Làm rõ quyền đại diện chủ sở hữu đất của Nhà nước

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 24/4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Làm rõ quyền đại diện chủ sở hữu đất của Nhà nước
Ảnh minh họa

Thành phần tham dự tại 63 địa phương, gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Thường trực Ủy ban Nhân dân; các Sở Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Tư pháp; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Nông dân. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết thực hiện Nghị quyết số 563 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp, tiếp thu và giải trình ý kiến góp ý của nhân dân. Đến nay đã có 6.958.848 lượt ý kiến góp ý của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các tổ chức và cá nhân góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Qua tổng hợp ý kiến nhân dân cho thấy, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có nhiều điểm đổi mới phù hợp với các quan điểm, định hướng theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đã cơ bản giải quyết được những tồn tại, vướng mắc hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. 

Qua Hội nghị trực tuyến, đã có 15 ý kiến các Đại biểu Quốc hội, đại diện Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường...các địa phương như Bình Định, Đồng Nai, Hòa Bình, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Gia Lai, Đắk Nông...góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phần lớn những ý kiến đóng góp đều đề nghị rà soát, chỉnh lý vào Dự thảo Luật theo hướng làm rõ hơn quyền đại diện chủ sở hữu đất đai của Nhà nước thông qua các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chính sách tài chính đất đai và giá đất. 

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ý kiến của các đại biểu Quốc hội ở nhiều địa phương cho rằng trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên theo hướng: Đối với cấp quốc gia, cấp tỉnh thực hiện theo phương thức công khai thông tin và tiếp nhận ý kiến đóng góp; đối với cấp huyện thực hiện theo phương thức tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp và qua trang thông tin điện tử theo quy định của Chính phủ. 

Đề nghị giữ nguyên hệ thống quy hoạch sử dụng đất 3 cấp (quốc gia, tỉnh, huyện), trong đó có lồng ghép nội dung quy quy hoạch sử dụng đất cấp xã vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, nhằm khắc phục tình trạng thiếu tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch của các xã trên địa bàn huyện như hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đồng thời tiết kiệm thời gian, nguồn lực đầu tư lập quy hoạch. 

Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cần bổ sung vào Dự thảo Luật theo hướng chuyển các trường hợp như dự án nhà tái định cư, nhà ở xã hội. Nhà nước chỉ thu hồi đất sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng nhằm đảm những lợi ích này được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định; chấp thuận chủ trương và các dự án phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của địa phương được Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh thông qua...Quan tâm hơn đến việc đảm bảo quyền sử dụng đất cho nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số... 

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển đã tiếp thu và trả lời những ý kiến đóng góp của các các Đoàn Đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhất là cần tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật về các nội dung như cơ chế thu hồi đất; chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; định giá đất; chính sách thuế liên quan đến đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý đất đai và một số vấn đề quan trọng khác. 

Kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, việc sửa đổi Luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, kinh tế-xã hội của cả nước. Yêu cầu của việc sửa đổi Luật lần này là phải giải quyết được những vướng mắc, bức xúc hiện nay. Chỉ trong thời gian ngắn diễn ra Hội nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã nhận được nhiều ý kiến tham gia có chất lượng của các Đại biểu Quốc hội. Đây là những góp ý quan trọng để cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 sắp tới

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật