Giáo viên không chỉ cần một mức lương đặc biệt

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Hằng năm, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhất của trường được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Năm đầu tập sự các em được mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng, khi chính thức được khoảng 2 triệu đồng. Bây giờ mức lương này có thể cao hơn, nhưng cũng chỉ khoảng 2,5 triệu đồng!” - GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ.
Giáo viên không chỉ cần một mức lương đặc biệt
Thay đổi chính sách đãi ngộ với giáo viên góp phần cơ bản để nâng chất lượng giáo dục. Trong ảnh Giờ học cô và cháu trường Mầm non Thụy Hương, huyện Chương Mỹ.
Sớm thay đổi chính sách đãi ngộ

Hiện nay, mức lương trung bình của giáo viên phổ thông Việt Nam chỉ là 3,068 triệu đồng/tháng (khảo sát điều tra của viện Khoa học Giáo dục tại 5 tỉnh, thành phố). Quy định phụ cấp cho giáo viên chủ nhiệm được thêm 4 tiết/tuần, với những người dạy thừa giờ còn được thêm chút đỉnh, với người có ít giờ dạy so với quy định thì coi như không có phụ cấp này.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội) nhận định, lương thấp là một phần dẫn đến hệ lụy này. Bởi vì: "Sư phạm là ngành lao động thực sự, không chỉ đòi hỏi ở người giáo viên sự hiểu biết mà phải có tâm hồn. Việc dạy người không chỉ có tính khoa học, mà còn phải có nghệ thuật ứng xử với con người. Đó là thứ lao động nghệ thuật sáng tạo, bền bỉ, được lặp đi lặp lại".

Do vậy, để thu hút học sinh giỏi, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị: Cùng với việc thực hiện phong trào "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng", Nhà nước cần thay đổi chính sách đãi ngộ đối với hệ đào tạo và đối với giáo viên. Mức lương của giáo viên nên được xếp ngang tầm với mức lương quân đội. Ông Nhĩ lập luận, muốn xây dựng đất nước thì phải có trí tuệ, trí tuệ ấy có được từ các nhà trường. Đối với SV SP, ngoài việc được miễn học phí, các em cần được cấp học bổng và được tạo những điều kiện đặc biệt như được ở miễn phí trong KTX, hưởng lương trong thời gian thực tập giảng dạy tại trường phổ thông, khi SV tốt nghiệp được đảm bảo sắp xếp công việc.

"Khi SV SP tốt nghiệp ra trường được phân công việc làm ngay thì số học sinh giỏi sẽ ào ào đăng ký vào SP. Có thể, ngành SP không có được số học sinh giỏi nhất, nhưng chí ít cũng là những em học sinh tốp đầu"- GS Báo đưa ra đề nghị trước mắt. Tất nhiên, về lâu dài, thầy Báo cũng đồng tình với đề nghị tăng lương cho giáo viên. Rất khó để đưa ra mức lương bao nhiêu cho vừa, nên thầy Báo đưa ra 2 hiện tượng để người quản lý so sánh: Thứ nhất, SV giỏi nhất được giữ lại giảng dạy ở trường SP có mức lương 2,5 triệu đồng/tháng không đủ để thuê nhà, ăn uống thì làm sao nghĩ đến chuyện lập gia đình. Thứ hai, giáo viên các trường mẫu giáo, tiểu học tư thục ăn nên làm ra tối thiểu là 5 triệu đồng/tháng.

Nâng cao vị thế người thầy

Nếu trước đây, học SP dễ được phân công công tác thì nay ở nhiều nơi đã có trường hợp phải mất hàng trăm triệu đồng mới có một công việc. Trong khi đó, thu nhập từ nghề lại không đủ sống, buộc giáo viên phải đi dạy thêm, làm thêm các công việc khác. Do vậy, chất lượng giáo dục bị giảm và vị thế người thầy cũng giảm theo.

Đi cùng với đề nghị tăng lương cho giáo viên, TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất, phải có quy định những người đứng đầu mỗi địa phương có trách nhiệm chăm lo việc này. Ở cấp xã, phường, huyện, tỉnh, thành thì Chủ tịch UBND phải lo và phải trả lời tất cả các câu hỏi về giáo dục. Nhưng để làm được, họ phải được quyền huy động nguồn lực, được quyền sử dụng người tài nhất. Chúng ta không có cơ chế chịu trách nhiệm phù hợp thì việc này khó thành công.

Bên cạnh đó, thực hiện việc thay đổi chương trình học vào năm 2015, nhiều chuyên gia giáo dục đề nghị các trường SP cần nâng cấp để làm công tác đào tạo lại. Bộ GD&ĐT cần quy hoạch lại việc đào tạo giáo viên theo nhu cầu thật, quy hoạch lại mạng lưới các trường SP, có sự phân nhiệm cụ thể cho từng trường. Cùng với những việc đó là nâng tiêu chuẩn tuyển sinh SP.

Trong khi nhiều địa phương đang thừa giáo viên, ngành SP chưa vội phát triển đội ngũ về số lượng, mà cần phải nâng cao trình độ giáo viên. Các trường SP củng cố và đào tạo lại cho đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn để năm 2015 chúng ta kịp thay đổi chương trình phổ thông. Giáo dục phổ thông cần được cải tiến theo hướng tạo điều kiện cho học sinh được học 2 buổi/ngày, giảm quy mô sĩ số học sinh/lớp học, đưa vào chương trình các môn học về kỹ năng sống. Việc này sẽ góp phần giải quyết tình trạng thừa giáo viên, đồng thời sẽ thu hút nhiều học sinh thi vào SP để các trường có cơ hội lựa chọn những người có khả năng mang tính đặc trưng riêng của nghề giáo.

Một điều quan trọng nữa đó là các trường SP phải tăng thời lượng thực hành và thực tập. Chương trình đào tạo của ngành SP cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật