Cảm động vợ chồng già bệnh tật chăm nhau

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ trong 2 năm, vợ chồng ông Nguyễn Văn Ta, 68 tuổi, trú tại thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận từ hai người lành lặn bỗng dưng thành tàn phế: Chồng bị câm, vợ bị liệt.
Cảm động vợ chồng già bệnh tật chăm nhau
Vợ chồng ông Ta, bà Hiền trong ngôi nhà bên bờ biển. Ảnh: MN
Mặc dù vậy, hai ông bà vẫn dịu dàng chăm sóc nhau từng bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày mà không một lời than vãn. Thậm chí, không ai nỡ buông xuôi số phận vì sợ để lại một mình “người kia” cô đơn trên đời.

Nỗi đau cuối đời

Tìm đến căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Ta, phải lắng tai lắm, tôi mới nghe được tiếng nói yếu ớt của bà Hiền- vợ ông. Ông Ta bị câm không thể nói chuyện được, chỉ huơ huơ đôi tay diễn tả những điều muốn nói phụ hoạ với vợ. Khuôn mặt khắc khổ và cái lỗ sâu hoắm ở cổ đủ nói lên những vất vả, khó khăn trong cuộc đời ông. Còn bà Hiền, do di chứng tai biến mạch máu não, nên ba năm nay, bị liệt một nửa bên trái, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân. Ngồi trên chiếc xe lăn, bà khó nhọc kể cho chúng tôi nghe về những thăng trầm của cuộc đời mình.

Hồi mới cưới nhau, ông Ta bị bắt đi lính cho ngụy, bà Hiền phải bươn chải đủ đường, vừa lo kiếm sống nuôi cả gia đình, vừa lo tiền chạy lính cho chồng. “Của nả trong nhà làm ra bao nhiêu,  dốc hết, lo lót cho “quan trên” bấy nhiêu, chỉ mong sao ông ấy không bị đưa ra chiến trường.Thế nên, gia đình nghèo vẫn hoàn nghèo”- bà Hiền kể.

Là dân vùng biển, sống nhờ vào biển, nên cuộc đời ông bà gắn liền với nhiều kỉ niệm về biển. Suốt cả thời trai trẻ, ông Ta biền biệt trên biển, mình bà ở nhà với đàn con nhỏ dại. Mỗi lần ông ra khơi, ở nhà bà lại lo lắng, bồn chồn không yên. Lòng khấp khởi, chỉ mong ông thuận buồm xuôi gió. Giờ ông về già, có được cuộc sống gần gũi với vợ, cứ ngỡ cuộc đời của hai ông bà từ đây sẽ có được những tháng ngày bình yên vui hưởng tuổi già, ngờ đâu bệnh tật ùn ùn kéo đến, reo giắc đau thương lên cả hai thân già.

Cách đây bốn năm, ông Ta bị viêm phế quản. Gia đình không được khá giả, lại cứ nghĩ đó cũng chỉ là bệnh thường thường. Thế nên cứ lần lữa mãi không đưa ông đi bệnh viện lớn khám chữa. Chỉ đến khi bệnh của ông trở nặng, người nhà mới tá hỏa đưa ông vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa trị thì mới biết căn bệnh của ông đã trở nên mãn tính. Cách duy nhất để cứu lấy ông là phải mổ, nhưng mổ thì ông cũng sẽ mất đi tiếng nói. Gia đình đành chấp nhận phương án duy nhất đó. Cả gia đình dốc tiền cho ông Ta đi chữa bệnh. Một tháng ông nằm viện và mổ tại bệnh viện là một tháng lao đao của cả gia đình. Sau khi phẫu thuật, ông mất đi tiếng nói, giờ đây ông giao tiếp với mọi người bằng cử chỉ, ám hiệu, trong người lúc nào cũng để sẵn giấy bút trong người để khi cần thì ngay lập tức ghi ra cho người đối diện hiểu.

Một năm sau ngày ông bị bệnh, lại một lần nữa tai hoạ giáng xuống gia đình ông Ta. Buổi sáng hôm ấy, bà Hiền đang ngồi nấu ăn, một cơn đau đầu kéo đến. Bà từ từ nằm ngửa ra và bất tỉnh, người nhà vội vàng đưa bà đi cấp cứu mới hay bà bị tai biến. Vậy là một lần nữa, cả gia đình lại sấp ngửa lo tiền cho bà chữa bệnh. Sáu người con mỗi người xúm một ít cũng chỉ đủ cho bà cấp cứu qua cơn nguy kịch, còn lại cũng phải vay mượn. Kể ra thời điểm ấy gia đình mà dư dả, có tiền cho bà đi hồi phục chức năng thì chắc một nửa bên trái c‌ơ th‌ể bà cũng không bị liệt như bây giờ. Ngặt nỗi, kinh tế của gia đình eo hẹp quá, mọi người chỉ có thể lo cho bà đến đó. Bà đành chấp nhận bệnh tật, ba năm qua sống chung với chiếc xe lăn, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào sự chăm sóc của người chồng già cũng thường xuyên đau ốm.

Không ai nỡ buông xuôi

Thương cha mẹ ốm đau nên một cô con gái đã cho con trai mình ra ở chung với ông bà để tiện bề chăm sóc. Có thêm đứa cháu ở cùng, ông bà cũng đỡ cô quạnh đi phần nào. Thế nhưng, cậu cháu ngoại 26 tuổi ấy lại sinh nhai bằng nghề đi biển, chính vì vậy mà chẳng mấy khi có thời gian chăm sóc cho ông bà. Hai thân già đành nương tựa vào nhau chống chọi với những khó khăn.

Mọi sinh hoạt của bà Hiền bao lâu nay vẫn do ông Ta chăm sóc là chủ yếu. Từ tắm rửa, cơm nước đến  vệ sinh cá nhân bà Hiền đều trông đợi vào đôi bàn tay của chồng. Ghi vội ra giấy mấy dòng chữ, ông Ta tâm sự : “Việc vệ sinh cho bà ấy là khó khăn nhất. Tôi già rồi, nên làm gì cũng chậm, lại bị câm, nên đôi khi muốn nói gì đó, nhưng bà ấy lại chẳng hiểu được. Tôi thì chẳng nề hà gì đâu. Khi còn trẻ, bà ấy chăm mình, giờ mình chăm lại thôi. Tôi phải cố sống thật khỏe để chăm sóc bà ấy chứ”.

Mặc dù trước mặt vợ, ông Ta viết những lời cứng rắn như vậy để vợ vui vẻ, nhưng chúng tôi biết, do tuổi cao sức yếu nên vừa chăm lo bản thân, vừa chăm vợ liệt giường cũng khiến ông Ta  rất mệt. Ông Ta lại không ăn uống được nhiều, chỉ có thể ăn được đồ mềm, nên các món ăn bao giờ cũng phải kì công nấu cho thật nhuyễn. Sáu người con ai có phận người nấy, dăm bữa nửa tháng cũng biếu cha mẹ được chút tiền. Còn phần nhiều là do ông bà tự trồng trọt, chăn nuôi để sống qua ngày. Hai ông bà già yếu nay ốm, mai đau, không hiểu họ sẽ vượt qua những tháng ngày khó khăn trong cuộc sống tiếp theo như  thế nào?

Đưa tay gạt những dòng nước mắt héo hon của tuổi già đang lăn dài trên má, bà Hiền nghẹn ngào chia sẻ nỗi niềm giấu kín trong lòng: “Tôi bị liệt thế này, thấy mình làm khổ ông ấy quá, nhiều lúc cũng nghĩ quẩn lắm. Nhưng để ông ấy lại một mình lại không đành, vì vậy mà gắng sống tiếp thôi”.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật