Cận cảnh sức khỏe công ty quản lý quỹ

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bản kết quả khám sức khỏe tổng thể của các công ty quản lý quỹ (QLQ) vừa hé lộ cho thấy bức tranh của sự tương phản.
Cận cảnh sức khỏe công ty quản lý quỹ
Ảnh minh họa

10 công ty nắm 90% thị phần quản lý tài sản

Đến thời điểm này, có 42/47 công ty QLQ đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012. Thống kê cho thấy, tổng doanh thu của42 công ty đạt hơn 770 tỷ đồng, chi phí khoảng 670 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 100 tỷ đồng. Trong số các công ty có lãi, thì Công ty QLQ Vietinbank đạt lợi nhuận cao nhất với 47,23 tỷ đồng, tiếp đến là Công ty QLQ đầu tư MB đạt 20,58 tỷ đồng, Công ty QLQ Bảo Việt lãi 14,66 tỷ đồng...

Đáng chú ý, bên cạnh 25 công ty có chỉ tiêu ROA (lợi nhuận/tổng tài sản), ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) dương, trong đó có những công ty có các chỉ tiêu này vượt trên 20%, thậm chí tới gần 30%, còn tới 17 công ty có ROA, ROE âm (bị thua lỗ). Tính bình quân, ROA của các công ty QLQ chỉ đạt 1,4% và ROE đạt 1,6%. Trong khi đó, tính đến hết năm 2012, vốn chủ sở hữu của các công ty đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, tăng 462 tỷ đồng so với thời điểm một năm trước đó. Trong năm ngoái, có 5 công ty QLQ tăng vốn thành công, qua đó đưa tổng vốn điều lệ của toàn bộ khối công ty QLQ tăng thêm 500 tỷ đồng và đạt 3.125 tỷ đồng. Công ty QLQ Vietinbank có mức tăng vốn thành công cao nhất, với 450 tỷ đồng, tiếp đến là Công ty QLQ Manulife Việt Nam và Công ty QLQ SSI đều có mức tăng 19 tỷ đồng, Công ty QLQ Hợp lực Việt Nam tăng 15 tỷ đồng.

Với tình hình hoạt động hiện tại, có thể tạm chia các công ty QLQ thành 2 nhóm. Nhóm “khỏe” gồm 28 công ty có hoạt động khá tốt, bởi kinh doanh có lãi, quản lý tới 87% giá trị tài sản của toàn ngành, luôn duy trì tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%. Đặc biệt, đến cuối năm 2012, 10 công ty QLQ có giá trị vốn ủy thác lớn nhất và chiếm trên 90% thị phần của cả ngành quỹ, ước đạt gần 100.000 tỷ đồng. Hầu hết các công ty này đều trực thuộc DN bảo hiểm hoặc ngân hàng.

Nhóm “yếu” gồm 19 công ty còn lại hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ nhiều. Trong số đó, có 6 công ty mặc dù có lỗ gộp lớn nhưng vẫn đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính, 2 công ty đang trong tình trạng bị kiểm soát đặc biệt là Công ty QLQ Hữu Nghị và Công ty QLQ đầu tư Thành Việt.

 

Không phải lỗ là mất an toàn tài chính

Thống kê cho thấy, đến cuối năm 2012, 44/47 công ty QLQ đáp ứng mức vốn khả dụng theo quy định. Ngoài 2 trường hợp bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, còn có một công ty dự kiến sẽ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt vào diện bị kiểm soát.

Năm 2012 tiếp tục ghi nhận hàng loạt công ty QLQ có lỗ lũy kế, nhưng điểm gây chú ý là theo báo cáo của các công ty này, họ vẫn đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính, thậm chí ở mức cao. Đơn cử như, tỷ lệ an toàn tài chính của CTCP Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán liên minh Việt Nam, tại thời điểm 31/21/2012, đạt tới hơn 637%, trong khi năm 2011, Công ty lỗ 2,78 tỷ đồng, năm 2012 lỗ tiếp 2,6 tỷ đồng.

Liệu các công ty QLQ có thực sự đạt tỷ lệ vốn khả dụng cao khi liên tiếp làm ăn thua lỗ? Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán lý giải, đúng là nhiều CTCK, công ty QLQ có lỗ gộp lớn, nhưng nếu vốn chủ sở hữu (vốn còn lại sau khi đã trừ hết các khoản lỗ) mà cao hơn nhiều vốn pháp định (là mức vốn tối thiểu theo quy định), thì vẫn đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính; hoặc cũng có thể các công ty đó không có các hoạt động đầu tư tài chính, tín dụng dẫn tới chỉ chịu duy nhất rủi ro hoạt động. Nhìn chung, chỉ tiêu về lỗ gộp thể hiện hiệu quả hoạt động của công ty, còn chỉ tiêu an toàn tài chính thể hiện mức vốn khả dụng (phần vốn chủ sở hữu hiện tại) có đủ để trang trải các rủi ro nếu phát sinh hay không. Do vậy, không phải tất cả các trường hợp có lỗ gộp lớn đều không đảm bảo an toàn tài chính.

 

NAV tăng mạnh so với năm 2011

Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ trong năm 2012, được ghi nhận có bước tăng trưởng khá so với năm 2011. NAV của 17 quỹ còn hoạt động đạt hơn 7.200 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cuối năm 2011. Đặc biệt, có quỹ ghi nhận tăng trưởng giá trị danh mục lên tới 27% (Quỹ Hà Nội), nhưng cũng có quỹ giảm tới 29% (Quỹ Việt Nhật FPT).

Điểm khác biệt trong năm 2012 là NAV của các quỹ niêm yết tăng cao hơn NAV của các quỹ thành viên, khi đạt được mức tăng trưởng bình quân 15%. Trong đó, đáng chú ý là Quỹ MAFPF1 tăng trưởng cao nhất, lên tới 25%, tiếp đến là VF4 tăng 20%, thấp nhất là quỹ VFA khi chỉ tăng 0,35% và ACBGF tăng 6%. Tuy nhiên, tỷ lệ chiết khấu giữa NAV và thị giá vẫn còn cao, được coi là khuyết tật cố hữu của quỹ đóng. Bởi vậy, để khắc phục hạn chế này, bên cạnh các quỹ mở đầu tiên đã đi vào hoạt động như quỹ đầu tư trái phiếu của Công ty QLQ đầu tư MB và Công ty QLQ VinaWealth, một loạt các công ty QLQ khác cũng đang lên kế hoạch chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở. Diễn biến thị trường cho thấy, kế hoạch chuyển đổi quỹ đều dẫn tới thị giá tăng mạnh và tiếp cận dần tới NAV.

Một điểm đáng chú ý khác trong hoạt động của các quỹ đầu tư tính đến cuối năm 2012, trong tổng số 17 quỹ đầu tư chứng khoán đang hoạt động, với tổng giá trị huy động hơn 8.100 tỷ đồng, thì tổng giá trị tài sản giảm hơn 30% so với năm 2011. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do một số quỹ đã giải thể.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật