Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Dân là chủ thể của quyền lập hiến

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải thì Hiến pháp là một bản khế ước xã hội phải do dân chủ động xây dựng với tư cách là chủ nhân đất nước theo quan niệm “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Trưng cầu ý dân về Hiến pháp là đương nhiên.
Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Dân là chủ thể của quyền lập hiến
Ông Vũ Quốc Tuấn
Hiến pháp là văn bản tổng hợp các quy phạm điều chỉnh những vấn đề cơ bản của Nhà nước, như chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... Là văn bản ghi nhận ý chí, sự lựa chọn chính trị của nhân dân. Với tư cách là đạo luật có hiệu lực pháp lý tối cao của mỗi quốc gia, Hiến pháp ngày càng có vị trí vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh đời sống chính trị của mỗi quốc gia. Hiến pháp quy định những ràng buộc để Nhà nước chỉ được làm những gì mà Hiến pháp cho phép, không thể lạm quyền và để bảo đảm quyền giám sát của dân đối với hoạt động của cơ quan công quyền. Hiến pháp cũng quy định những quyền và nghĩa vụ của công dân để ràng buộc các công dân với nhau. Mỗi người phải tôn trọng quyền chính đáng của người khác để quyền của người này không xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Do vậy, các nhà lý luận kinh điển đã xác định Hiến pháp là bản khế ước xã hội, bản cam kết giữa dân với Nhà nước về những quyền và nghĩa vụ, và cam kết giữa tất cả mọi người với nhau, qua đó ràng buộc Nhà nước và ràng buộc dân về các quyền và nghĩa vụ. Nói cách khác, Hiến pháp cũng được coi như một bản hợp đồng về những vấn đề cơ bản nhất giữa một bên là dân một nước với một bên là những người được dân ủy quyền trong việc tổ chức, quản lý đất nước.
Hiến pháp là văn bản quy định các vấn đề quan trọng nhất trong đời sống của một quốc gia. Nhưng ai là người làm ra Hiến pháp?. Nếu như đã quan niệm Hiến pháp là một bản khế ước xã hội, bản hợp đồng thì Hiến pháp phải do dân chủ động xây dựng với tư cách là chủ nhân đất nước theo quan niệm "tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Chính dân là người làm ra Hiến pháp, rồi ủy quyền cho Nhà nước tổ chức thực hiện các quy định trong Hiến pháp. Đó là sự thể hiện rõ rệt tư tưởng "dân là người chủ đích thực của đất nước”. Do đó, cần sửa lại Điều 74 theo nguyên lý Hiến pháp là do dân làm ra và quyết định, dân là chủ thể của quyền lập hiến. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp là đương nhiên phải được thực hiện.
Thu hồi đất theo trưng mua, trưng dụng
Về nguyên tắc kinh tế thị trường đòi hỏi tôn trọng ba quyền tự do của dân gồm: tự do sở hữu, tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh. Nhà nước phải cam kết tôn trọng ba quyền tự do ấy. Điều 56 Dự thảo quy định tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định. Thế nhưng, đối với đất đai, Điều 57 Dự thảo vẫn quy định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của Pháp Luật. Điều 58 Dự thảo cũng quy định Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của Pháp Luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tôi cho rằng, nên thiết kế lại điều này theo hướng bảo đảm quyền lợi chính đáng của người đang có quyền sử dụng đất, khắc phục tình trạng bất công dẫn đến khiếu kiện kéo dài gây bất ổn xã hội lâu nay và tạo kẽ hở cho tham nhũng. Nên phân biệt trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì có thể trưng mua, trưng dụng. Còn với các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì cần đấu thầu theo nguyên tắc thị trường.
Hủy bỏ các văn bản vi phạm Hiến pháp
Về vấn đề bảo vệ Hiến pháp, Điều 120 của Dự thảo quy định thành lập Hội đồng Hiến pháp là một tiến bộ so với Hiến pháp 1992, có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp hiến của văn bản quy phạm Pháp Luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành. Tuy nhiên, cần quy định lại chức năng của Hội đồng này, hình thành một cơ chế phán quyết độc lập, có thực quyền đối với những vi phạm Hiến pháp, không chỉ dừng lại ở chỗ "kiến nghị”, đề nghị sửa đổi, bổ sung hủy bỏ các văn bản quy phạm Pháp Luật vi phạm Hiến pháp như Điều 120 Dự thảo đã quy định.
Phân công, tách bạch chức năng nhiệm vụ giữa các nhánh quyền lực

Ở nước ta không chấp nhận "tam quyền phân lập”. Điều 2 Dự thảo quy định quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong đó đã quy định thêm việc kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước là một tiến bộ so với Hiến pháp 1992. Song điều quan trọng là bảo đảm sự phân công tách bạch chức năng, nhiệm vụ giữa các nhánh quyền lực ấy, nhất là sự kiểm soát từ bên trong và bên ngoài để tính thống nhất của quyền lực nhà nước không phương hại đến quyền con người, quyền công dân. Điều quan trọng là phải bảo đảm tính độc lập của Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo Pháp Luật. Nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm đúng như Điều 107 Dự thảo quy định. Muốn vậy phải thiết kế lại hệ thống tổ chức và hoạt động của Tòa án.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật