Phó mặc cho khách hàng

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không thể phủ nhận những tiện ích, văn minh mà hệ thống rút tiền tự động (ATM) đem lại cho người sử dụng. Tuy vậy, nhìn nhận một cách công bằng, tiện ích đó không “đáng là bao” so với những phiền toái, khiếm khuyết mà hệ thống này đang tạo ra.
Phó mặc cho khách hàng
Nhiều chủ thẻ tỏ ra chủ quan, mất cảnh giác khi rút tiền

“Miếng mồi” cho tội phạm

Vào khoảng 16h40 ngày 16-4, tại điểm giao dịch tại đường Ngô Quyền - Ngô Gia Tự, phường 9, quận 5, TP.HCM, anh C.H.P (SN 1988), trú ở quận 5 đến rút tiền. Vừa thực hiện giao dịch xong, bất ngờ bị hai người lạ mặt lao vào khống chế và cướp đi số tiền anh P vừa rút cùng 1 điện thoại di động.

Trước đó, 20h ngày 15-4, cũng tại điểm giao dịch trên, anh N.C.C (SN 1989), trú tại quận 5 đến rút tiền thì bị 3 đối tượng áp sát đi vào cùng, hai đối tượng đứng chặn cửa, một tên dùng roi điện khống chế anh C và cướp đi 700.000 đồng cùng 1 điện thoại di động. Từ hai vụ cướp trên, có thể nhận thấy một thủ đoạn cướp tài sản mới đã được hình thành và đang gây hoang mang trong dư luận.

Thuận tiện cho khách hàng nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Tuy nhiên, điều làm người sử dụng thẻ ATM lo lắng hơn khi biết rằng, trình độ của tội phạm trong nước hiện nay thừa sức sao chép các thông tin cá nhân trên thẻ ATM, bởi hiện nay hầu hết các ngân hàng đang sử dụng loại thẻ có mức độ an ninh thấp.

Với một bộ thiết bị làm ATM giả, tội phạm công nghệ cao sẽ làm giả các trang web của ngân hàng, lừa chủ thẻ điền vào đó các thông tin thẻ, cao tay hơn là giả nhà cung cấp gửi thông tin qua mạng lừa chủ thẻ cung cấp các thông tin thẻ nhằm phục vụ nâng cấp hệ thống. Hoặc, kẻ gian sẽ gài một thiết bị sao chép dữ liệu trong máy ATM để đánh cắp thông tin của khách hàng, qua đó làm giả thẻ rồi rút tiền.

Mới đây nhất, CATP.HCM phát hiện Sethu Theven (quốc tịch Sri Lanka) đã sử dụng thẻ rút tiền ATM giả của một người bạn để thực hiện 83 lần giao dịch, rút tiền tại các điểm ATM. Sethu đã rút được hơn 130 triệu đồng tại một số ngân hàng cổ phần thương mại trong nước. Điều đáng nói, Sethu chỉ là người rút thay cho một kẻ giấu mặt sở hữu một số lượng thẻ giả khá lớn có thể rút tiền ở các ngân hàng ở Việt Nam.

Trước đó, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế - Bộ Công an cũng phát hiện và xử lý trường hợp, nhóm làm giả ATM có quy mô lớn do hai đối tượng Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Đình Cường, trú ở phường 10, quận 3, TP. HCM chủ mưu. Để thực hiện, Tuấn làm giả trang web bán hàng trực tuyến, gửi thư điện tử tới các chủ thẻ để lừa cung cấp các dữ liệu về thẻ tín dụng của họ, sau đó Tuấn làm thẻ giả đi rút tiền. Còn Nguyễn Đình Cường thì mua một máy in thẻ ATM từ Mỹ với giá 500USD, kèm theo thẻ trắng. Chỉ sau vài tháng, hai đối tượng đã rút trót lọt hơn 1,6 tỉ đồng qua hệ thống ATM tại các ngân hàng ở Việt Nam và nước ngoài.

Những “kho tiền” không người trông giữ

Thông tin về các vụ cướp tiền của người thực hiện giao dịch tại máy ATM xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh gây sự chú ý trong dư luận nhiều ngày nay. Sự nghiêm trọng không phải vì lượng tiền bị cướp nhiều hay ít, làm bị thương nạn nhân hay không mà bởi một thủ đoạn mới hết sức nguy hiểm cho xã hội và nhiều khả năng không chỉ xảy ra ở một tỉnh, thành phố.

Trước thực tế trên, PV đã đi sâu tìm hiểu về vấn đề an ninh cho các máy ATM ở Hà Nội và không khỏi giật mình khi biết rằng: Vấn đề đảm bảo an ninh cho người thực hiện giao dịch tại các máy ATM dường như bị thả nổi… Với người dân ở thành thị, máy ATM đã trở nên quen thuộc từ nhiều năm nay, nhất là sau khi Chính phủ có chỉ thị trả lương cho CBCNV qua tài khoản, thì việc sử dụng thẻ ATM đã phổ cập hơn bao giờ hết. Đáp ứng nhu cầu tăng đột biến đó, các ngân hàng đua nhau “trồng” mới các máy ATM, đồng thời dịch chuyển những “kho tiền” này ra xa trụ sở ngân hàng.

Họ lựa chọn địa điểm đặt “kho tiền” trên cả hè đường để tạo thuận tiện cho người sử dụng, mà không tính đến sự mất an toàn tiềm ẩn tại đây. ở phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, đã từng phát hiện, bắt giữ một số đối tượng rình rập ở các máy ATM trên địa bàn để cướp tiền, chúng rình rập tại các máy ATM, đến khi có người rút tiền, chúng bám theo, chờ họ sơ hở để cướp giật.

Tuy cảnh báo là vậy, nhưng dường như sự việc trên không làm nhiều người lo lắng. Khoảng 9h30 ngày 10-5, chúng tôi đến điểm đặt máy ATM của Ngân hàng Đông Á nằm trên đường Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, gặp một phụ nữ đang dựng chiếc xe máy Jupiter vào rút tiền, không rút chìa khóa xe. Rút tiền xong, chị thản nhiên đứng đếm từng tờ giữa phố, rồi khoan thai bước ra xe, nổ máy đi mất.

Còn tại máy ATM của Vietinbank trên đường Lương Đình  Của, chúng tôi gặp bác Nguyễn Thị Hà, 60 tuổi đang loay hoay không sao rút được tiền. Thấy tôi đứng chờ sốt ruột, bác nhờ: Cháu bấm hộ để “tiền nó chui ra” hộ bác nhé! Sau khi cho thẻ vào khe cắm, tôi hướng dẫn bác nhập mã pin. Và, sau một hồi loay hoay giở sổ sách, tìm mật mã, cuối cùng bác đã làm được “tiền nó chui ra”.

Tôi hỏi: bác không sợ cướp hay sao mà đi rút tiền nơi vắng vẻ thế này? Bác chỉ cười nói: “gần nhà, lại tiện không phải nhờ vả các con nên tự đi rút anh ạ…”. Sự thiếu cẩn trọng của nhiều người sử dụng máy ATM ở Hà Nội hiện nay làm người ta lo lắng, trường hợp đối tượng xấu áp sát, dùng vũ khí đe dọa và cướp, chắc chắn tiền và tài sản của nhiều người sẽ mất.

Khảo sát qua nhiều điểm đặt máy ATM trên các hè phố, nơi công cộng tại Hà Nội, chúng tôi không hề thấy bóng dáng của một nhân viên bảo vệ nào. Nơi thấy có “bóng” bảo vệ thì thực chất lực lượng này không có trách nhiệm bảo vệ máy ATM, mà nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ các cơ quan, doanh nghiệp… nơi ngân hàng đặt “nhờ” các “kho tiền”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật