Giảm nhập siêu từ Trung Quốc: Bài toán khó!

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Câu chuyện Việt Nam thâm hụt thương mại với Trung Quốc không còn mới, nhưng vẫn luôn là vấn đề thời sự bởi kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này không ngừng gia tăng, kéo theo nhiều nguy cơ với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
Giảm nhập siêu từ Trung Quốc: Bài toán khó!
Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Ảnh: Hoàng Long
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công thương, quý I-2013, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam chiếm hơn 25% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Minh chứng cho điều này là thực phẩm, hoa quả Trung Quốc ồ ạt đổ vào Việt Nam, bất kể những sản phẩm tiêu dùng (như trái cây táo, mận, rồi rau củ quả...) trong nước đều có thể sản xuất được. Theo thời gian Việt Nam đã nhập mức tăng đáng kể từ Trung Quốc đối với các mặt hàng mà bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng chiếm lợi thế như nguyên phụ liệu dược phẩm, hàng rau quả,  bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc. Thậm chí nhiều mặt hàng Trung Quốc sau một thời gian bị tẩy chay đã tìm cách đội lốt, tràn vào Việt Nam bằng cách thay đổi "nơi sinh”.
Điều này cũng không đáng ngạc nhiên bởi đây là diễn biến tiếp theo của xu thế trước đó. Từ năm 2009, nhập siêu từ Trung Quốc đã chiếm tỷ lệ ngày càng lớn và được cảnh báo. Sang năm 2011, Việt Nam tiếp tục thâm hụt thương mại với thị trường này 12,47 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2010. Riêng mức độ nhập siêu của Trung Quốc năm 2011 đã gấp 1,4 lần mức nhập siêu của Việt Nam với tất cả các nền kinh tế, tăng nhẹ so với mức 1,3 lần của năm trước đó. Năm 2012, nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 16,7 tỷ USD, phần lớn tập trung vào các mặt hàng nguyên phụ liệu, linh kiện lắp ráp, gia công và các máy móc thiết bị phục vụ xuất khẩu.
Ông Đào Ngọc Chương- Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á- Thái Bình Dương (Bộ Công thương) nhận xét: "Trung Quốc hiện là thị trường có mức nhập siêu lớn nhất”. Ông Chương cũng cho biết thêm, Việt Nam từng có thời kỳ xuất siêu sang Trung Quốc, từ năm 1991-2000. Tuy nhiên, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc với giá trị tuyệt đối và tỷ lệ trên kim ngạch xuất khẩu luôn tăng.
Những con số trên đây chưa phản ánh hết mức độ nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc. Bởi nếu gộp cả vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) thì kim ngạch còn lớn hơn rất nhiều khi Việt Nam luôn nhập siêu từ Đài Loan với tốc độ tăng trung bình 20%/năm, suốt từ năm 2001 đến nay.
Theo ông Đào Ngọc Chương, 90% nguyên phụ liệu sản xuất của Việt Nam đang nhập từ Trung Quốc do ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, không đủ đáp ứng các ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu. "Trong đó, 80% nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày nhập từ thị trường này về Việt Nam gia công, sản xuất, hoàn thiện rồi xuất khẩu đi Mỹ, EU, Nhật...”, ông Chương nói.
Phân tích nguyên nhân, vị chuyên gia này cho rằng, nhập siêu từ một "đại công xưởng của thế giới” là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, nước này lại là nhà đầu tư lớn của Việt Nam. "Một điều quan trọng khác là cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa đa dạng gồm: hàng xuất khẩu thô, nguyên liệu thô, sản phẩm cần lắp ráp... tương đối giống với cơ cấu hàng hóa của Trung Quốc những năm 1975-1980 thế kỷ 20 của Trung Quốc nên chất lượng lại kém hơn hàng Trung Quốc”, ông Chương phân tích. Mặt khác, nhóm hàng xuất khẩu nhằm tăng kim ngạch của Việt Nam sang thị trường này như: dầu thô, than đá lại giảm mạnh trong những năm gần đây. Ngoài ra, còn có lý do từ công tác xúc tiến thương mại của thị trường này đều đặn và hiệu quả hơn. Trung Quốc cũng có cơ chế khuyến khích trao đổi biên mậu bằng ưu đãi về thuế. Cụ thể như, người dân Trung Quốc mang giá trị hàng bán qua biên giới phải từ 8.000 Nhân dân tệ (gần 3 triệu đồng Việt Nam) mới phải chịu thuế, trong khi người dân Việt Nam mang hàng giá trị 2 triệu đồng trở lên qua biên giới đã phải đóng thuế.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nhập siêu nhiều từ Trung Quốc, Việt Nam không những bị lệ thuộc vào nguyên liệu của quốc gia này mà còn như một cầu nối xuất khẩu với chi phí thấp cho các hàng hàng thế mạnh của Trung Quốc vào các thị trường khác. Nhiều nước trên thế giới đang tẩy chay hàng Trung Quốc, Việt Nam chắc chắn không tránh khỏi "vạ lây” nếu tiếp tục bị Trung Quốc "mượn đường” để đưa hàng hóa vào thị trường các nước như hiện nay.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật