Chuyện của một người lính tay không bắt giặc

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hơn 60 năm đã trôi qua, những kí ức của người lính - “thợ săn tù binh” Ngọ Văn Hiệp vẫn vẹn nguyên như ngày nào. 82 tuổi nhưng ông vẫn còn minh mẫn. Trong tâm trí ông, ký ức về những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn như thuở nào.
Chuyện của một người lính tay không bắt giặc
Bầu bạn với âm nhạc để tuổi già đỡ quạnh hiu

Nghe ông kể chuyện, chúng tôi ngỡ như đang xem những thước phim hành động nghẹt thở chứ không phải câu chuyện đời lính của một ông già râu tóc bạc phơ…

Kỳ tích tay không bắt giặc

Một ngày chớm hè, tôi tình cờ gặp ông trong ngôi nhà nhỏ trên phố Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Dáng người cao gầy, làn da săn, sạm nắng, ít ai nghĩ người lính già này đã ở tuổi 82 và cũng từng hơn 10 lần tưởng đã bị tử thần bắt đi.
Dù đã được nghe qua về những chiến công của người cựu binh già này, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên, bởi trong nhà ông không thấy treo tấm bằng khen hay tấm huân huy chương nào cả. Song những loại nhạc cụ như sáo, đàn bầu, sách nhạc… thì lại có nhiều vô kể. Rót trà mời khách, rồi ông chơi một khúc đàn bầu trước khi kể về thành tích "săn tù binh” đầy kiêu hãnh của người lính Cụ Hồ. Ở những đoạn cao trào, đôi khi ông dùng cây đàn bầu để minh họa cho tư thế cầm súng của người lính khi đối diện với kẻ thù.
Ông kể: năm 1949, tôi nhập ngũ vào Đại đội Quân báo trinh sát, Sư đoàn 308 quân tiên phong. Ngày đó, lực lượng trinh sát bao giờ cũng dẫn đầu đoàn quân. Người lính trinh sát phải nhanh nhẹn, "tai thính, mắt tinh, mũi nhạy”, đặc biệt thật gan dạ. Chúng tôi phải chui vào tận hang ổ của địch, luồn lách qua từng hàng rào dây thép gai xem địch bố trí hỏa lực, hay rào thép gai như thế nào để đồng đội tiến công. Tôi đã tham gia các trận đánh như Chiến dịch biên giới Cao - Bắc  -Lạng (1950), chiến dịch Trần Hưng Đạo (1951), chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch Điện Biên Phủ... Hồi chiến dịch Hòa Bình thu đông 1951-1952, hai lần tôi bắt sống 7 tên địch, 5 tên lính ngụy có vũ khí ở đồn La Phù - Hưng Hóa, Phú Thọ và 2 tên lính Pháp không có vũ khí ở đồn Nút, cạnh đồn Đồng Bến, đường số 6 để khai thác tài liệu.
Giọng ông sôi động hẳn lên: Chiến dịch Điện Biên Phủ tôi cũng tham gia ngay từ đầu. Khi đơn vị sang Lào đánh chặn địch ở Yên Ngựa - Giang Tơi -Thượng Lào, chúng tôi đánh địch suốt 1 ngày 1 đêm. Trong trận đánh đó, trong 1 ngày một mình tôi bắt được tới 33 tên địch.
Đời lính của ông có nhiều trận đánh đáng nhớ. Nhưng có lẽ, chiến tích lẫy lừng nhất trong cuộc đời "thợ săn tù binh” Ngọ Văn Hiệp là đã bắt sống được tới 33 tên địch trong 1 ngày như câu chuyện ông vừa kể.
Đây cũng là một giai thoại có thực mà ít người biết tới. Còn ông, đến giờ câu hỏi vì sao ông dám một mình đối diện với hàng chục tên địch tay lăm lăm vũ khí vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Có lẽ như ông nói, ngày ấy, ranh giới giữa sự sống và cái chết với người lính Cụ Hồ nhẹ nhàng lắm. Khi ấy mong muốn giành độc lập cho đất nước lớn hơn nhiều lần nỗi ám ảnh mất mát hy sinh.
Còn đó những tâm tư

Đọng lại trong ánh mắt của ông vẫn là một nỗi buồn. Chúng tôi cảm nhận rõ ràng thế bởi dù lập công nhiều, nhưng đến nay ông vẫn chưa từng nhận được một tấm giấy khen. Mang câu chuyện của ông Hiểu tới gặp những người đồng đội từng vào sinh ra tử với ông, chúng tôi đã phần nào vỡ lẽ căn nguyên. Cựu binh Nguyễn Trọng Quỳ (Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) khẳng định rằng câu chuyện đời lính với những chiến công của ông Ngọ Văn Hiệp là hoàn toàn có thật, vì trong thời gian làm nhiệm vụ, ông là cán bộ trực tiếp chỉ huy và cùng chiến đấu với ông Hiệp. Ông Quỳ cũng giải thích thêm: Hồi ấy trong quá trình làm nhiệm vụ, lính trinh sát luôn đi trước về sau. Thêm nữa có những năm sư đoàn cơ động trên chiến trường tham gia liên tục nhiều chiến dịch, nên không có điều kiện để tổ chức báo công xét khen thưởng. Chính vì thế ông Hiệp phải chịu thiệt thòi, chưa bao giờ được khen thưởng từ đơn vị.
Còn cựu binh Nguyễn Thanh Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội) là sĩ quan quân đội nghỉ hưu, cũng khẳng định:  Những năm chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi ở Ban quân báo đại đoàn, là cơ quan tham mưu trực tiếp chỉ đạo và quản lí đại đội trinh sát và đều biết rõ các trường hợp chiến đấu đó. Sở dĩ đồng chí Hiệp cũng như nhiều đồng chí khác không được khen thưởng kịp thời, vì đơn vị vốn hoạt động phân tán nhỏ lẻ, rất ít khi được tập trung. "Thời kì đó khác bây giờ, đảng viên giữ gương mẫu, không nói, không kể về thành tích của mình. Sau đó thì đồng chí Hiệp lại chuyển ngành nên sự việc trôi qua” -  ông Tùng ngậm ngùi chia sẻ.
Đã nhiều chục năm trôi qua, chiến tích tay không bắt hơn chục lính Lê dương một ngày trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa - ông Hiệp vẫn tự hào chia sẻ với con cháu và người thân mỗi khi có người muốn nghe chuyện. Dù đã gặp những đồng đội cũ của ông, nhưng việc đi tìm câu trả lời khi nào những chiến công của ông Ngọ Văn Hiệp mới thôi "thầm lặng” vẫn chưa có lời đáp. chiến tranh đã lùi xa, những cựu binh năm xưa như ông Hiệp nay cũng đã gần đất xa trời…Thiết nghĩ sự khen thưởng, dù nhỏ thôi, với những người từng đóng góp cho sự nghiệp giải phóng đất nước- tuy đã muộn nhưng cũng không nên chậm trễ.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật