Góa phụ ở Ấn Độ và câu chuyện buồn mang tên thân phận

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong bóng tối, tại Vrindavan hay còn gọi là “thành phố của những góa phụ“, những góa phụ bị lãng quên tại Ấn Độ bắt đầu cầu nguyện cho bữa ăn tối.
Góa phụ ở Ấn Độ và câu chuyện buồn mang tên thân phận
Góa phụ ở Ấn Độ (Ảnh minh họa)

Tại Ấn Độ, những nhà hoạt động xã hội vẫn bảo nhau nếu những vị sadhu khổ tu khỏ‌ּa thâ‌ּn trở thành hình ảnh kỳ lạ mang tầm biểu tượng quốc gia thì góa phụ là những chủ đề bi thảm, nơi những người phụ nữ xấu số này ngày ngày vẫn đang phải chịu cảnh kỳ thị khủng khiếp như một loại rác thải đáng khinh bỉ của xã hội đến mức phản ứng duy nhất, và có lẽ bản năng nhất của họ chỉ có thể là tìm về hội tụ với nhau để chí ít có thể cảm thấy mình còn được nhìn nhận và đối xử như một người bình thường.

Vrindavan - thiên đường của những góa phụ

Trong bóng tối, tại Vrindavan hay còn gọi là "thành phố của những góa phụ", những góa phụ bị lãng quên tại Ấn Độ bắt đầu cầu nguyện cho bữa ăn tối. Những làn đường hẹp bên ngoài những khu đền thờ phức hợp, đấy là thế giới của họ, là vũ trụ riêng nơi những góa phụ nghèo và cô độc này sống, xin ăn và ngủ lại, trong kiếp sống thinh lặng không màu sắc.

Họ, trong quá khứ có thể vài tháng, vài năm trước từng được tôn kính như những người vợ, người mẹ, người chị em gái, con gái. Nhưng cũng là họ, hôm nay, hy vọng và tin vui tốt nhất sẽ chỉ còn là những khẩu phần trợ cấp đúng giờ. Họ sống và sẽ chết trong và có lẽ sẽ chỉ có thể tại Vrindavan cùng một sự thật phũ phàng rằng sẽ không còn dịp nhìn thấy bất kỳ một người thân nào nữa.

Vridavan, thành phố nằm tại bang Uttar Pradesh, cách Delhi vài giờ lái xe về phía Đông Nam nằm bên dòng sông Yamura hiền hòa vốn nổi tiếng như là chốn linh thiêng. Xứ sở này hàng ngàn năm qua vẫn gắn chặt với truyền thuyết về vị thành Krishna. Truyền thuyết về vị thánh này, cùng với những mẩu chuyện ông đùa giỡn với cô gái chăn dê xinh đẹp và cũng là vị thần Radha vẫn thường được nhắc đến và có dấu ấn sâu đậm trong tâm linh của những tín đồ Hindu sùng đạo. Những tín đồ vẫn tìm về đây trong những cuộc hành hương với điểm kết là bước theo các bậc đá xuống dòng Yamura trong nghi thức gột rửa tâm linh truyền thống.

Ấy thế nhưng, hiện tại với Vridavan, tình yêu hoặc những mẩu chuyện hồn nhiên tinh nghịch lại là thứ xa xỉ, cực kỳ xa xỉ. Đơn giản, bởi những cư dân của nó với tỷ lệ rất lớn không còn quyền-được-yêu nữa. Có lẽ, hiếm nơi nào trên thế giới có mật độ quả phụ cao như Vridavan. Và, có lẽ cũng chẳng chốn nào mà không khí trầm buồn, ủ dột lại u uất một cách ngột ngạt như vùng đất thiêng bên dòng Yamura này.
Theo điều tra của BBC, tại Vrindavan đang có khoảng 6.000 góa phụ sinh sống nhưng nếu tìm gặp, các nhà hoạt động sẽ đưa ra con số khác, cao gần gấp 3 lần, thậm chí hơn thế. Và kỳ lạ ở chỗ, không ít trong số đấy đã chủ động tìm đến đây bất chấp hành trình - đa phần bằng đi bộ hoặc các phương tiện thô sơ nguyên thủy nhất - dài dằng dặc có khi đến hơn 1.600km.

Một số là người hành hương thực sự, với tâm nguyện dâng hiến phần đời còn lại cho 2 vị thành Krishna và Radha, thành tâm đều đặn với các bài nguyện. Nhưng rất nhiều trong số ấy, trong cảnh đói khổ xơ xác với phương thức duy nhất để tồn tại là xin ăn đã bằng mọi cách lặn lội tìm đến vùng đất thiêng này. Họ mỗi ngày cất lên các bài cầu nguyện mặc dù, sâu thẳm bên trong chưa hẳn vì đức tin và có lẽ thực tế hơn là những đồng rupee trả công cho mỗi buổi hát nguyện kéo dài 4 giờ đồng hồ. Với một số, các góa phụ tin rằng tại đây họ sẽ an toàn hơn, chí ít sự kỳ thị từ gia đình, láng giềng sẽ không còn quá khủng khiếp như tại quê nhà. Hoặc lẽ, có thể gạt khỏi mắt những cảnh hắt hủi, về việc đã bị con dâu hay con rể đạp khỏi nhà như một thứ gánh nặng rác rưởi của xã hội hoặc bị tước đoạt hết mọi tài sản khi khoác lên mình phận bà góa.

Dù là lý do gì, Vrindavan rõ ràng là thiên đường của các góa phụ, nơi khoảng cách của đẳng cấp xã hội rất dễ dàng bị xóa nhòa. Bất kỳ là góa phụ của giai cấp nào, từ Bà La Môn đến Kshatriya, Vaishya, Sudra và thậm chí cả bộ lạc có điểm chung  là góa bụa và nghèo đói đã đưa họ đến một sân chơi bình đẳng: Ở nhà họ ăn cùng nhau, tại đạo tràng Bhajan họ ngồi lại với nhau và hát để kiếm tiền và khi rảnh lại chia sẻ kinh nghiệm và nỗi buồn.

Góa phụ - món rác thải xã hội

Ấn Độ có ngân hàng tin‌ּh trù‌ּng, đã có nữ Tổng thống đầu tiên nhưng bản thân chính quyền vẫn ở cảnh lực bất tòng tâm trong việc thay đổi quan niệm và đặc biệt các hủ tục thâm căn cố đế bởi ảnh hưởng không gì sánh nổi của tôn giáo về vấn đề nữ quyền mà những bi kịch của các bà góa là minh chứng rõ nét.

Mohini Giri, cựu chủ tịch ủy ban phụ nữ Ấn Độ và cũng là một góa phụ khẳng định một sự thật tại quốc gia này rằng rất nhiều gia đình bảo thủ xem các góa phụ như của nợ. Bị đuổi ra khỏi gia đình, họ sống phần còn lại của cuộc đời trong nghèo đói và bị cô lập. "Khi trở thành góa phụ, người phụ nữ sẽ trở thành con số không và mất mọi sức mạnh", bà cho biết về thực trạng bi thảm của những người góa phụ Ấn Độ, "Khi một người phụ nữ mất chồng và trở thành góa phụ, cô ấy đánh mất bản sắc của mình. Một phụ nữ bị tước đoạt mọi tài sản và quyền lợi, bị bỏ rơi và suy dinh dưỡng sẽ có tỷ lệ t‌ử von‌g rất cao".

Đấy là vấn đề nghiêm trọng và đáng báo động. Theo thống kê, hiện tại quốc gia này đang có khoảng trên 40 triệu góa phụ, tương đương 10% dân số nữ. Cuộc sống của họ, bởi những ràng buộc khắt khe của xã hội buộc phải tuân theo lối sống "chánh niệm" vốn dẫn đến những tập tục man rợ như thiêu người vợ theo chồng đã chết ( đã bị cấm tại Ấn Độ). Cùng với nạn tảo hôn vẫn bám rễ sâu sắc, không xa lạ gì việc những cô gái mới 10 tuổi buộc phải trải qua phần lớn cuộc đời sau cái chết của "người chồng" là một cuộc sống ẩn dật hoặc kiếm sống bằng nghề mạ‌ּi dâ‌ּm.

Chỉ có 28% góa phụ tại Ấn Độ đủ điều kiện nhận trợ cấp hưu trí và trong đấy, chưa đến 11% thực sự nhận được những khoản tiền đúng quyền lợi ấy. Khi một người phụ nữ không thể độc lập tài chính, đồng nghĩa sẽ phải trông chờ vào lòng thương xót của gia đình bố mẹ đẻ hoặc bố mẹ chồng. Nếu họ không có đủ ý chí và nguồn lực để chăm sóc bản thân và các con, sẽ bị xã hội đối xử theo kiểu "không thể chạm đến". Hỗ trợ tài chính là biện pháp cực kỳ quan trọng để người góa bụa sống một cuộc sống tự cung tự cấp, nhưng chính phủ đã thất bại trong việc đưa trợ giúp ấy đến tay những người phụ nữ góa bụa bi ai.

Trở lại câu chuyện tại Vrindavan, rất nhiều trong số 16.000 góa phụ (con số tối thiểu của các nhà hoạt động vốn tin tưởng rằng thực tế sẽ còn phải cao hơn nhiều) không còn sự lựa chọn nào ngoài việc đi ăn xin trên đường phố hoặc quanh các giáo đường để sống qua ngày. Theo truyền thống, các quả phụ chỉ được ăn một bữa mỗi ngày và từ bỏ tất cả mọi thú vui trần thế. Tuy nhiên, Giri đã cung cấp một nơi trú ẩn cho họ và một đạo tràng cho các quả phụ nghèo khó tại bang Tây Bengal. Bà cho biết: "Bằng những nỗ lực của mình, chúng tôi phá vỡ những chuẩn mực cũ kỹ như chỉ được ăn một bữa một ngày, không được phép có thịt hoặc một số loại thực phẩm như tỏi hay hành tây".

Gian nan cuộc chiến trường kỳ

Thay đổi bữa ăn cho các gỏa phụ không dễ bởi những người Hindu chính thống giáo tin rằng cả thịt lẫn rau quả đều gây kíc‌h thí‌ch máu và do đó không trinh tiết, điều khiến tỷ lệ chết vì suy dinh dưỡng của các góa phụ, theo điều tra của Global Ministries Foundation cao đến hơn 85% so với những phụ nữ còn chồng.

Trong 20 năm qua, Giri đã đi đến chỗ tin rằng "truyền thống là do con người đặt ra và được phổ biến trong xã hội nhờ sự chấp nhận rộng rãi của nó trong môi trường xã hội… và một xã hội gia trưởng như Brahaminical đã thực thi các giá trị sai với các góa phụ". Tuy nhiên, cố gắng thay đổi những điều cấm kỵ như cấm tái hôn chỉ khả thi nếu chính phủ thực thi giáo dục để giải thích những tác hại của các định kiến sai lầm ấy. Các bang Andhra Pradesh và Tây Bengal có tỷ lệ góa phụ cao nhất tại Ấn Độ chủ yếu là do phản đối việc tái hôn.

Một báo cáo gần đây của Ủy ban quốc gia phụ nữ cho thấy 74% các quả phụ nghèo sống tại Tây Bengal, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy luật pháp đã không được thực thi một cách suôn sẻ. Báo cáo chỉ rõ "Góa phụ không phải là một ưu tiên trong chính phủ. Chúng tôi hiện tại đang cố gắng đẩy mạnh vấn đề này với chính phủ, ủy ban kế hoạch và tất nhiên là Liên Hiệp Quốc".

Không hẳn là những tin bi quan. Quy định gần đây về hạn ngạch tối tiểu 33% đối với phụ nữ ở cấp chính trị cơ sở đang là nguồn sức mạnh tuyệt vời cho sự vận động của các quyền phụ nữ và đủ để nhìn thấy một sự thay đổi có thể cảm nhận được. Giri đã thành lập nhiều nơi trú ẩn tiên phong cho các góa phụ nhằm mục đích nâng cao kỹ năng sống của họ để tiến tới độc lập hơn về kinh tế. Tuy nhiên, để tạo sự khác biệt dài hạn, các giá trị truyền thống buộc sẽ phải thay đổi.

Bất kể những nỗ lực làm giảm bớt những khó khăn trần ai của những góa phụ nghèo cũng như con cái của họ mà việc LHQ công bố ngày góa phụ trong năm 2005 là một động thái nhưng những phân biệt đối xử với phụ nữ góa phụ vẫn chưa được chính phủ đặt trọng tâm ưu tiên. Tại Vrindavan, dù nhà chức trách đã cho xây 4 khu dân cư tách biệt cho những góa phụ, nhiều người vẫn phải trả tiền để ở và theo báo cáo vẫn tồn tại việc người dân địa phương đối xử thô bạo với những góa phụ này. Khi mà tâm lý người dân, với việc ngay cả nhìn góa phụ cũng bị xem là điều cực kỳ xui xẻo thì rõ ràng việc dập tắt sự bất công và hủ tục lâu đời tại Ấn Độ nói chung và Tây Bengal nói riêng vẫn là cuộc chiến trường kỳ gian khổ.

Có người nói Ấn Độ là quốc gia của những mặt đối lập, nơi những thông số đáng nể phục về tỷ lệ tiếng Anh, trình độ IT, vũ khí hạt nhân… tồn tại song hành với những đặc thù văn hóa, xã hội thậm chí vẫn giữ nguyên bản từ cả ngàn năm trước mà câu chuyện về những bà góa phụ tại Vrindavan chỉ là một phần nhỏ.

Theo khảo sát, 68% gỏa phụ chọn Vrindavan vì thấy đây là chốn tôn giáo linh thiêng nơi họ tìm thấy thanh bình, 28% nói họ độc lập và tự do tại đây, 14% nói tìm thấy cơ hội làm việc và 7% cho biết có cảm giác về tình bạn/ đồng nghiệp giữa những góa phụ và đặc biệt 99% góa phụ khẳng định không muốn quay trở lại cố hương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật