Phấp phỏng với dự án ‘xã đảo du lịch’

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những tưởng đằng sau dự án “tỷ đô” xây các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp quốc tế được triển khai thì cuộc sống của người dân xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) sẽ đổi thay. Nhưng sau hơn 5 năm nhìn lại, cuộc sống bám biển của hàng ngàn người dân vẫn đầy lo toan và luôn đối mặt với bao hiểm nguy rình rập từ thủy thần.
Phấp phỏng với dự án ‘xã đảo du lịch’
Người dân xã đảo mong ngày bắc cầu nối nhịp đôi bờ.

Nước mắm An Hoà (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) một thời có mặt trong hầu hết bữa cơm gia đình ở hầu khắp các tỉnh thành lân cận. Vị đậm đà khó quên của thương hiệu nước mắm làm nức lòng bao người dần mất dần tiếng thơm…

Từ bao đời nay, nghề chài lưới và chế biến nước mắm đã trở thành cái nghề “thâm căn cố đế”, là thu nhập chính của gần 8.500 ngư dân trên đảo. Những chuyến tàu cập bến luôn đầy ắp cá tôm, nhưng cá tôm ở đây không chỉ để ăn, để bán, mà còn dùng để chế biến nước mắm. Ai đã từng nếm vị nước mắm An Hoà hẳn sẽ không thể quên được mùi thơm đặc trưng của nó. Đó là mùi thơm của cá cơm chính hiệu quyện với muối, tạo nên một hương vị rất riêng.

Nhưng đó chỉ là chuyện của 10 - 20 năm trước khi làng nghề còn ở thời kỳ thịnh vượng. Nước mắm An Hòa thơm ngon là vậy, nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ bị mai một và thất truyền. Sự ra đời ngày càng nhiều các thương hiệu nước mắm mới, sự lạc hậu của kỹ thuật sản xuất, lợi nhuận kinh tế giảm sút... là những nguyên nhân khiến thương hiệu này đang ngày càng mai một.

Anh Phạm Đăng Nghĩa (46 tuổi), thôn Long Thạnh Đông, chủ cơ sở sản xuất nước mắm thương hiệu An Hòa, cho biết: “Nhà tôi là hộ duy nhất ở xã này kinh doanh phát đạt từ chính nghề truyền thống của cha ông (nghề làm nước mắm An Hoà), nhưng hiện nay đang bị đình trệ vì đi lại khó khăn. Việc chuyên chở bằng phà với trọng tải quá nhỏ không thể đảm bảo số lượng hàng hoá cung ứng cho thị trường, mà nếu chở nhiều chuyến thì lại mất quá nhiều kinh phí vận chuyển. Bên cạnh đó, sự ra đời của nhiều thương hiệu nước mắm khác cũng làm cho nước mắm An Hoà khó cạnh tranh”.

Làng nước mắm An Hòa đang đứng trước nguy cơ xóa sổ

Tính cho đến nay đã trải qua hơn 5 năm kể từ sau năm 2007, xã đảo Tam Hải được UBND tỉnh phê duyệt thành khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn quốc tế trị giá 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên xã đảo Tam Hải chưa thành xã đảo du lịch thì 2.800 hộ dân nơi đây đang sống trong sự thấp thỏm, lo âu vì tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhiều người dân nói đùa với nhau, xã đảo thành… xả rác (?)

Men theo gần 4 km bờ biển, rác tràn ngập khắp nơi, vương vãi trên cành cây, nham nhở khắp bãi biển. Bãi biển Tam Hải không khác gì là đống rác rác khổng lồ. Nhiều khu vực vốn nổi tiếng là xanh, sạch, đẹp bậc nhất xứ đảo như thắng cảnh Bàn Than, rác xếp chồng lên nhau thành từng ụ, từng đống và dập dềnh theo những đợt sóng xô vào bờ. Rác chủ yếu là bao bì, dép guốc, giấy vụn, chai lọ…

Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở xã đảo Tam Hải cũng từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản và do chính ý thức người dân địa phương xả rác thải vô tội vạ. Người dân xã đảo đã nhiều lần phản ánh vấn đề này trong các lần tiếp xúc cử tri các cấp và mong mỏi chính quyền, ngành chức năng các cấp có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây.

Sẽ không có một xã đảo du lịch lý tưởng nếu như ngay bây giờ không nghĩ về một môi trường sống xanh, sạch và đẹp.

Hai giếng cổ này là nguồn nước cung cấp cho cả xã mấy trăm năm nay

Cùng với vẻ đẹp hoang sơ của làng chài xứ đảo Tam Hải hiền hòa, yên ả đến “mê hoặc” lòng người, du khách khi đến đây còn được khám phá hai giếng cổ ngàn năm tuổi. Chỉ cách đất liền chưa đến 700 m nhưng xã đảo lại thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng. Thành ra, hai giếng cổ này là dòng nước “mẹ” ngọt lành nuôi sống hàng ngàn người dân xứ đảo mấy trăm năm qua.

Giếng có độ sâu chưa đến 10m, đường kính trên miệng rộng không quá 2m nhưng chưa bao giờ cạn nước. Đơn cử như vào mùa khô hạn mực nước của giếng vẫn giữ nguyên xi, không bao giờ hạ xuống mức nước chết. Bởi vậy, gần 8.500 ngư dân nơi đây không bao giờ phải sống trong nỗi thấp thỏm hay nơm nớp lo sợ sẽ thiếu nước. Nắng hay mưa, hè hay đông, 2 giếng này vẫn “lặng lẽ” đem dòng nước “mẹ” nuôi sống cả đảo.

Từ 3 năm trở lại đây, nghề mưu sinh mùa rong mơ biển đã đem lại nguồn thu nhập kha khá người dân trên xã đảo Tam Hải. Nhiều người đã vươn lên thoát nghèo nhờ nghề mang tính mùa vụ và đầy hiểm nguy này.

Khác với các ngành nghề khác, nghề rong mơ biển chỉ diễn ra theo mùa sinh sản của rong mơ biển. Rong mơ biển sống chen lẫn trong những bãi đất ngầm xung quanh đảo. Muốn hái được rong mơ phải lặn xuống dưới sâu đến 10 m. Đại đa số ngư dân nơi đây hay dùng những chiếc thúng chai để khai thác. Đã ra khơi làm nghề này phải bất chấp khó khăn, vất vả và sự nguy hiểm rình rập.

Anh Phạm Viết Dục (53 tuổi, trú thôn Thuận An) cho hay: “So với nghề đi biển thì đỡ vất vả và hiểm nguy hơn nhiều. Nhưng để kiếm được khoản tiền ấy thì người dân phải lặn mò xuống dưới đáy biển hàng chục giờ liền và phải trải qua nhiều khâu quan trọng. Hay chẳng may khi lặn cả ngày dưới nước sẽ nhiễm lạnh, chuột rút hay sẩy chân thì khốn”. Hàng trăm năm nay, hàng ngàn người dân sống trên đảo chỉ có thể biết trông cậy vào những nghề cổ truyền của tổ tiên như nghề làm nước mắm An Hòa, nghề làm rớ, nghề đi biển. Những nghề này cũng vắng bóng và mai mọt dần. Tưởng chừng cuộc sống người dân sẽ trở nên lao đao, đình đốn. Nhưng rồi vài năm trở lại đây, nhiều người dân trên đảo lại vươn lên thoát nghèo nhờ nghề mưu sinh rong mơ biển.

“Mơ” về một cây cầu vượt sông Trường Giang luôn là ước vọng bao đời nay của người đảo, nhất là sau khi xảy ra vụ chìm phà kinh hoàng vào sáng sớm 21/11/2011 tại khu vực bến phà Tam Hải - Tam Quang trên con phà mang BKS QNa-0379 đã bị chìm làm chết một thai phụ, hơn 30 người khác may mắn được cứu sống. Sự cố đáng tiếc này đã rung một hồi chuông báo động về sự mất an toàn, nguy hiểm của con phà duy nhất đưa người qua sông tại đây.

Trong khi chờ đợi lên phà sang sông, nhiều người dân đi trên phà cứ mãi cằn nhằn vì tình trạng đông nghẹt của con phà. Bến phà tại chợ Tam Quang xơ xác, tiêu điều, nhưng hàng người vẫn nườm nượp đứng đợi đến lượt lên phà sang bên kia sông. Phà vừa cập bến, từng đoàn người chen lấn, xô đẩy lên xuống phà. Hàng chục năm qua, người dân nơi đây quá quen với cảnh chịu đựng này.

Hơn bao giờ hết, nỗi khát khao về một chiếc cầu vượt sông Trường Giang - ước mơ từ nhiều năm nay của người dân xã đảo - lại trở nên thôi thúc, cồn cào, khi cảm giác hoang mang, nơm nớp lo sợ và cả ám ảnh về vụ chìm phà vẫn còn đọng trên ánh mắt của rất nhiều người dân xã đảo Tam Hải.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật