Yêu trẻ hãy chọn nghề giáo viên mầm non

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Sở GD-ĐT, ngành giáo dục mầm non của tỉnh vẫn đang trong tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Nguyên nhân vẫn là do số học sinh trong độ tuổi tăng cao, nhiều trường mầm non tư thục được thành lập.
 Yêu trẻ hãy chọn nghề giáo viên mầm non
Cô Nguyễn Mỹ Duyên (đứng giữa), trường Mầm non Tuổi Ngọc (TP.TDM) đang truyền đạt kinh nghiệm cho các giáo sinh thực tập

Vì vậy, bên cạnh việc hướng dẫn cho học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp trong kỳ thi CĐ, ĐH sắp tới, Sở GD-ĐT cũng khuyến khích các em mạnh dạn thi vào ngành sư phạm mầm non và tiểu học để đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh nhà.

Có việc làm sau khi tốt nghiệp

Hiện nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non (GVMN) tại Bình Dương rất lớn nhằm đáp ứng cho công tác phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi. Từ nay đến năm 2015, Bình Dương cần thêm khoảng hơn 4.000 GVMN, phải nói rằng nhu cầu về GVMN đang trở nên bức thiết đối với sự phát triển giáo dục của tỉnh, nhất là trong giai đoạn Bình Dương đang thực hiện phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi. Chính vì vậy, những giáo sinh tốt nghiệp trường sư phạm mầm non nếu có lòng yêu trẻ, có tâm và đủ tay nghề sẽ có việc làm ngay trong vòng 5 năm tới

Riêng tại Bình Dương hiện chỉ có trường Đại học Thủ Dầu Một có đào tạo GVMN. Có 3 hệ đào tạo (dành cho những học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT, không khuyết tật, không bị dị dạng), hệ trung cấp: thi đầu vào môn văn và năng khiếu (hát, múa minh họa, đọc, kể chuyện diễn cảm) học trong 2 năm, tốt nghiệp sẽ nhận bằng trung cấp sư phạm mầm non; hệ cao đẳng: thi môn văn, toán, năng khiếu, học trong 3 năm, nhận bằng cao đẳng sư phạm ngành GDMN; hệ đại học: thi môn văn, toán, năng khiếu, học trong 4 năm, nhận bằng đại học sư phạm ngành GDMN.

Trong trường, giáo sinh sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng chăm sóc nuôi dạy trẻ như: tâm lý lứa tuổi mầm non, vệ sinh, dinh dưỡng, kỹ năng làm đồ chơi, kỹ năng tạo hình, kỹ năng làm quen với trẻ... Trong đó giáo sinh sẽ được rèn kỹ năng nghề thông qua các buổi thực hành ngay trong trường sư phạm và các buổi kiến tập, thực tập trong trường mầm non.

Chọn nghề nếu yêu trẻ

Làm nghề GVMN đòi hỏi trước hết là phải có lòng yêu trẻ. Cô Lê Thị Thanh Tâm, giáo viên trường Mầm non Hoa Hồng 1 (TX.Dĩ An) cho biết: "Nghề GVMN vừa cực, thu nhập lại chưa cao như những nghề khác. Nhưng nếu ai cũng vì cuộc sống riêng mà bỏ nghề thì còn ai dạy dỗ các em? Mà lứa tuổi mầm non là lứa tuổi cần phải được dạy dỗ, chăm sóc chu đáo và kỹ lưỡng nhất. Với suy nghĩ ấy và cùng với sự động viên, khuyến khích của gia đình, của đồng nghiệp đã giúp tôi lại tiếp tục hành trình của một cô giáo và ngày càng gắn bó với nghề hơn. Một khi đã bước chân vào cổng trường mầm non thì phải chấp nhận áp lực bên cạnh tình yêu thương con trẻ. Nếu biết cách dạy trẻ và có tâm với nghề thì mọi khó khăn trở ngại ấy đều sẽ tan biến ngay. Bởi hàng ngày chúng tôi được tiếp xúc với sự trong sáng thơ ngây như những thiên thần của các bé là chúng tôi như quên hết mệt mỏi".

Sinh viên Nguyễn Thị Hải Yến, thực tập sinh tại một trường mầm non thích thú tâm sự: "Em đang đi thực tập tại một trường mầm non lớn trong tỉnh. Những ngày đầu vẫn còn nhiểu bỡ ngỡ lắm, nhưng được tiếp xúc với các bé từ giờ tập thể dục, ăn uống, đến học tập và sinh hoạt vui chơi của các bé khiến em yêu nghề mình đã chọn. Các bé dễ thương lắm, mặc dù em thấy cũng hơi vất vả một chút nhưng bù lại rất vui. Nụ cười và sự ngây thơ của các bé đã làm em quên đi hết mệt mỏi".

Theo bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT thì: "Để trụ được với nghề GVMN thì cần phải có tâm và tình yêu thương trẻ. Hiện vẫn có rất nhiều GVMN tâm huyết đang trụ lại với trường, với lớp, với những mầm non của đất nước. Sở GD-ĐT cũng đề xuất với UBND tỉnh về việc tăng lương giờ phụ trội làm thêm giờ và tăng phụ cấp nghề cho GVMN. Đây là cách khả quan nhất, so với tăng lương hay học phí, nhằm cải thiện đời sống cho GVMN và thu hút nguồn nhân lực cho ngành trong thời gian sắp tới".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật