Người chết cũng khốn khổ vì dự án ‘quên’ hạng mục

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hơn 4 năm nay, mỗi khi đi làm đồng hay đưa đám tang, người dân thôn Ninh Đạo, xã Tân Phúc (Ân Thi - Hưng Yên) lại phải đánh vật với đoạn đường xa gấp hàng chục lần so với trước.
Người chết cũng khốn khổ vì dự án ‘quên’ hạng mục
Người dân tự “mở đường“ ra nghĩa trang. Ảnh: hungyentv.vn

Bởi dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang thi công chạy qua đã ngẫu nhiên chia cắt khu dân cư, gây không ít phiền toái cho dân nơi đây. Lẽ ra theo thiết kế, đoạn Km 30 + 360 chạy qua thôn Ninh Đạo ngay từ khi triển khai thi công phải có đường tạm dân sinh và cống tiêu nước tạm phục vụ đời sống sản xuất của bà con, song chủ đầu tư đã "bỏ quên" hạng mục này ?


Dân khốn đốn vì đường chia cắt


Khi giải phóng mặt bằng làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dân Ninh Đạo rất hứng khởi và sẵn sàng bàn giao đất trước khi nhận tiền đền bù nhiều tháng, đồng thời khẩn trương di rời toàn bộ mộ phần của cha ông từ nghĩa trang nhân dân Đống Tróng sang nghĩa trang nhân dân Đống Ấn, giúp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công. Cũng như các địa phương khác ở Ân Thi, dân Ninh Đạo được biểu dương làm tốt công tác bàn giao mặt bằng nhanh gọn.

Tích cực là vậy, nhưng chủ đầu tư là Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam chỉ chú trọng thi công đường cao tốc, mà bỏ qua chuyện làm các hạng mục dân sinh tạm thời cho khu dân cư.

Trong thiết kế đường cao tốc đoạn qua Ninh Đạo có 3 cống, trong đó có 2 cống tiêu thoát nước phục vụ 12,8 mẫu ruộng và 1 cống dân sinh để người dân đi lại phục vụ nhu cầu sản xuất và đi ra nghĩa trang. Nhưng 4 năm qua, con đường duy nhất vốn có từ nhiều đời nay để đi sang nghĩa trang nhân dân và cánh đồng Đống Ấn bị đường cao tốc bịt lại, làm thôn Ninh Đạo bị chia cắt thành 2 khu vực, một bên là khu dân cư sinh sống, bên kia là nghĩa trang nhân dân của thôn và cánh đồng Đống Ấn, nguồn thu nhập của 1/5 số hộ dân của thôn.


Do bị mất lối đi, đường sang nghĩa trang nhân dân thôn Ninh Đạo bị chia cắt. Mỗi lần thôn có người chết, việc đưa đám ma phải đi vòng qua làng Ngọc Nhuế (xã Tân Phúc), vòng qua đường 38 rồi vòng xuống, xa gấp 10 lần đường đi cũ. Bà Lương Thị Hoa và nhiều người trong thôn ấm ức cho biết: Khi đưa tang, làng bên tỏ ý ngại không cho đi qua vì kiêng kỵ. Mới đây nhất, vào tháng 6/2012, khi đưa đám tang của chồng bà Đặng Thị Nụ, một số người bị ngất xỉu do nắng nóng, đường xa. Trừ người nhà và cán bộ thôn phải gắng gượng để đi, còn bà con lối xóm không chịu được đường xa, nắng gắt, đến giữa đường đành phải quay về, không thể thực hiện đúng đạo lý "nghĩa tử là nghĩa tận"".


Tương tự như vậy, việc sản xuất của bà con cũng chật vật khi Ninh Đạo vốn là thôn thuần nông. Khu đồng Cửa Mé, Đống Ấn từ khi đường cao tốc thi công bỗng dưng trở nên như một "ốc đảo" bởi việc tiêu thoát nước bị tắc do không có cống. Sau nhiều bức xúc của dân, 1 cống tiêu thoát nước đã được làm nhưng vẫn không bảo đảm, cống tiêu này "có cũng như không" vì tiêu không được tưới không xong. Cả 12,8 mẫu ruộng lâm vào cảnh chỉ nhờ trời, không nước tưới khi hạn hán, không tiêu nước được khi ngập úng khiến đời sống của 54 hộ dân có ruộng lao đao. Để sang khu đồng Cửa Mé, Đống Ấn, bà con cũng phải đi vòng như thế, xa gấp hàng chục lần đường cũ. Chi phí vận chuyển vào vụ cấy gặt vì thế cũng cao gấp nhiều lần.


Theo chị Vũ Thị Hải, nhà có 1,1 mẫu ruộng bên cánh đồng Đống Ấn, năng suất cả 8 vụ qua đều sụt giảm hơn nửa, mỗi vụ thất thu cả tấn thóc, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của gia đình. Tương tự, nhà ông Bùi Tất Ban có 6 sào ruộng, với 8 vụ đã qua, năng suất chỉ còn chưa được 1 tạ/sào, giảm hơn một nửa so với trước kia. Ông Ban cho hay, gạo từ cánh đồng này người không ăn được vì vừa đen, vừa "nhằng nhặng đắng", bán thì rẻ, chỉ để nấu cho lợn.


Chủ đầu tư "phớt lờ"


Bà con thôn Ninh Đạo bức xúc khi nhiều đường giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi là công sức đóng góp đắp đường, đào mương chia đầu người trên mỗi sào của người dân đã bị phá hỏng khi bàn giao mặt bằng làm đường cao tốc, nhưng 4 năm nay vẫn chưa được đền bù. Tháng 9/2012, chi bộ thôn họp ra nghị quyết đề nghị nhà thầu làm cống tiêu thoát nước và cống dân sinh theo đúng thiết kế để bảo đảm cho đời sống bà con trong thôn. Nhưng đã qua nhiều lần họp dân, dù bà con có ý kiến đề nghị nhưng không được giải quyết.


Sau các sự việc trên, chủ đầu tư làm tạm đường từ nền đường cũ lên mặt đường cao tốc. Song càng làm người dân phản ứng gay gắt và cho rằng, việc này chỉ mang tính đối phó. Bởi con đường quá dốc không thể đi lại, vận chuyển được, với độ dốc cao tới 6m. Nhiều người dân tự ý làm lấy đường tạm, cắt ngang đường cao tốc để lấy lối đi. Nhưng lối đi này hết sức nguy hiểm vì đường bị đào tự phát, đất 2 bên dốc dựng đứng có thể sạt lở bất cứ lúc nào nên không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.


Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam nêu lý do, theo yêu cầu kỹ thuật thì phải thi công xử lý đất yếu, đắp nền đường gia tải với độ cao trung bình từ 4 đến 8m và phải chờ lún từ 10 đến 14 tháng, sau đó mới tổ chức thi công cống chui. Chủ đầu tư cũng yêu cầu nhà thầu thi công đường tạm qua vị trí Km 30+360 để đảm bảo giao thông cho khu dân cư, nhưng nhà thầu chưa thực hiện nghiêm túc.


Trước phản ánh của người dân, ngày 5/12/2012, UBND tỉnh Hưng Yên đã có công văn số 1999 yêu cầu các đơn vị chức năng đôn đốc việc thi công các hạng mục trên để giải quyết cho dân. Sau đó, Sở Giao thông Vận tải Hưng Yên cũng đã có công văn số 147 đề nghị chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Nhưng đến nay đã qua nhiều tháng mọi chuyện vẫn án binh bất động. Chẳng lẽ chủ đầu tư và nhà thầu phớt lờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành chức năng để nhân dân chịu mãi cảnh khốn khó trong đi lại và sản xuất ?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật