Những người mẹ cả đời cơ khổ vì con

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong đời làm báo, chúng tôi đã gặp không biết bao nhiêu người. Giàu có, nghèo có, đẹp có, xấu có… nhưng ấn tượng khắc sâu nhất vẫn là hình ảnh những người mẹ, những người phụ nữ lam lũ cả đời vì con…
Những người mẹ cả đời cơ khổ vì con
Gần 20 năm qua, cô To chưa 1 lần từ bỏ hy vọng chữa khỏi chứng co gồng quái ác cho con.

Bác sĩ Phạm Thanh Tòng, một nhà hoạt động xã hội nhiệt tình của Hội nạn nhân chất độc da cam TPHCM từng tâm sự với chúng tôi: “Khi gia đình hạnh phúc, người phụ nữ may mắn có người đàn ông cùng gánh vác trách nhiệm gia đình. Còn khi gia đình tan vỡ vì một tai nạn nào đó, toàn bộ gánh nặng chắc chắn sẽ trút lên vai người phụ nữ. Do đó, với những đứa con, tiếng “mẹ” thiêng liêng vô cùng…”.

Càng đi, càng gặp nhiều người, nhiều hoàn cảnh gia đình càng thấy cái nhận xét ấy của vị bác sĩ đáng kính đã đi qua hơn nửa cuộc đời càng đúng. Trong quá trình khảo sát những gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại TPHCM và Đồng Nai, chúng tôi phát hiện rất nhiều gia đình tan vỡ khi xuất hiện đứa con tật nguyền vì chất độc quái ác này. Và kết quả thông thường nhất là người chồng bỏ ra đi, để lại người vợ yếu đuối với những đứa con tật nguyền.

Chúng tôi nhớ đến hoàn cảnh của cô Huỳnh Thị To ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM. Cô sinh nhiều con nhưng hai đứa đầu thì nghễnh ngãng, hai đứa giữa mất sớm, đứa út thì mắc chứng bại não, co rút cơ nặng.

Cô kể, lúc còn nhỏ, mỗi ngày người con út bị co rút cơ mấy chục lần. Đau lắm nhưng em chỉ chảy nước mắt, nước dãi và quằn quại, lăn lộn trên giường, miệng thì ú ớ chứ chẳng kêu la được tiếng nào. Nhìn con đau đớn mà đứt từng đoạn ruột. Không thể chịu đựng được nữa, cô bỏ việc bế con đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ tìm phương cứu chữa. Vì chữa cho con, của nả trong nhà cứ dần đội nón ra đi…

Không chịu nổi khó khăn, người chồng bỏ đi lấy vợ khác, để lại 3 đứa con nhỏ tật nguyền cho cô. Dù vậy, cô vẫn không bỏ cuộc, cứ nghe người ta mách bệnh viện nào chữa được cho con là cô lại ôm con đi chữa. Đến nay anh con út đã trưởng thành, dù c‌ơ th‌ể co rút nhưng cũng nặng gần bằng mẹ. Thế mà, người mẹ già vẫn ngày ngày cõng con đón xe buýt lên bệnh viện tập vật lý trị liệu…

Gần 20 năm dài, ngày ngày cô chăm bón cho con ăn, nắn bóp toàn thân cho con đỡ đau, tập vật lý trị liệu, nắn cơ cho tay chân thẳng thớm… Những công việc này cô làm hầu như là 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Vì chứng cơ gồng có thể phát bất cứ lúc nào, càng ít nắn bóp cơ thì tần suất phát bệnh càng cao. Mong ước cả đời của cô là: “Có thể tập cho nó có thể tự ăn uống được, để nếu chẳng may mình nhắm mắt xuôi tay…”.

Hay tại xã Hàng Gòn (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), chúng tôi từng tiếp xúc gia đình chị Nguyễn Thị Kim Loan có 2 đứa con cùng bị mù, tâm thần, thể năng suy nhược. Hai em cũng không thể nói năng, cứ ú ớ trong miệng, không thể tự mình lo sinh hoạt cá nhân và tiêu tiểu tùy tiện như trẻ sơ sinh. Lâu lâu cơn đau lại hành hạ, chúng lại ôm đầu rên hừ hừ, đấm tay thùm thụp vào tường…

Nhìn con mà chị Loan rơi nước mắt, nhưng chị cũng không thể ở bên con. Bởi sau khi sinh 2 đứa trẻ bị tật, người chồng đã vội vã bỏ đi. Chị đành đưa con về nhà cha mẹ đẻ sinh sống. Nhưng cha mẹ chị cũng nghèo, lại già yếu, không có thu nhập ổn định, chị đành để con lại cho cha mẹ nuôi giùm, còn mình thì lên thành phố làm công nhân, đêm về lại kiếm việc làm thêm để có tiền gửi về nuôi cả nhà. Đến nay, 2 đứa trẻ đã được 14-15 tuổi là 14, 15 năm chị bươn chải mưu sinh, kiếm tiền chạy chữa cho con…

Còn tại xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi, TPHCM) chúng tôi từng đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Mận (sinh năm 1936) nằm lẻ loi giữa cánh đồng rau vắng vẻ. Trong căn nhà bà cũng lặng lẽ vì chỉ có bà và người con trai tên Nguyễn Văn Hòn đã hơn 40 tuổi nhưng bị chứng chân tay khèo, giật méo miệng, nằm liệt 1 chỗ. Bản thân bà cũng từng bị tai biến, liệt hẳn 1 bên người, chỉ có thể dựa tường tấp tểnh bước đi bằng khung chống.

Người mẹ liệt nửa người gần 80 tuổi vẫn vất vả chăm con liệt cả người

Khi anh Hòn sinh ra bị dị tật, chồng bà cũng bỏ bà mà đi. Không nhà cửa, không việc làm, không thân thích… bà ôm đứa con tật nguyền lang thang khắp đất Củ Chi, Sài Gòn trong buổi chiến tranh để tìm kế sinh nhai. Được vài năm, giải phóng rồi bà ôm con về mảnh đất mà mẹ bà để lại dựng cái chòi lá mía sống tạm qua ngày.

Trong căn chòi ấy, hai mẹ con thui thủi sống cùng nhau. Bà làm thuê, làm mướn kiếm gạo nuôi con. Lâu lâu trời mưa to gió lớn quật ngã nhà thì hai mẹ con ôm nhau chịu rét chờ trời sáng. Sáng ra, bà lại lần mò đi xin lá mía làm chòi mới che mưa, che nắng…

Cứ thế, đã 40 năm vất vả nhưng người mẹ già ấy vẫn cặm cụi chăm con. Giờ bà không còn sức đi làm thuê nữa, bà chuyển sang bán vé số. Nhà chưa từng dư dả lấy 1 đồng nhưng bà cũng chưa từng có ý nghĩ bỏ đứa con mình rứt ruột đẻ ra.

Nhìn đứa con mặt mày ngờ nghệch nằm trên giường, miệng giật méo 1 bên, bà Mận vừa vuốt tóc con vừa bảo: “Sống có mẹ có con là vui rồi, chừng nào tôi sắp nhắm mắt xuôi tay rồi tính đường khác…”.

Nhìn con trai đang co giật cứng cả người, cô To ngồi bên lầm rầm an ủi: “Cố lên con trai, ráng mai mốt lớn đẹp trai mẹ cưới vợ cho nè!”.

Nhìn hai đứa con tật nguyền là chị Loan lại đau lòng, nhưng ai bảo “hai đứa trông kháu khỉnh nhỉ” là lập tức chị nhoẻn miệng cười rạng rỡ…

Có lẽ, dù con mình có tật nguyền, dị dạng thế nào thì trong mắt mẹ, con vẫn là đẹp nhất! Và vì thế, trong lòng mỗi người con, tiếng “Mẹ” thiêng liêng vô cùng cũng là điều dễ hiểu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật