Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trả lời phỏng vấn của PV Báo về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương khẳng định, trước hết là phải đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng,

TS. Lưu Bình Nhưỡng: - Theo tôi thì Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có 3 vấn đề quan trọng nhất:  Thứ 1- Phải đảm bảo tất cả các quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân. Ở đây phải thể hiện được một cách thực chất chứ không phải là thể hiện mang tính chất tượng trưng. Vấn đề là phải mang tính pháp lý. Như Tiến sĩ Phạm Hữu Nghị, Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp Luật đã nói, từ trước đến nay chưa có bất cứ một thẩm phán nào đề xuất sửa đổi một điều nào của Hiến pháp để xét xử mặc dù thấy nó sai trái lè lè ra rồi nhưng cứ áp dụng vào các văn bản, thông tư, chỉ thị. Thứ 2- Bảo vệ quyền con người và quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Quyền công dân khác hẳn với quyền con người. Quyền công dân là bộ phận của quyền con người thể hiện ở khía cạnh pháp lý. Quyền con người còn khía cạnh tự nhiên của vấn đề. Trong này có hai cụm từ vẫn thường dùng đó là công dân có quyền và mọi người có quyền  cần được thể hiện rất rõ và không để lẫn lộn được. Thứ 3 -Xây dựng và bảo vệ nhà nước pháp quyền.  Đây là vấn đề cực kỳ nan giải nhưng dường như chúng ta đang có một vấn đề gì đó, đang lảng tránh nó  coi đó như ở ngoài của quỹ đạo của Nhà nước. Bởi vì ở đây có mối quan hệ giữa  quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân với Nhà nước pháp quyền. Bản chất của quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì xây dựng Nhà nước ấy phải là quyền lực của nhân dân. Theo đó, cần gộp Điều 21 và Điều 22 vào thành một điều. Trong Điều 21 có câu: mọi người có quyền sống. Tôi cảm thấy mới nghe  có vẻ rất thích nhưng trong Hiến pháp lại đưa ra một câu như thế thì không hợp lý.  Cho nên phải ghép vào thành câu: "mọi người có quyền sống, có quyền bất khả xâm phạm về thân thể”. Về Điều 32, viết: "người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa…” là chưa ổn. Điều này phải sửa lại "bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của những người đó”, tức là Nhà nước và xã hội phải bảo đảm cho những người đó được trợ giúp pháp lý. Điều 38, cần phải giữ nguyên "lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân”. Thực ra nó là quyền của con người không chỉ là quyền của công dân. Bởi vì nó đã được thể hiện ở Công ước năm 1966, trong đó quyền làm việc và lao động là quyền số 1. Ở Khoản 1, phải ghi rõ mọi người có quyền bình đẳng về việc làm và nghề nghiệp. Đây là một ý rất quan trọng. Quốc tế rất đề cao vấn đề này. Phải có quyền bình đẳng về việc làm, nghề nghiệp sau đó mới nối tiếp vào có quyền tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp”… Quyền bình đẳng là cực kỳ quan trọng.

Quan điểm của ông như thế nào về vai trò của Quốc hội thể hiện trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp?
- Điều 74 có ghi: Quốc hội có quyền lập hiến, lập pháp quyết định những việc quan trọng của đất nước và giám sát tối cao các hoạt động của Nhà nước. Tôi thấy viết thế này là không ổn, vì lẽ nào Quốc hội không phải là cơ quan Nhà nước? Cần phải viết: "… giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, tư pháp” chứ không phải là Nhà nước chung chung. Nếu chung chung như thế thì không đủ trách nhiệm của Quốc hội.
Tại Điều 84, Quốc hội trước hết phải chuyên trách hóa, không thể cho sự mờ nhạt trong tỷ lệ đại biểu Quốc hội. phải đưa vào đây tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất phải là 50%. Chỉ cần một tỉ lệ hợp lý dành cho các cơ quan hành pháp trong Quốc hội.
Theo ông, còn có điều khoản nào cần xem xét, điều chỉnh?
- Điều 100, trong Đoạn 2: "Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội qui định”, tôi đề nghị bổ sung "các thành viên Chính phủ không đồng thời là đại biểu Quốc hội..”. Thành viên Chính phủ mà là đại biểu Quốc hội thì không ai bỏ phiếu để thực hiện cái điều khó khăn cho mình. Cho nên Quốc hội phải làm ra luật, buộc Chính phủ phải thực hiện.
Ngoài ra, Khoản 5 Điều 108 ghi: "Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm”. Thực ra tranh tụng không phải là một nguyên tắc. Ghi ở trong Hiến pháp như vậy là không đúng. Tranh tụng là một trong những phương thức và mô hình hoạt động tư pháp của Tòa án chứ không phải là nguyên tắc. Nên sửa lại "Tòa án phải đảm bảo việc tranh tụng tại phiên tòa…”.
Tại Điều 120 có nói, Hội đồng Hiến pháp chỉ xem xét văn bản là không đúng. Trong khi đó, Điều 123 qui định ở đoạn 3: "Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý…”. Tại sao qui định chỉ xem xét văn bản, còn hành vi vi phạm Hiến pháp thì sao? Bên cạnh đó, phải qui định rõ thành phần của Hội đồng Hiến pháp, không chỉ ghi chung chung. Tôi không muốn Hội đồng Hiến pháp là thành viên của Quốc hội mà phải là độc lập. Nếu là thành viên của Quốc hội thì không được, vì Quốc hội ban hành Hiến pháp, Hội đồng Hiến pháp  lại là người  bỏ phiếu cho vấn đề kia thì không được.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật