“Nhận diện” khó khăn, phục hồi kinh tế

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hôm qua họp phiên toàn thể lần thứ 8 xem xét, thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2013. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự phiên họp.
“Nhận diện” khó khăn, phục hồi kinh tế
Cần nhiều giải pháp thiết thực để phục hồi nền kinh tế. Ảnh: MH

Tăng trưởng kinh tế quý I đạt 4,89%

Báo cáo của Bộ KH&ĐT đánh giá bổ sung tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012 cho thấy, trong tổng số 15 chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012 có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch; còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm và tỷ lệ che phủ rừng.

Còn trong quý I năm 2013, tăng trưởng kinh tế đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kìm chế, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 2,39% so với tháng 12/2012 ... Lãi suất giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện; tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được triển khai tích cực.

Tuy nhiên tình hình kinh tế- xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Lãi suất còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản. Số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể và phá sản gia tăng. Đời sống của một bộ phận dân cư, việc làm, thu nhập của người lao động gặp khó khăn….Từ việc xác định những khó khăn nói trên, báo cáo cũng chỉ ra những giải pháp cho thời gian tới với mục tiêu nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

Phải nhận diện đúng khó khăn

Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đánh giá cao những kết quả trong việc thực hiện kế hoạch phát triển KTXH trong thời gian qua , tuy nhiên ông Kiêm đề nghị báo cáo cần phân tích, làm rõ bất ổn của kinh tế thế giới, kinh tế trong nước là gì; có tác động tới nền kinh tế nước ta ở mức nào và khả năng phục hồi của nền kinh tế ra sao?.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội  Bùi Sỹ Lợi cũng lưu ý, tỉ lệ lao động ở khu vực phi chính thức của Việt Nam trong năm 2012 liên tục tăng lên so với các năm. “Điều này cho thấy kết cấu khu vực chính thức của chúng ta mất việc làm chuyển dần sang khu vực phi chính thức. Qua giám sát nhận thấy, chỉ số CPI không tăng được là vì cung lớn hơn cầu, dân không có tiền không mua nên giá rẻ, chứ không phải là bản thân chúng ta kiềm chế được lạm phát”, ông Lợi nói.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho DN. Hiện nay, nhiều DN rơi vào trạng thái đình trệ, thậm chí đứng bên bờ phá sản. Thời gian qua, Chính phủ  đã ban hành Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 với nhiều giải pháp quyết liệt, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện trên thực tế lại rất chậm nên đã làm giảm hiệu quả của chính sách và phần nào suy giảm lòng tin của DN đối với chính sách của Nhà nước. Từ thực tế này, các đại biểu đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần tập trung phân tích sâu sắc vấn đề này để nghiêm túc rút kinh nghiệm trong điều hành kinh tế vĩ mô tới đây.

Trước những giải pháp mà Chính phủ nêu ra, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần phân tích thấu đáo tác động của từng khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế để xác định ưu tiên chính sách cho phù hợp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật