Sự chuyển đổi của chợ trong xã hội Việt đương đại

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 12/4, viện Dân tộc học (viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với viện Nhân học xã hội Max Planck (Đức) tổ chức Hội thảo “Sự chuyển đổi của chợ trong xã hội Việt Nam đương đại theo hướng tiếp cận nhân học.”
Sự chuyển đổi của chợ trong xã hội Việt đương đại
Chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Hội thảo bàn nhiều vấn đề về chợ và thị trường xã hội chủ nghĩa; chợ dân sinh và chính sách của Nhà nước trong thời kỳ sau đổi mới ở Việt Nam; hướng tới tư nhân hóa và thị trường hóa theo giới…

Nghiên cứu về chợ dưới góc nhìn nhân học là chủ đề được quan tâm ở Việt Nam vì chợ không chỉ là nơi trao đổi, mua bán mà còn hàm chứa nhiều khía cạnh xã hội và văn hóa.

Bằng tiếp cận nhân học và liên ngành, các nhà nghiên cứu đã có nhiều phát hiện khoa học có giá trị, nhất là lý giải mối quan hệ của chợ làng với kết cấu kinh tế và xã hội tiểu nông, hoạt động buôn bán với ý thức hệ Nho giáo và phân tầng xã hội, vai trò thực tế của người phụ nữ tiểu thương trong đời sống gia đình và cộng đồng…

Phó giáo sư-tiến sỹ Vương Xuân Tình, viện trưởng viện Dân tộc học cho rằng các nghiên cứu hầu hết dành cho việc soi chiếu thời kỳ lịch sử đã qua, trong khi đó sức sống và sự năng động của việc buôn bán ngoài quốc doanh ở thời bao cấp lại không được các nhà khoa học đương đại quan tâm.

Ngay cả khi thực hiện công cuộc đổi mới, với sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ của chợ truyền thống thì việc xem xét của các nhà nhân học cũng chưa xứng tầm.

Các nhà khoa học cũng đưa ra nhiều trường hợp nghiên cứu về chợ dân sinh ở Hà Nội, người bán hàng rong lưu động, chợ vùng cao, nông thôn…

Việc phát triển mạnh hệ thống chợ vùng cao góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tuy nhiên một điểm hạn chế là cấu trúc của nhiều chợ mới xây không phù hợp với đặc điểm của chợ miền núi gây tình trạng lãng phí.

Tiến sỹ Kristen W.Endres (viện Nhân học xã hội Max Planck) cho rằng chính sách phát triển chợ của Việt Nam chưa phù hợp, thiếu động lực cho các nhà đầu tư, thiếu các đánh giá thực tiễn… bởi vậy nhiều dự án thất bại.

Một số chợ ở vùng cao xây mới nhưng bị bỏ không hoặc bỏ trống phần lớn diện tích kinh doanh. Một số dự án nâng cấp chợ dân sinh ở Hà Nội thành Trung tâm thương mại như Hàng Da, Cửa Nam cũng nằm trong tình trạng tương tự.

Quá trình tư nhân hóa chợ dân sinh đặt ra nhiều thay đổi quan trọng đòi hỏi các nhà nhân học tiếp tục nghiên cứu

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật