Giày dép VN không còn được hưởng ưu đãi của EU

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi rà soát lại hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), Liên minh châu Âu (EU) nhận thấy, ngành giày dép Việt Nam đã trở nên rất cạnh tranh. Điều này cũng đồng nghĩa Việt Nam sẽ không còn được hưởng ưu đãi GSP của khối này nữa, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Uỷ ban châu Âu tại Việt Nam Sean Doyle thông báo quyết định này trong cuộc họp báo ngày 13/6 tại Hà Nội. Việc ngừng ưu đãi sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2009.
Giày dép VN không còn được hưởng ưu đãi của EU
Đại sứ Sean Doyle (áo trắng) nói, ngành giày dép Việt Nam đã rất cạnh tranh không chỉ ở thị trường châu Âu. Ảnh: XL

GSP là hệ thống ưu đãi thuế quan được EU áp dụng cho các nước đang phát triển như Việt Nam nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, thúc đẩy phát triển thông qua thương mại.

Tuy nhiên EU cũng quy định: nếu kim ngạch xuất khẩu của một ngành hàng được hưởng GSP từ một nước mà chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đó từ tất cả các nước được hưởng GSP thì ngành đó được coi là rất cạnh tranh và không cần cơ chế ưu đãi nữa.

Theo Đại sứ Sean Doyle, khi rà soát việc thực hiện GSP, EU nhận thấy ngành giày dép, một trong những ngành được hưởng GSP của Việt Nam đã phát triển chiếm mức trung bình là 19,9% tổng số kim ngạch nhập khẩu giày dép được hưởng GSP khi vào thị trường EU trong giai đoạn 2004-2006. Hơn nữa, ngành giày dép được hưởng GSP chiếm mức tỉ lệ trung bình là 49,1% trong tổng kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu được hưởng GSP của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Đại sứ Sean Doyle thông báo kết luận "Ngành giày dép của Việt Nam đã phát triển rất cạnh tranh và Việt Nam đã không còn quá phụ thuộc vào xuất khẩu giày dép nữa". Như vậy, ngành giày dép Việt Nam sẽ không còn được hưởng ưu đãi GSP, hay theo cách nói của EU là đã "tốt nghiệp" GSP.

"Thuế chống phá giá chỉ ảnh hưởng 20%"

Trước lo ngại khi không còn hưởng ưu đãi GSP, ngành giày dép Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh tại thị trường châu Âu, Đại sứ Sean Doyle lạc quan lý giải "kinh nghiệm cho thấy cơ chế tốt nghiệp GSP thực sự phản ánh khả năng cạnh tranh của một ngành đang đi lên. Ở Trung Quốc, ngành giày dép đã tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng sau khi ưu đãi GSP bị loại bỏ và nâng cao thị phần xuất khẩu mặt hàng này sang EU từ 42,7 lên 55,2%".

Đại sứ cũng cho biết, ngành giày dép Việt Nam đã thể hiện những lớn mạnh tương tự với 20% giày dép xuất khẩu sang EU thậm chí không hưởng GSP.

Thời gian qua, Việt Nam cho rằng, sự sụt giảm về xuất khẩu giày dép so với các mặt hàng xuất khẩu khác không phải vì sự đa dạng hóa thực sự của nền kinh tế mà vì hậu quả của thuế chống bán phá giá do EU áp dụng. Đại sứ Sean Doyle cho rằng, thuế chống bán phá giá chỉ ảnh hưởng tới 20% toàn bộ giày dép xuất khẩu.

Tuy Việt Nam không còn được hưởng GSP, EU cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường xuất khẩu mặt hàng giày dép theo cơ chế của Khu vực Mậu dịch Tự do EU - ASEAN đang định hình.

EU cũng lý giải, FTA là một công cụ thích hợp hơn, hiện đại hơn đối với cơ cấu thương mại ngày càng tinh vi và tốc độ phát triển nhanh chóng của Việt Nam.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật