Tồn đọng hơn một triệu tấn quặng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hơn 1.389 triệu tấn quặng sắt, titan, chì, kẽm… hiện đang tồn đọng, chất cao thành núi ở Thái Nguyên.
Tồn đọng hơn một triệu tấn quặng
Ảnh minh họa

Và mặc dù từ đầu năm 2013, bộ Công thương đã cho phép 13 doanh nghiệp tại Thái Nguyên xuất khẩu 759.500 tấn quặng nhưng cũng không xuất được do bị phía Trung Quốc "ép giá".

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc công ty Liên doanh kim loại màu Việt Bắc, cứ mỗi lần Việt Nam "nới" xuất khẩu, thì giá nhập quặng chì của phía Trung Quốc lại rớt mạnh. Đầu năm 2012 (khi cấm xuất khẩu), giá quặng chì (đã giảm) là 2.700 nhân dân tệ/tấn, nhưng đến khi cho xuất trở lại thì giá lập tức giảm, chỉ còn 2.200 nhân dân tệ/tấn. Do giá quặng giảm sâu, nên công ty mới chỉ xuất sang Trung Quốc được một lô quặng 2.000 tấn và phải bán dưới giá thành, chấp nhận lỗ 1,9 triệu đồng/tấn.

Hiện nay, tại Thái Nguyên, các loại khoáng sản khác như quặng sắt nghèo (hàm lượng dưới 55%), quặng titan đã qua chế biến sâu, quặng chì, kẽm đã tinh chế... đều trong tình trạng tồn kho, bị "ép giá" tương tự. Ông Hùng nhẩm tính, do bị "ép giá" nên dù xuất hết 28.000 tấn quặng chì, kẽm đang tồn kho (được phép xuất), công ty chỉ thu được khoảng 220 tỉ đồng. Nếu trừ hết các chi phí sản xuất, trả nợ vay… thì không còn lãi. Một cán bộ chuyên trách của sở Công thương tỉnh Thái Nguyên cho biết, từ năm 2011 đến nay, do tiêu thụ sản phẩm kim loại khó khăn nên các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đều bị tồn đọng lớn, vì giá đã giảm quá sâu, tới 50 - 60%, cứ xuất là lỗ.

Còn để chế biến sâu, ông Hùng cho biết, doanh nghiệp cần lượng vốn rất lớn để đầu tư vào mỏ nguyên liệu, nhà xưởng, dây chuyền công nghệ. Chẳng hạn, để chế biến sâu hơn nữa quặng kẽm, công ty này cần thêm cỡ 170 tỉ đồng. Mặc dù đến nay công ty đã "đổ" hơn 300 tỉ đồng vào đầu tư các dây chuyền sản xuất bột kẽm, axít sunfuric… nhưng do chưa thể tự chế biến sâu quặng, nên dây chuyền sản xuất kẽm kim loại đành phải "đắp chiếu" từ năm 2009. Còn dây chuyền lò sôi đã lắp đặt xong từ năm 2010, chưa thể chạy thử nghiệm vì thiếu nguyên liệu (quặng tiêu chuẩn). Ngay cả quặng giàu (hàm lượng cao) vì giá xuống thấp, tiêu thụ còn khó khăn nên doanh nghiệp cũng chưa vội đầu tư chế biến sâu.

Được biết, nhiều năm trước đây, do quặng hàm lượng cao (trên 70%) rất sẵn, các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư dây chuyền chế biến quặng nghèo vì rất tốn kém, hiệu quả không cao. Hơn nữa, việc lắp đặt, vận hành dây chuyền chế biến quặng nghèo phải phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc). Có thực tế, doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến quặng nghèo, thuê chuyên gia Trung Quốc sang làm. Nhưng hễ chuyên gia về nước là dây chuyền không chạy được. Không xuất khẩu được, cũng không chế biến sâu được, các doanh nghiệp đành bỏ mặc lượng quặng khổng lồ trong bãi chứa, nhà kho. Thậm chí, có một doanh nghiệp khoáng sản lớn của Thái Nguyên đã chở quặng lấp đầy hồ nước ở Việt Trì (Phú Thọ) để... chờ thời.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật