Lấy lại “nguồn vốn” lòng tin

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Quản trị Doanh nghiệp nhìn từ kinh tế Quý I/2013”, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với những việc Chính phủ đã và đang làm, có thể năm 2013 tình hình kinh tế còn khó khăn nhưng đã có những bước đi chắc chắn.
Lấy lại “nguồn vốn” lòng tin
Cải thiện chỉ số niềm tin sẽ là động lực để DN phát triển
LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC) bày tỏ sự lo ngại, thông qua chỉ số PCI cho thấy niềm tin - một loại nguồn vốn xã hội thời gian gần đây đang bị suy giảm nghiêm trọng. Lần đầu tiên kể từ 8 năm qua, chỉ số niềm tin của các DNNVV bị suy giảm một cách nặng nề. Tại 2007, khi hỏi câu hỏi DN có tăng quy mô đầu tư hay không thì 27,1% nói sẽ tiếp tục tăng quy mô, nhưng đến 2012 thì chỉ có 6,5%. Còn khi hỏi DN có ý định mở rộng sản xuất kinh doanh hay không, thì năm 2007 là 74,5%, đến năm 2012 chỉ còn 20,3%.
TS Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia đã nhiều năm hoạt động tại thị trường Mỹ, nhận xét, chỉ số niềm tin của DN trong giải quyết tranh chấp hiện đang rất thấp. Nếu trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo mà DN mất niềm tin, đây sẽ là điều rất đáng lo ngại. Cải thiện được chỉ số này sẽ là một trong những động lực cho DN trong việc đầu tư. Theo ông Hiếu, Nhà nước nên giảm mức thấp nhất chính sách hành chính và làm minh bạch thị trường. Minh bạch là một trong những yêu cầu cơ bản.
TS Nguyễn Đình Ánh cho rằng, trong cách điều hành, chúng ta đã không dựa vào vận động theo quy luật thị trường, chuyển sang áp dụng nhiều hơn các mệnh lệnh hành chính. Chính phủ đã can thiệp nhiều hơn vào thị trường thông qua cả công cụ trực tiếp và gián tiếp.
Trong các biện pháp Nhà nước can thiệp tới thị trường lâu nay, đa phần là mệnh lệnh hành chính. Một mặt, chúng ta chia sẻ với Chính phủ khi nền kinh tế gặp bất thường, tuy nhiên chúng ta cần quan tâm tới hiệu quả hành chính thế nào? Liệu có lan tỏa, tác động đến thị trường hay không hay chỉ có một nhóm nhỏ tận dụng chính sách, trong khi toàn bộ xã hội ít được hưởng lợi.
Thận trọng và đúng hướng
Về vấn đề lợi ích nhóm chi phối chính sách khiến nhiều DN lo ngại, đặc biệt là khu vực DNNVV, LS Trần Hữu Huỳnh cho rằng, chúng ta không sợ lợi ích nhóm mà phải theo hướng để các nhóm lợi ích cùng bộc lộ, thể hiện quan điểm của mình. Qua đó, các chính sách được ban hành sẽ hài hoà được lợi ích của toàn bộ xã hội. Các chính sách, thủ tục của bộ, ngành đang dần dần minh bạch hóa. Đơn cử, trong báo cáo Hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành Pháp Luật về kinh doanh của các bộ (MEI), DN đã tham gia tương đối tốt vào việc chấm điểm và điều hành chất lượng các bộ, ngành, địa phương. Thực tế, quan điểm của các bộ bắt đầu có sự xung đột trong các văn bản. Theo ông Huỳnh, đây là tín hiệu tốt.
Hai lĩnh vực đang được DN quan tâm hàng đầu là thị trường bất động sản và tài chính. Bà Lê Thị Kim Hoa - Phó TGĐ Cushman & Wakefield tại Hà Nội cho rằng, giá BĐS đã ảo quá lâu rồi nên cần phải đưa về giá thật. Chính phủ đã đưa ra nhiều công cụ để hỗ trợ thị trường bất động sản như hạ lãi suất vay cho DN và có những chính sách ưu đãi về lãi suất cho người dân thu nhập thấp vay mua nhà. Tuy nhiên, đây là những giải pháp tạm thời bởi khi Nhà nước tiếp tục in tiền giải cứu sẽ dẫn đến lạm phát tăng cao, ảnh hưởng lớn đến người dân. Chính vì vậy, việc phục hồi thị trường BĐS rất cần có thời gian, cơ hội.
TS Nguyễn Trí Hiếu lại lạc quan hơn, thị trường BĐS đã nhìn thấy nguồn ánh sáng cuối đường hầm. Trong 20 năm qua, chúng ta dùng đòn bẩy về tài chính quá mạnh bạo. Cách đây 20 năm, khi mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào hợp tác kinh doanh, nhiều đối tác trong nước chỉ lấy BĐS để góp vốn kinh doanh và trong 2 thập niên qua, hầu như phương cách kinh doanh này vẫn tiếp tục. Ngày hôm nay, chúng ta đang đối diện với nợ xấu. Một trong những nguyên nhân của nợ xấu là người cho vay và người đi vay đã dùng bất động sản để làm đòn bẩy trong hoạt động cho vay. Bây giờ BĐS đang trở lại với giá trị thật cũng là điều cần thiết.
Để giải quyết tồn kho của DN, TS Nguyễn Đình Ánh cho rằng cần sử dụng các biện pháp góp phần giúp DN giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho DN bán được hàng với mức rẻ hơn, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trên thị trường. Ông Ánh cho rằng gói 30 ngàn tỉ để cho vay đối với DN và người có nhu cầu mua BĐS triển khai hơi chậm vì Nghị quyết 02 ban hành ngày 7/1/2013, mà cho đến thời điểm này, gói 30 ngàn tỉ vẫn nằm trong dự thảo lần thứ 4. Chính vì vậy, dường như giải pháp này không giải quyết được vấn đề cơ bản của thị trường BĐS hiện nay.
Tuy nhiên, TS  Hiếu  bày tỏ sự lạc quan: Hi vọng là năm nay chúng ta có thể đạt được cả hai mục tiêu: lạm phát thấp hơn năm ngoái và tăng trưởng cao hơn năm ngoái. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ đạt được một trong hai mục tiêu này, thậm chí không đạt được cả hai chỉ tiêu nhưng nền kinh tế được tái cơ cấu trong đó có hệ thống ngân hàng, các ban ngành của Chính phủ và bản thân các DN thì đây đã là một thành quả của năm 2013. Điều quan trọng nhất trong năm nay là nền kinh tế được điều chỉnh và tái cấu trúc để phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của nền kinh tế đang phát triển.
Cùng quan điểm, LS Huỳnh cho rằng: Nhà nước đã và đang đưa ra những giải pháp để giải quyết ba vấn đề nguồn nhân lực, thể chế, cơ sở hạ tầng. Trong năm 2013, Nhà nước đang tập trung mạnh tái cấu trúc DNNN. Ông Huỳnh tin tưởng: với những việc Chính phủ đã và đang làm, có thể năm 2013, tình hình kinh tế còn khó khăn nhưng chúng ta đã có những bước đi chắc chắn.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật