Đánh đu cùng số phận (17)

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quang Hanh ạ, chắc anh nhìn bên ngoài thì bảo cái số em sướng, nhưng anh không thể biết chị em em đã chịu khổ thế nào đâu. Khổ nhất vẫn là cái tâm.
Đánh đu cùng số phận (17)
Ảnh minh họa

Hồi nhà em còn ở lâm trường, khi em đã có được những nhận biết đầu tiên về người thân xung quanh, lại phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi cọ, có lần còn đánh nhau, cái phích đựng nước nóng để ở phòng khách mua đi mua lại mấy lần, khi bố em nổi khùng thì việc đầu tiên là đập phích. Hễ bố mẹ ngồi nói chuyện, chỉ được câu trước câu sau là cà nhau, là nói cạnh khóe, nhiếc móc nhau. Mà nhiều khi lại từ chuyện chẳng có gì, chuyện rất vớ vẩn.

Mẹ đi chợ mua cho chị Bích Hường cái gương soi nhỏ hình bầu dục, em lúc đó mới lên năm tuổi cũng đòi có gương. Chị Hường nhường luôn, nhưng em nhất định không chịu, phải gương khác cơ. Bố vừa đi làm về, nghe câu được câu chăng quát mẹ ngay: Cô đối xử thiếu công bằng! Đáng lẽ phải ưu tiên đứa bé chứ. Mẹ bảo, người ta định mua cho nó con búp bê vải, nhưng chợ ở đây không có, phải gửi mua chợ thị xã. Chờ được cô ra thị xã thì con bé đã thành người lớn chẳng thích búp bê nữa đâu, bố bảo vậy. Gớm đàn ông đàn ang gì mà ngoa ngoắt thế, mẹ bĩu môi đáp trả. Nói có vậy mà rủa người ta ngoa ngoắt à? Bố sửng cồ. Thế là lại um sùm, điếc tai xóm giềng. Một lần em đi học về thấy mặt mẹ sưng vù, đang ngồi khóc sụt sịt trong bếp. Em hỏi. Mẹ bảo bố đánh mẹ đấy, con thấy có ác không? Em thương mẹ quá nước mắt cứ ứa ra, muốn vào vườn nhổ củ gừng giã xoa chỗ đau cho mẹ. Mẹ lắc đầu bảo, không phải xoa, mai cứ vác cái mặt thế này đi làm cho thiên hạ thấy ai là đồ vũ phu. Đúng lúc chị Hường đi học về nghe được câu ấy, liền nói: Bố mẹ cứ mang chuyện bôi bác nhau trong nhà ra ngoài đường để hàng xóm cười cho. Con ngượng mặt với bạn bè lắm, đến lớp đứa nào cũng hỏi bố mẹ cậu vừa đánh chửi nhau à? Mẹ nói là có muốn thế đâu, nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, bố cứ hay đi lòng thòng, tức không chịu được, hễ mở miệng là chỉ muốn cãi nhau cho hả cơn tức. Thì ra lâu nay chỉ vì ghen tuông mà mẹ sinh bẳn tính, xung khắc với bố như vậy! Em lúc đó chưa hình dung được thế nào là “lòng thòng”, mới hỏi lại chị Hường. Chị nghiêm giọng bảo: Thúy đừng quan tâm đến điều vớ vẩn ấy nữa, cứ cố học cho giỏi, lớn lên chúng mình đi khỏi cái nhà này cho khuất mắt. Lời chị em càng không hiểu: sao lớn lên lại phải đi khỏi cái nhà này? Thế rồi một lần vào buổi trưa em đi học về đã bắt gặp bố đang làm cái chuyện gọi là “lòng thòng” ấy. Hôm đó giờ ra chơi, em chợt thấy một con bướm mầu vàng ươm, trên đôi cánh còn điểm mấy nốt mầu tím hình bầu dục rất đẹp đang đậu vào một bông hoa thược dược trong vườn trường. Mải đuổi bắt bướm, đã không chộp được bướm còn vào lớp chậm, cô giáo phạt hết giờ phải ngồi lại làm bản kiểm điểm. Lúc em được cô cho về, sân trường đã vắng tanh vắng ngắt. Thôi, hôm nay đằng nào cũng muộn rồi, lên đồi sim xem bươm bướm cho sướng mắt.

Đang mùa sim, mua ra hoa tím cả quả đồi đá ong bên con đường em vẫn ngày ngày đi học qua. Hoa sim, mua kết từng chùm, cánh tím mịn như nhung, giữa nhuỵ vàng tươi hút ong bướm rất ghê. Chỗ nào nhiều hoa là thấy chúng xúm cả lại dập dờn bay lên bay xuống. Em cứ nhẩn nha bước bên cạnh những bụi sim, mua cao gần bằng đầu, mải tìm xem có con bướm cánh vàng chấm tím ban nãy hay không. Bỗng nghe thoảng trong gió có tiếng người rì rầm từ phía chân đồi phía bên kia đường vọng lại. Em dừng lại dỏng tai nghe ngóng. Tiếng phụ nữ: Anh đừng, em sợ. Em liền ngồi thụp xuống, trống ngực đập thình thịch: người ta đang làm gì nhau đấy nhỉ? Rồi nghe tiếng rõ quen: Ngát, anh yêu em thật mà. Có đúng là bố? Em thảng thốt, vẫn cố nghĩ đấy không phải là bố, một người đàn ông khác. Nín thở lắng nghe. Lại tiếng người đàn ông: Anh muốn em cho anh đứa con trai, Ngát à. Đúng bố rồi! Nhà mình hai con gái, bố muốn cô Ngát nào đấy đẻ cho bố thêm đứa con trai nữa. Rồi cả bụi cây sim mua cùng cỏ tranh ở chân đồi rung động ngả ngốn như đang bị cơn gió mạnh thổi qua. Còn có tiếng thở hổn hển, lẫn cả tiếng rên rỉ thật lạ lùng. Thế là em khom khom người trên sườn đồi lẳng lặng chuồn thẳng, xuống đường là bước sấp bước ngửa về nhà.

không dám ho he câu nào với mẹ, em rỉ tai chị Bích Hường. Nghe xong, chị ngồi im lặng một lúc mới nói: Đúng là bố đi lòng thòng với cô Ngát ở đội vườn ươm rồi. Giờ thì em hiểu câu “lòng thòng” nghĩa là thế nào. Chị Hường còn nhắc: Cấm Thuý không được nói với ai chuyện này đấy nhá. Có lần em hỏi bố: Bố có thương mẹ không? Bố nhìn em một lúc mới nói: Thương. Bố xin cho mẹ đi học làm cô giáo là để đỡ vất vả đấy thôi. Sao bố mẹ hay cãi nhau thế? Bố cười trừ. Rồi xoa đầu em bảo là, con còn bé không nên biết nhiều chuyện của người lớn, phải như chị Bích Hường nhà mình ấy, chăm chỉ, học giỏi và không bao giờ tò mò hỏi về chuyện của người lớn cả. Trong đầu óc còn thơ dại của em ngày ấy, chuyện của người lớn, của bố mẹ thường là xấu, là đáng ghét như thế, nhớ lại làm gì cho mệt đầu óc. Nhưng càng lớn, những chuyện của bố mẹ mà em được chứng kiến càng in đậm vào tâm trí, trở thành những kỷ niệm đau lòng, nhiều lúc nghĩ đến mà nước mắt cứ ứa ra. Một lần chị Bích Hường trông thấy những giọt nước mắt của em lăn dài, chị hỏi: Sao Thúy lại khóc một mình? Em bảo buồn về bố mẹ chúng mình lắm. Bố mẹ các bạn trong lớp có hay cãi mắng nhau vậy đâu. Chị bảo, tôi cũng rất buồn nhưng không bao giờ khóc như Thúy, khóc chỉ làm mình thêm yếu đuối thôi. Ngày đó em cũng có ý đợi, mặc dù không bao giờ thích thú cái chuyện bố đã nói với cô Ngát trên đồi sim cả, rằng bố sẽ mang về cho em và Hường một em trai. Nhưng chuyện đó đã chẳng xảy đến. Chỉ toàn thấy bố mẹ lại cãi nhau và có lần em nghe người ngoài kháo với nhau, mẹ đã tìm đến tận vườn ươm mắng mỏ, dứt tóc, xé áo cái cô Ngát “lòng thòng” kia. May mà từ ngày bố lên phó giám đốc, rồi giám đốc lâm trường trong nhà cũng đỡ lục đục hơn. Chị Hường bảo, đấy là mẹ nín nhịn giữ thể diện cho bố, chẳng gì bố cũng là lãnh đạo mấy trăm con người ở đây. Chị còn bảo nhỏ với em là từ ngày làm “to”, bố rút vào hoạt động bí mật cũng ít bị điều tiếng hơn. Lúc đó em đã hiểu được phần nào cái câu “hoạt động bí mật” chị nói. Quả là sự thay đổi “chiến thuật” của bố cũng phần nào để mẹ đỡ ghen tuông, bực mình. Từ ngày nhà chuyển về thị trấn, xây mới khang trang, bố lại kiếm được nhiều tiền, đã làm cho không khí gia đình vui vẻ, bố mẹ đỡ ông chẳng bà chuộc với nhau. Có lần bố cao hứng bảo với cả nhà: Phải mời thầy phong thuỷ chọn cho hướng nhà này là hướng thuận hoà mới được như thế đấy. Lần này thì mẹ không nhịn được, đốp luôn: Tại tính người chứ chẳng có hướng thuận hoà hay hướng cãi cọ sất! Chị Hường sợ “chiến sự” lại nổ ra, liền can thiệp kịp thời: Thôi thôi, con xin mẹ! Bố nói đúng đấy, bây giờ ai làm nhà mà chẳng phải khấn thổ thần thổ địa, chẳng mời thầy về chọn cho hướng phong thủy tốt. Hình như chị Bích Hường hợp với bố hơn, còn em càng lớn chỉ thấy thương mẹ nhiều và không còn yêu bố như hồi xưa nữa.

Nhưng rồi năm nay em vào lớp mười hai, chuyện tệ hại đã xảy đến với  Bích Thuận và những đứa con gái khác mà em biết, thì nỗi buồn bực dồn nén bấy lâu nay bỗng bùng phát, không thể nào không giận bố, còn hận bố nữa. Ông tiếp tục “lòng thòng”, không phải chỉ với lứa cô Ngát, mà cả với những đứa tuổi bằng em, bằng Hường nữa. Căn bệnh “lòng thòng” đã thấm vào máu ông ấy mất rồi. Thật tồi tệ hết chỗ nói!

Sau lần đi nạo thai, Bích Thuận người xanh rớt, gày hẳn. Nhưng lạ là chị ta không dứt được quan hệ với ông hiệu trưởng Dương Tiến, mà vẫn còn thậm thụt đến phòng làm việc của ông. Bố em thì từ xưa vẫn tỏ ra thân thiết với ông hiệu trưởng dê cụ ấy. Mỗi lần thấy ông ta đến nhà chơi là mẹ em tỏ vẻ coi thường ra mặt, không còn trọng ông như ngày trước nữa. Mẹ có lần đã nói thẳng với bố ngay trước mặt em và chị Hường: Lão Dương Tiến ăn no ấm cật dậm dật khắp nơi, anh bây giờ cương vị khác hồi còn ở lâm trường, không nên giao du với hạng người ấy mà ảnh hưởng đến uy tín. Như hồi nhà còn ở trong rừng thì thể nào bố cũng vặc lại liền, nhưng lần này bố chỉ nhẹ nhàng bảo, việc ai người ấy làm chứ có quan hệ gì đâu, chỉ là mình vẫn phải tôn sư trọng đạo thôi.

Em và chị Bích Thuận hễ có dịp gặp nhau là tâm sự đủ thứ chuyện, song chuyện chị kể nhiều nhất vẫn là về ông hiệu trưởng đã tán tỉnh và đưa chị vào tròng như thế nào. Chị bảo là những lần gặp đầu, ông ta cứ hay lợi dụng lúc vắng người đụng chạm vào người chị. Khởi đầu bài g‌ּạ tìn‌ּh vẫn là em muốn đủ điểm không phải thi lại, thầy sẵn lòng giúp, đừng ngại ngần gì. Thế rồi những môn chị học kém nhất là toán, lý, hoá, sinh đều được vớt, đủ điểm trung bình cả. Đến cuối học kỳ ông mới “chốt lại vấn đề”: Thầy giúp Bích Thuận thế, em không đền ơn gì à? Chị bảo biết lấy gì đền ơn thầy đây? Ông ta nói không biết ngượng mồm: Dễ thôi, buổi trưa thầy trò mình ra nhà nghỉ vui vẻ nhá. Nghe ông nói toạc móng heo như thế chị thấy tởm lợm, đỏ chín mặt. Chị định đi khỏi phòng hiệu trưởng ngay lúc ấy, thì ông nắm tay giữ lại, hỏi tiếp: Thế em có còn định thi học kỳ nữa, thi tốt nghiệp nữa không nào? Chị không rút tay ra được, nhìn ông tính bài cùn: em học kém thế, nghỉ học thôi thầy ạ. Ông vẫn cầm tay chị bảo là leo cau gần đến buồng rồi, mà lại bỏ, không tiếc à? Em cần có cái bằng tốt nghiệp phổ thông, xin việc ở đâu chẳng đắt, thầy có mối quan hệ rộng sẽ xin giúp cho, được chưa nào. lợi dụng lúc chị đang đứng ngây ra chưa nên biết nên trả lời thế nào, ông ôm chầm, hôn vào má vào môi.

Đến lúc ấy chị không cưỡng lại được, ông chớp thời cơ rất nhanh, bế thốc chị vào trong buồng. Lần sau thì ông đưa chị ra nhà nghỉ ở vùng ven thị xã. Mỗi lần xong xuôi, ông đều cho chị tiền, khi dăm bẩy trăm, khi cả triệu đồng. Chị trở thành món hàng trong tay ông ta, thành con điếm từ lúc nào không biết nữa. Một lần ông bảo: Anh (khi có riêng hai người ông chuyển từ thầy sang anh) có người bạn thân muốn được làm quen với em đấy. Bạn nhưng cũng là sếp anh, phải đối xử tốt với sếp anh đấy nhé. Tưởng ai, người bạn ông ta định giới thiệu lại chính là bố em mới trớ trêu làm sao. Ngày đó bố em chưa biết Bích Thuận, nhưng chị ấy thì quá biết bố em. Vừa gặp chị nói ngay: Chào chú, cháu chơi thân với cả Bích Hường và Diệu Thúy đấy ạ. Nghe nói thế, bố em ngượng đỏ mặt, nói vài câu chẳng đâu vào đâu rồi rút lui. Nhưng nếu bố em biết dừng lại chỉ đến đó thì cũng có thể tha thứ được. Ông lại qua sự môi giới của ông bạn vàng Dương Tiến liên tiếp có những sa đà tệ hại nữa, đó là có quan hệ với một đứa người dân tộc thiểu số còn ít tuổi hơn em, học dưới em hai lớp. Hôm đó đang giờ ra chơi chuẩn bị vào tiết học cuối thì Bích Thuận đến tìm em, kể lại chuyện tồi tệ ấy. Em sôi sục, tự ý bỏ luôn tiết cuối, thẳng lên văn phòng Ủy ban huyện. Bố đang ngồi làm việc, thấy em đến thì rất ngạc nhiên, hỏi là đang giờ học cơ mà? Em giận quá đến nỗi cổ tắc nghẹn, không nói được, liền ra bàn rót một cốc nước uống ực một hơi hết luôn. Bố cũng ra ngồi bàn nước trước mặt em, hỏi: Con có việc gì gặp bố? Em hỏi luôn: Bố biết chị Bích Thuận rồi chứ? Mặt bố hơi tái. Rồi bố gật đầu bảo là mới gặp nó ở trường trung học thị xã, nó chơi với cả con và Hường à. Sao bố lại làm vậy? Em lại hỏi. Ơ hay con bé này, bố nói, bố có định làm gì đâu! Bố chối phắt. Em gay gắt hơn: Thế chuyện với con bé bạn con là người thiểu số thì sao? Nghe đến đấy, bố lặng người một lúc. Mãi sau bố nhìn em bảo là việc của con là học cho tốt, đừng phân tán tư tưởng vào những việc không đâu vào đâu ấy nữa. Em nói: Nhưng con không thể chịu đựng được những việc tồi tệ như thế. Con thật không ngờ! Nói rồi em đi sầm sầm ra cửa, về nhà luôn.

Phạm Quang Đẩu

Còn tiếp...

(Tiểu thuyết "Đánh đu cùng số phận" của Phạm Quang Đẩu, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2012)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật