Đánh đu cùng số phận (18)

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Em nằm vật ra giường, khóc nức. Đang giờ làm việc, xung quanh ắng lặng, rồi em ngồi dậy gào khóc hu hu, khóc cho thoả cơn uất ức.
Đánh đu cùng số phận (18)
Ảnh minh họa

Khóc chán lại nằm ngủ thiếp đi từ lúc nào. Bỗng em bừng tỉnh. Nghe như có tiếng chuông. Em vội lau nước mắt chạy ra mở cổng. Bố về. Ông vào ngay phòng khách, bảo em ngồi xuống trước mặt và nói thật nhanh: Bố xin lỗi! Mặt bố đỏ bừng như người ăn vụng bị bắt quả tang. Em bỗng thấy chạnh lòng. Ông lại nói: Bố có lỗi với con và mẹ con, hãy tha thứ cho bố, được không? Em im lặng hồi lâu, biết nói gì được nữa đây? Em bảo con bị mệt, bố cứ đến Ủy ban làm việc tiếp đi. Nói rồi em bỏ lên gác. Buổi chiều bố về, nét mặt buồn buồn chỉ nói vài câu chiếu lệ với mẹ và hỏi chị Bích Hường về việc làm thủ tục đi du học đến đâu rồi. Bố không nói gì với em. Thời gian rồi sẽ làm lành những vết thương rỉ máu trong lòng, hình như em đã đọc được câu ấy trong cuốn sách nào rồi. Tha thứ cho bố, coi như đó chỉ là lời đồn đại nhảm nhí, vả lại em còn biết làm được gì hơn đâu. Nhưng, việc bố xin lỗi chỉ là giả dối, vẫn ngựa theo đường cũ. Chỉ sau lần đó có khoảng nửa tháng, chính chị Bích Thuận lại hở ra cho em biết là bố lại đi “lòng thòng” theo kiểu bóc bánh trả tiền với một con bé khác cũng là học sinh của trường ông Dương Tiến. Nghe xong, em bỗng như thấy đất dưới chân mình như sụt xuống. Đầu óc quay cuồng. Bích Thuận đoán được nỗi đau đớn, uất ức đang dâng lên trong em, mới bảo: Đừng quá tôn sùng ai để rồi càng bị thất vọng em ạ. Họ một duộc cả, mọi chuyện tồi tệ đều có thể xảy ra, chỉ là khuất mắt trông coi thôi! Lúc đó em nhìn thẳng vào chị ta quát lên: Chị chấp nhận làm điều ấy mà không biết ngượng à, lại còn dạy khôn ai nữa! Và em bỏ nhà đi ngay chiều hôm ấy.

Đi đâu cũng không biết nữa. Chỉ biết bước lên xe Hoàng Long về thành phố xa lạ kia, bỏ lại phía sau lưng nơi em đã sống những ngày tẻ nhạt, buồn phiền, tủi hận. Về một nơi đô hội phồn hoa mà không có dự liệu từ trước, không người quen, trong túi lại cạn tiền, thì quả là một việc làm liều lĩnh. Tức giận trong giây lát mà bỏ nhà đi, bỏ tuốt mọi thứ và không cần lời khuyên can của ai. Đến thành phố, em vội tìm một nhà nghỉ loàng xoàng để trú ngụ qua đêm, lúc đó mới chợt nhận ra sự nông nổi của mình thì hầu như đã muộn. Lúc đó em đã nghĩ đến cái chết, nhưng lại không đủ can đảm để tìm đến cái chết. Cũng muốn quay về. Nếu còn Bích Hường ở nhà thì em cũng đã quay về ngay sáng hôm sau rồi đấy, vì chị là chỗ dựa tinh thần, có thể tâm sự giãi bầy cho vơi nhẹ tâm tư và cũng muốn nghe từ chị một lời an ủi, khuyên nhủ của tình máu mủ. Nhưng chị đã đi xa rồi. Về để lại phải gặp một ông bố tồi tệ như vậy ư? Về để lại hàng ngày phải nghe những cãi cọ ông chẳng bà chuộc của bố mẹ ư? Nhưng dù sao, trong cảnh khốn quẫn, cô đơn ấy em vẫn còn thương mẹ, với một người chồng như thế, quả mẹ đã khổ một đời rồi.

Trong khi đang ngồi ủ ê trong quán nước cạnh nhà nghỉ, thì có một người đàn bà đến bắt chuyện. Bà ta đẫy đà, môi đỏ chót, mặt bự phấn, tỉ tê làm quen: Em từ đâu đến? Định làm gì? Chị đã từng giúp nhiều người hoàn cảnh xa nhà như em rồi đấy. Em linh cảm được ngay mụ này chẳng tử tế gì đâu, nên trả lời qua loa là lên thành phố trọ học. Nói rồi em bỏ ra ngoài. Ngẩn ngơ một hồi, chẳng biết quyết bề nào cho hợp lẽ. Em lủi thủi đi thăm thú vài nơi trong thành phố cho khuây khoả. Trưa quay về nhà nghỉ, định bụng trọ nốt đêm nay sáng mai sẽ trở về nhà. Đang nằm trong buồng, bỗng có tiếng gõ cửa, bật dậy hỏi ai đấy? Mụ ban nẫy lại vào, te tởn bảo là chị biết em đang cần việc làm, đang cần tiền. Chị đã giúp mấy cô gái như em, bỏ quê lên thành phố kiếm sống, có việc nhàn nhã lại bộn tiền. Mụ còn bảo, em trẻ đẹp thế, dại gì không mài cái trẻ đẹp ra mà ăn chứ. Em hiểu ngay, đây chính là một mụ Tú Bà thời hiện đại. Bỗng dưng nghĩ đến số phận trớ trêu, ê chề hiện giờ của Bích Thuận, em liền nổi khùng, bảo bà ăn nói cho cẩn thận, tôi con nhà tử tế đấy, tôi chỉ lên đây chơi thôi, mai về. Mụ Tú vẫn nhăn nhở: Thì chị có bảo em không phải con nhà tử tế đâu, ai chẳng cần tiền, mình có thể có bộn tiền mà chẳng mất gì. Em bảo: Mời bà ra ngoài cho, tôi cần nghỉ ngơi. Mụ ta bỏ ra. Lát sau có tiếng gõ của, cứ nghĩ mụ Tú ấy quay lại quấy rầy. Nhưng, một gã đàn ông to cao trạc ngoài ba mươi tuổi đứng sững trước cửa buồng em. Anh ta nói: Em gái ạ, anh biết em đang cần tiền để về quê, anh cho em mượn nhá, bao giờ trả cũng được. Lúc đó tâm thần em bất định, chẳng biết nên xử sự thế nào với người đàn ông lạ này, mà lại tỏ ra ngạc nhiên hỏi lại: Sao anh biết tôi cần tiền về quê? Gã cười, anh đã gặp lúc em đi đi lại lại bên ngoài kia, nhìn nét mặt, điệu bộ của em là anh đọc vị được ngay. Anh giúp thật đấy, giúp vô tư mà. Nói rồi gã xoè ra trước mặt em một tệp tiền hai trăm nghìn mới cứng. Em hỏi: Bao giờ thì anh đòi? Gã lắc đầu bảo, khi nào em lập nghiệp có nhiều tiền thì trả anh cũng không muộn. Tiền nong với anh không thành vấn đề lắm đâu. Gã cố tình cầm tệp tiền dúi vào tay em. Rồi gã áp sát, nhét nhanh nắm tiền ấy vào trong áo ngực em. Em ngây ra. Gã ôm ghì, thì thào trong hơi thở: Anh thích em ngay từ lúc gặp lần đầu ở ngoài kia rồi. Xong việc, gã bỏ đi như một tên ăn trộm vừa cuỗm được một món đồ quý giá, còn em nằm đó ê chề, xót sa, tiếc nuối. Chỉ trong khoảnh khắc em đánh mất tất cả!

Đã không dám chết, chỉ có con đường trở về nhà, định bụng mai sẽ ra bến xe sớm.

Sáng. Em đang chuẩn bị tư trang thì mụ Tú hôm qua lại vào, theo chân mụ còn có một người con gái cũng trạc tuổi em, nom xinh xắn, hiền lành. Mụ giới thiệu ngay: Minh Hồng, người Tuyên Quang, chè Thái gái Tuyên đấy. Mụ còn bảo đây là cô em kết nghĩa của chị, chắc hai người hoàn cảnh cũng giống nhau, dễ nói chuyện với nhau. Nói rồi mụ đi ra. Tuy em không thích gì người bạn không mời mà đến này, song khi nghe cô ấy nói sơ qua về gia cảnh mình cũng thấy phần nào cảm thông. Bố Minh Hồng mất sớm, mẹ đi bước nữa và người cha dượng của cô là một con yê‌u râ‌u xan‌h, đã mấy lần cưỡng bức cô. tuyệt vọng, cô bỏ nhà xuống đây và cũng tình cờ gặp mụ Tú. Em hỏi Minh Hồng: Chị làm việc ấy không thấy tủi nhục ư? Minh Hồng thành thực bảo là, lúc đầu cũng thấy hổ thẹn, ra đường mặt cứ cúi gằm, sợ gặp phải người đã lên giường với mình hôm qua. Rồi vài lần thành quen, thành trơ. Ở đây cũng có cái hay, chỉ phải chi trả cho mụ Tú khoản tiền hoa hồng, môi giới. Số tiền khách “boa” cũng đáng kể lắm, nhất là khi gặp khách sộp đại gia, hy vọng chỉ một thời gian ngắn nữa là có đủ vốn liếng về quê mở cửa hiệu cắt may, rồi mới tính đến chuyện lấy chồng sinh con. Cách nghĩ của cô ấy thật đơn giản, thực dụng. Minh Hồng hỏi em, đằng nào đằng ấy cũng đã bỏ nhà đi rồi, cũng trải qua chu‌yện ấ‌y rồi, giờ định tính thế nào? Em bảo về nhà. Cô bảo, chắc đằng ấy cũng giống mình, không vừa ý với gia đình mà bỏ đi. Em bảo tiếp, tuy ông bô mình không tồi tệ như bố dượng đằng ấy, song cũng thuộc loại bất hảo, nhưng không về thì ở đây chẳng biết làm gì. Nghề nào kiếm ra tiền cũng vất cả - Minh Hồng nói - Nếu đằng ấy muốn tự lập thì nên ở đây tạm thời, có chút vốn rồi đi cũng chưa muộn. Được cái bà chủ đây cũng không phải người cay nghiệt, dễ sống thôi. Một lúc sau thì mụ Tú trở vào. Thấy có vẻ xuôi, mụ không ngần ngại mở hầu bao đưa em một triệu đồng nói là giữ lấy làm vốn, buổi đầu chị cũng đối xử như thế với Minh Hồng. Em và Minh Hồng cùng một số cô gái quê nữa đã có số di động ở đây, đều là người của chị, cứ tự tìm chỗ trọ, khi có khách chị gọi, số tiền đi khách chị chỉ lấy một còn em hưởng hai, tiền khách “boa” hoàn toàn là của em…

Phạm Quang Đẩu

Còn tiếp...

(Tiểu thuyết "Đánh đu cùng số phận" của Phạm Quang Đẩu, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2012)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật