệ đứa con dâu không cùng quan điểm (bất hiếu), không biết rằng người con trai kia cũng trăn trở trằn trọc giữa một bên là người mẹ hy sinh cả đời vì anh và một bên là hạnh phúc hiện tại...

Nói một loạt những vấn đề này, tôi muốn được phân tích về vấn đề hạnh phúc gia đình, người thứ ba, ly hôn, đi bước nữa... của những người trong cuộc.

Khi một gia đình không hạnh phúc dẫn đến ngoại tình:

- Nếu người ngoại tình lên tiếng rằng muốn bỏ vợ (chồng) để đến với người thứ ba vì tình yêu thì bị chê trách rằng bạc tình bạc nghĩa, sống không có trách nhiệm, sớm muộn cũng phải chịu quả báo.

- Nếu người ngoại tình lên tiếng rằng không thể bỏ vợ con để đến với người thứ ba vì trách nhiệm mặc dù rất yêu lập tức bị chê trách rằng đồ Sở khanh, lừa lọc, nhu nhược, không có hậu.

- Nếu người bị phản bội lên tiếng hỏi thì được góp ý là nên bỏ, ở vậy nuôi con (nếu người chồng tệ quá) hoặc cố níu kéo gia đình vì con cái.

- Nếu đã ly hôn rồi thì được khuyên là nên ở vậy để nuôi con vì con cái mới là quan trọng.

- Nếu như họ tìm được hạnh phúc mới rồi thì lại chê là không nghĩ đến con cái.

- Thậm chí là chưa đến mức ngoại tình nhưng mà chỉ muốn ly hôn thôi thì lập tức được khuyên là xem lại bản thân mình, chuyện chưa đến mức phải ly hôn. Nhưng khi cố sống trong cảnh chưa đến mức phải ly hôn dẫn đến ngoại tình thì lại hỏi tại sao không ly hôn đi rồi hãy có người mới?

- Nếu cô (anh) người thứ ba, lên tiếng nói là yêu cầu ngư‌ời tìn‌h ly hôn vợ (chồng) để sống trọn vẹn hạnh phúc bên mình thì lập tức nhận được hàng rổ gạch đá nói là thất đức, cướp vợ, cướp chồng của người khác (mặc dù cá nhân tôi thì cho là cách này tốt bởi cô (anh) ta là người rất rõ ràng, không cho phép ngư‌ời tìn‌h tham lam bắt cá nhiều tay, nếu anh (cô) ngư‌ời tìn‌h thực sự yêu thương người thứ ba thì sẽ đứng trước sự lựa chọn là ly hôn (khiến họ phải cân nhắc) hoặc là phải rời xa cô (anh) ta...

- Đối lập với trường hợp này là người thứ ba "nhân đạo" sẵn sàng đi bên lề của cuộc hôn nhân khác (với cá nhân tôi đây là sự ngụy biện và đạo đức giả) thì lại được khá nhiều người cho là bình thường. (Tôi chỉ nói đến đa số ý kiến).

Tôi thiết nghĩ, nếu chúng ta đừng nặng lề chuyện ly hôn và tái hôn thì sẽ không có nhiều gia đình phải khổ sở vì ngoại tình, ghen tuông, dối trá, thù hận. Không nên đặt ra những câu hỏi: "Không yêu tại sao lại lấy nhau?", "Không yêu nhau tại sao lại có con?", "Yêu, cưới tại sao lại bỏ nhau?", "Cứ cưới, bỏ nhau rồi lại tha thứ cho nhau thì xã hội này loạn", "Tình yêu chỉ có một, còn cái na ná tình yêu thì rất nhiều", "Không có tình yêu vĩnh cửu, chỉ có những giây phút vĩnh cửu của tình yêu"...

Tất cả chúng ta đều tìm đâu đó trong xã hội những ví dụ như: Có những người đã rung động trước người kia và mau chóng cưới khi chưa thực sự tìm hiểu kỹ tính cách của nhau, để rồi nhận ra không thể tìm được sự hòa hợp sau khi cưới. Có những cặp đôi rất yêu nhau và tìm hiểu trong một thời gian dài có thể nhận ra anh chàng là người trung thực và có trách nhiệm, cô nàng là người dịu dàng ngoan hiền, nhưng không có nhiều thời gian ở bên nhau để hiểu hết những thói quen, sở thích của nhau, khi sống chung vẫn cố gắng chịu đựng, rồi đến khi nhận ra cuộc sống chung quá ngột ngạt thì quá muộn.

Chưa kể những cặp đôi lấy nhau chỉ vì gia đình giục quá nên phải cưới, vì thấy điều kiện gia cảnh của anh đó cũng tốt, cô đó ngoại hình cũng được, công việc cũng ổn... Còn có những trường hợp yêu nhau, hiểu rõ về nhau nhưng rồi vì một lỗi lầm nào đó của một bên mà khiến bên kia không thể tha thứ triệt để, làm cho tâm hồn của cả hai bị biến dạng thành người khác và rồi hành hạ làm khổ nhau, tình cảm dần chết theo thời gian. Chỉ vì những áp lực của xã hội, những sự gièm pha, đố kỵ, tò mò, họ đã cố chịu đựng nhau cho đến khi mọi thứ bùng nổ.

Có một cô gần nhà tôi, chồng của cô đi công tác xa một năm chỉ về có 4-5 lần. Cô cứ hàng ngày chăm sóc con rồi giờ đây khi hai con cô đều tốt nghiệp đại học và có gia đình riêng, người chồng trở về kèm theo tờ đơn ly hôn nói là đã từ lâu rồi không còn tình cảm gì với cô (cũng không động vào người cô từ nhiều năm nay). Nay con cái đã lớn rồi nên muốn cô giải thoát để chú ấy đến và bù đắp cho người thứ ba (cũng đã ở bên cạnh chú ấy nhiều năm nay, hy sinh cả tuổi thanh xuân để yêu chú ấy và chờ đợi cho các con của chú ấy lớn khôn mà không ép buộc hay đòi hỏi gì).

Giờ cô đã gần 60 tuổi, gần 30 năm không biết đến hạnh phúc hôn nhân. Nếu như chú ấy đừng vì cái trách nhiệm kia mà ly hôn ngay khi cô mới ngoài 30 tuổi, có thể giờ đây cô đã có một gia đình mới cũng đầm ấm, hạnh phúc. Nếu cả hai người đều quan tâm, chăm sóc con cái và tâm sự để cho con hiểu thì họ đều có hạnh phúc không dẫn đến cái kết cục cả 3 người đều chịu thiệt thòi trong câu chuyện này.

Bàn đến chuyện đi bước nữa sau ly hôn: Nếu như chồng cũ, chồng mới, vợ cũ, vợ mới phải dẫn đến hận thù nhau rồi mới chia tay thì khó mà có thể tạo ra tình bạn giữa hai gia đình cũ và mới sau khi ly hôn để con cái có thể nhận được sự chăm sóc đầy đủ của cả cha và mẹ.

Không thể so sánh chúng ta ngày nay với thế hệ cha ông chúng ta. Như thế nào là hạnh phúc là do mỗi cá nhân quyết định. Trong cuộc sống của cha ông chúng ta ngày xưa, kinh tế khó khăn, lúc đó điều ước lớn nhất của con người là "ai cũng đủ cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành", chỉ thế thôi. Lúc đó thế hệ cha ông chúng ta có thể quên đi nhu cầu của bản thân (nhu cầu được sẻ chia, tâm sự, chăm sóc nhau) để làm việc quần quật cũng chỉ đủ để con cái có cái ăn hàng ngày. Khi con lớn lên, cha ông về già cũng thấy hạnh phúc khi mình được con cái phụng dưỡng (không phải lo cái ăn cái mặc).

Còn ngày nay, chúng ta sẽ làm gì khi ở tuổi 55 (nữ), 60 (nam) đã về hưu (không có việc làm), sống trong nhà cao cửa rộng, còn rất xinh đẹp và phong độ, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với những cơn đau do trái gió trở trời, ốm đau thất thường khi con cái không sống cùng (đi làm ăn xa, định cư ở nước ngoài, thậm chí là do không hợp với con dâu, con rể). Người con có hạnh phúc không khi không thể sống cùng cha mẹ mình đang đơn độc không người chăm sóc?

Tôi đã quyết định chia tay chồng sau khi nhận ra rằng tình yêu giữa chúng tôi không thể cứu vớt do đã làm cho nhau bị tổn thương quá nhiều trong quá trình lừa dối, ghen tuông, giận hờn. Nhưng tôi cũng nhận thấy có một phần là lỗi của mình ở trong đó, khi đã quá quan trọng hóa vấn đề và gây căng thẳng cho cả hai trong một thời gian dài dẫn đến vợ chồng trở nên mệt mỏi.

Con trai của tôi được dạy phải tự lập, tự làm tất cả những việc trong khả năng của mình, với sự khuyến khích, động viên của mẹ. Con cũng phải làm quen với việc có những giai đoạn không có bố mẹ ở bên cạnh (cháu được tập sống với những người thân khác trong gia đình như ông bà, cô dì, chú bác mỗi năm khoảng một tháng kể từ khi con 1 tuổi). Tôi sẽ không rời xa con nhưng có những rủi ro có thể xảy đến với tôi bất kể lúc nào, như tai nạn, thiên tai, địch họa... tôi tin con tôi sẽ đối mặt được với những tình huống xấu nhất khi tôi rèn cho con những đức tính đó.

Và cháu biết rằng ngay cả khi không có tôi hay chồng tôi ở bên, nó vẫn nhận được đầy đủ tình yêu thương của cha và mẹ. Tôi hiểu rằng trách nhiệm của một người mẹ là sinh ra con, nuôi con khôn lớn trưởng thành, cho con một nền giáo dục tốt nhất trong sự thích ứng của con và khả năng tài chính của mẹ, cho con những sự rèn luyện về mặt thể chất và tinh thần để con vững bước vào đời. Chỉ vậy thôi, còn lại tôi sẽ làm việc để có cuộc sống vật chất đầy đủ khi về già.

Tôi không muốn đặt lên vai mình nhiều trách nhiệm hơn nữa, cũng không muốn con phải có trách nhiệm phụng dưỡng hay sống chung với tôi khi nó có gia đình. Nếu sau này con chọn sống chung với tôi và hạnh phúc với sự lựa chọn đó, tôi sẽ sẵn sàng đón nhận, còn không tôi cũng chuẩn bị trước tâm lý cho mình là có thể không sống cùng con khi đã có tuổi. Tôi sẽ tìm cho mình một người bạn đồng hành đến hết cuộc đời, nếu có thể, để chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Nếu không tôi nghĩ đến một nhà dưỡng lão hoặc một thiền viện nào đó làm nơi vui vẻ lúc cuối đời.

Đó là quan điểm và sự lựa chọn của riêng tôi, còn tôi tin mỗi người đều có suy nghĩ khác, chỉ xin góp vài ý kiến vào chủ đề nóng, về vấn đề ngoại tình, ly hôn, tái hôn này. Chúc các anh chị ai đang có gia đình hạnh phúc thì hãy biết trân trọng gìn giữ, nếu không hạnh phúc sẽ có những quyết định sáng suốt để cuộc đời mãi tươi vui.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật