Người mua nhà không mặn mà trước thông tin hạ lãi suất

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mấy ngày vừa qua, nhiều ngân hàng đồng loạt công bố hạ lãi suất cho vay. Đây có thể coi là tín hiệu mừng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực BĐS, dường như thông tin này không được đón nhận hồ hởi.
Người mua nhà không mặn mà trước thông tin hạ lãi suất
Nhiều người vẫn chưa dám vay tiền để mua nhà dù lãi suất ngân hàng đã hạ. (Ảnh minh họa: Thiện Hoàng).

Lãi suất hạ, vẫn băn khoăn

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Chiến (đang thuê nhà tại Nhật Tân, Tây Hồ) đang có ý định mua nhà khoảng hơn 1 tháng nay và vẫn chưa thể tìm được căn hộ tại dự án nào hợp lý để quyết định mua bởi số tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng hiện vẫn chưa đủ, xác định vẫn phải vay thêm. Tuy nhiên, mấy ngày qua trước thông tin ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống mức 6%, vợ chồng anh càng thêm phân vân không biết nên quyết định mua nhà ngay hay tiếp tục gửi tiết kiệm. Anh Chiến cho biết, vợ chồng anh hiện tiết kiệm được gần 700 triệu đồng, vẫn phải xác định vay thêm mới có thể mua được nhà dù giá nhà hiện nay có thể được coi là chấp nhận được.

“Mấy ngày qua, ngân hàng công bố giảm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tôi, mức lãi suất cho vay dù có giảm rồi nhưng vẫn ở mức trên 10%/năm. Với mức lãi suất đó mà hiện vay để mua nhà thì cũng không mấy người có thể chịu được, do đó cũng không nhiều người dám vay ngân hàng để mua nhà. Giá nhà hiện cứ thấy nói là giảm nhưng những dự án đã hoàn thành có thể vào ở ngay thì giá không hề thấp chút nào, những dự án khá xa trung tâm, hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện mà giá vẫn trên dưới 20 triệu đồng/m2. Còn những dự án được rao bán ầm ĩ với mức giá 13, 14 triệu đồng thì giờ còn chưa thấy móng. Hơn nữa mua nhà theo tiến độ bây giờ đã có quá nhiều bài học, chẳng mấy ai dám “thả gà” kiểu đó nữa”, anh Chiến chia sẻ.

Mỗi người có cách để sử dụng đồng tiền, anh Lê Công Trãi (đang thuê nhà ở KĐTM Định Công, Hoàng Mai) mặc dù đã quyết định mua căn hộ tại một dự án ở quận Hà Đông. Tuy nhiên do đóng tiền theo tiến độ nên số tiền mua nhà anh Trãi vẫn có cách gửi ngân hàng để lấy lãi. Để tránh lãi suất giảm sâu trong thời gian tới, số tiền căn hộ gần 900 triệu đồng, anh mới nộp đợt 1 là 20%. Anh chia nhỏ số tiền ra làm nhiều sổ gửi tiết kiệm với mỗi sổ một thời hạn khác nhau, thời hạn đó sẽ phù hợp với từng thời điểm đóng tiền nhà từng đợt, ngắn nhất là 3 tháng cho đợt đóng lần 2, dài nhất nhất là 24 tháng. Với cách tính toán của anh thì số tiền mua nhà của anh vẫn có thể sinh lãi và vẫn hoàn thành mục tiêu mua nhà mặc cho lãi suất biến động. Thời gian gửi càng dài thì lãi suất càng cao.

Chưa dám vay mua nhà

Trao đổi với chúng tôi, nhận định về tác động của việc giảm lãi suất tới thị trường BĐS, ông Phạm Thành Hưng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn BĐS Thế kỷ (Cengroup) cho rằng, hệ thống ngân hàng hiện có giảm lãi suất xuống 1-2% thì cũng không có nhiều tác động đến thị trường BĐS bởi quan trọng là hiện BĐS vẫn chưa hấp dẫn được nhà đầu tư. Việc hạ lãi suất tiền gửi nếu có cũng chỉ tác động tâm lý chút ít đến những người có nhu cầu mua thật sự quyết định mua nhà, thay vì gửi ở mức lãi suất thấp.

Theo ông Hưng phân tích thì việc giảm lãi suất cho vay mua nhà nếu có thì cũng chỉ có tác động nhỏ đến những người mua nhà lần đầu, chủ yếu là các cặp vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay hiện vẫn khá cao khoảng 12%/năm nên nhiều người vẫn rụt rè và quan trọng nữa là vay cũng không dễ nên không dám vay. Trước khi ngân hàng giảm lãi suất, nhiều doanh nghiệp đã kết hợp với ngân hàng để đưa ra mức lãi suất ưu đãi. Đây là một trong những động thái tốt nhưng người mua vẫn e dè.

Lúc này, chỉ những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, không phụ thuộc vốn vay ngân hàng mới tìm dự án để mua vào. Nhà đầu tư chuyên nghiệp chỉ tin vào thị trường khi các tín hiệu phục hồi thị trường là rõ nét. Còn trong bối cảnh hiện nay, chẳng có ai dám vay tiền ngân hàng để đầu tư bất động sản.

TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, trước đây cũng đã có một số lần ngân hàng giảm lãi suất, tuy nhiên người dân vẫn không hồ hởi đón nhận thông tin yếu tố quan trọng chính là thanh khoản. Đại đa số những người chưa có nhà hiện nay là những người có thu nhập trung bình và thấp. Đây là hậu quả của việc phát triển sai phân khúc nhà, không minh bạch thị trường nên giá bán quá cao, người có nhu cầu thật không đủ tiền để mua. Để có thanh khoản, phải tạo điều kiện để có những sản phẩm mà người có nhu cầu, có khả năng thanh toán mua được. Khi cung - cầu gặp nhau, thì ngành bất động sản sẽ sống.

Bên cạnh đó phải hỗ trợ người mua nhà. Người có thu nhập trung bình và thấp hiện chỉ có thể chịu đựng được lãi suất đi vay khoảng 5 - 6%/năm và phải được vay với thời gian dài, người ta mới dám vay. Làm không đủ trả lãi thì còn ai dám vay tiền mà mua nhà. Trong khi đó, lãi suất cho vay ngân hàng hiện nay dao động trong khoảng 13 - 15%/năm, giờ giảm cũng ở mức khoảng 12%/năm thì mấy người dám vay mua nhà trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Do đó, để người dân có nhà ở rất cần sự trợ giúp về chính sách của Nhà nước

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật