Gian nan xuất khẩu vào Mỹ

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thiếu vốn để mở rộng đầu tư, chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng do Mỹ đặt ra, liên tục vấp phải các vụ kiện liên quan tới giá thành sản phẩm… đang là những khó khăn mà nhiều DN XK vào Mỹ gặp phải.
Gian nan xuất khẩu vào Mỹ
Đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng chỉ là một trong các yêu cầu đặt ra đối với các DN nhỏ XK hàng hóa vào thị trường Mỹ.

Cản trở từ Mỹ

Ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận Ninh Thuận cho biết: Thời gian vừa qua, các DN XK mặt hàng thủy sản nói chung và tôm nói riêng đều rất khó khăn trong vụ kiện chống bán phá giá tôm vào Mỹ. Nếu phải chịu mức thuế suất 27% như Mỹ đặt ra thì các DN kinh doanh không còn lãi, DN Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với các đơn vị kinh doanh cùng mặt hàng tại Mỹ. “Riêng Thủy sản Thông Thuận Ninh Thuận khi theo vụ kiện lại Bộ Thương mại Mỹ trong vấn đề này đã phải mất thời gian ròng rã tới 18 tháng và chi phí hết vài tỷ đồng”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, mặc dù hiện tại việc này đã phần nào được giải quyết, tới tháng 7 có khả năng vụ kiện chống bán phá giá sẽ khép lại với phần thắng thuộc về phía các DN Việt Nam XK vào Mỹ, song lại nảy sinh những vấn đề khác hết sức phức tạp. Đó là việc phía Bộ Thương mại Mỹ kiện chống bảo trợ của Nhà nước đối với các DN XK thủy sản vào Mỹ, đặc biệt là mặt hàng tôm.

Phía Mỹ lấy cớ rằng, những người nuôi tôm trên đất Mỹ kiện DN các nước khác được Nhà nước bảo trợ nhiều mặt nên giá thành sản phẩm thấp, họ không thể cạnh tranh nổi. Cụ thể như, DN có các đồng nuôi tôm nhưng Nhà nước sở tại lại cho thuê đất với giá rẻ, hỗ trợ cơ sở hạ tầng để kéo điện, kéo nước… phục vụ quá trình nuôi trồng, chế biến.

Vụ kiện này cũng đang khiến cho DN kinh doanh tôm XK vào Mỹ gặp nhiều trở ngại bởi nếu thua kiện, khi XK vào Mỹ, DN sẽ phải đóng một mức thuế suất nhất định do phía Mỹ quy định.

Thêm một khó khăn nữa khi XK sang Mỹ, đó là việc phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đặt ra. Theo ông Cường, thông tin về các điều kiện này được đăng tải rất đầy đủ trên website của FDA. Tuy nhiên, độ dài thông tin lên tới vài nghìn trang và được cập nhật liên tục. Thêm vào đó, FDA có rất nhiều quy định khắt khe hơn cả thị trường châu Âu. Có cảm giác như, các yêu cầu mà FDA đặt ra có phần ưu ái hơn cho các DN nội địa mà “khó” với DN XK. Đây cũng là những khó khăn mà các DN XK vào Mỹ phải đối mặt.

Khó bởi nội tại

Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty CP Thúy Đạt cho biết: Tuy đã ấp ủ ý định này nhiều năm, thậm chí không ít lần các DN Mỹ trực tiếp tới thăm Công ty để bàn bạc, song đến nay chuyện hợp tác vẫn chưa thành công. Điều này là bởi bản thân DN mình chưa đủ sức để đáp ứng được những yêu cầu khá khắt khe từ phía DN Mỹ. Để hàng hóa sản xuất ra có thể XK vào Mỹ, phía DN Mỹ đưa ra nhiều điều kiện bắt buộc Công ty phải tuân thủ về nhà xưởng, công nghệ, máy móc, nhân công… Cụ thể như, nhà máy phải hết sức hiện đại, công nghệ cao, công suất lớn; phải đảm bảo 25 người/nhà vệ sinh; công nhân từ 1‌8 tuổ‌i trở lên và chỉ làm đủ 8 tiếng/ngày…

Theo ông Châu, để đáp ứng được tất cả những điều kiện trên, DN Việt có đủ tự tin, đủ khả năng nhưng vấn đề mấu chốt là không đủ vốn. Ước tính sơ bộ, đối với riêng Thúy Đạt, muốn mở rộng nhà xưởng, cải tiến máy móc công nghệ, nâng cao chất lượng người lao động… theo đúng điều kiện cũng phải mất tới vài nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, mức lãi suất huy động cho vay của ngân hàng Việt Nam luôn ở mức cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Thêm nữa, những chi phí “bôi trơn” cũng chiếm một khoản khá lớn chi phí mà DN phải lo. Tất cả những điều này khiến cho cùng một mặt hàng nhưng giá thành sản phẩm của DN Việt lại cao hơn nhiều nước khác, khả năng cạnh tranh thấp.

Cũng xuất phát từ năng lực nội tại chưa đáp ứng đủ yêu cầu XK sang Mỹ, Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại Tôn Vinh lại lựa chọn cách thức hoàn toàn khác để XK vào Mỹ. Ông Chu Xuân Ái, Giám đốc Công ty cho biết: Đơn vị chuyên sản xuất và xuất thô sản phẩm chè nhưng cũng chỉ mới xuất sang Mỹ số lượng nhỏ. Lý do chính là mặt hàng của DN chưa đáp ứng được hết các điều kiện mà phía Mỹ đặt ra. Thêm nữa, do chưa tạo dựng được uy tín với các DN ở thị trường này nên chưa thể tìm kiếm đối tác. Trong một số trường hợp, Tôn Vinh đã phải lựa chọn cách XK qua DN trung gian tại Hà Lan sang Mỹ.

Có thể thấy rằng, mặc dù XK sang Mỹ còn gặp phải một số khó khăn, song Mỹ vẫn luôn là thị trường lớn, giàu tiềm năng. Bởi vậy, điều mà các DN cần nhất lúc này là chủ động tìm hiểu, nắm vững mọi thông tin để có thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện về chất lượng sản phẩm cũng như tuân thủ các quy định từ phía Mỹ, nâng cao khả năng XK vào thị trường này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật