Cấm rượu quê: Tồn tại hay “chết”?

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Nghị định 94, tất cả các loại rượu “nút lá chuối“ ở mọi vùng miền trên cả nước phải làm thủ tục xin giấy phép sản xuất.
Cấm rượu quê: Tồn tại hay “chết”?
Đa số rượu không nhãn mác đều là của hộ nhỏ lẻ

Đặc điểm chung của những lò rượu không nhãn mác đều là hộ sản xuất cá nhân, nhỏ lẻ, trình độ học vấn thấp... Do đó, việc đăng ký kinh doanh và làm nhãn mác cho sản phẩm rượu không phải chuyện dễ dàng.

Phải liên kết làng nghề

Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề, người dân trong làng nghề nên liên kết với nhau lại, tạo sức mạnh về tài chính, mặt bằng, lực lượng lao động... để phát triển mạnh hơn thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ví dụ như các gia đình nấu rượu ở làng Vân liên kết với nhau thành thương hiệu chung; cùng nhau phác thảo ra màu sắc nhãn mác, họa tiết, chai lọ... và các cấp chính quyền xem xét trên cơ sở tôn trọng những ý tưởng do cộng đồng ấy xây dựng.

Những can nhựa 1,2 lít được xếp trên kệ, phía trên là dòng chữ rượu nếp Gò Đen

“Tuy nhiên, không nên cho phép đăng lý nhãn mác lung tung, ai đăng ký cũng được. Cơ quan chức năng chỉ nên cho phép những nghệ nhân giỏi, gia đình làm ăn có uy tín. Bà con làm nghề chớ vội lo lắng, nếu gặp khó khăn có thể tìm đến tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình nhờ tư vấn, giúp đỡ”, ông Dần nêu ý kiến.

Tán thành quy định trên, một cán bộ xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An - quê hương của loại rượu đế nổi tiếng Gò Đen nói: “Rượu Gò Đen đang bị làm giả búa xua nên tụi tui cũng lo thương hiệu này bị dẹp tiệm luôn. Nếu được đăng ký độc quyền nhãn hiệu tập thể rượu đế Gò Đen, thì mới mong dẹp được mấy cái bảng hiệu kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” hiện nay. Với lại, khi đã đăng ký được nhãn hiệu độc quyền rượu đế Gò Đen thì công tác khôi phục, phát triển men truyền thống của địa phương sẽ được thuận lợi, việc kêu gọi người dân sử dụng men truyền thống để nấu rượu (không sử dụng men Trung Quốc) để giữ cái chất thuần, cái gốc của rượu Gò Đen vốn nổi tiếng thơm ngon xưa nay là không khó”.

Một chủ cơ sở nấu rượu thủ công ở Bến Lức, chuẩn bị nổi để lên mẻ nấu

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại rượu giả, rượu độc hại. Theo ông Dũng, tất cả các sản phẩm bán ra cho người tiêu dùng đều phải có dán nhãn, mác. Ông Phan Chí Dũng nhấn mạnh, những hộ dân nấu nhỏ lẻ ở các làng quê, làng nghề khi nấu rượu muốn xuất bán ra thị trường cũng đều phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phải có nhãn mác.

Cần có thời gian thực hiện

Nghị định 94 có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2013, sau khi ban hành được gần hai tháng trước đó. Nhưng thông tư hướng dẫn Nghị định này đến ngày 2/2/2013 mới có hiệu lực.

Rượu Gò Đen thật giả lẫn lộn bày bán dọc quốc lộ 1A

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng phòng quản lý thương mại, Sở Công thương TP.HCM cho biết, trước quy định mới của Nghị định 94, Sở Công thương đang yêu cầu các quận, huyện thống kê lại giấy phép đã cấp cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn. Với các lò rượu thủ công nhỏ, các quận, huyện sẽ triển khai cho phường, xã để thực hiện. Từ thực tế này, Sở Công thương mới có kế hoạch cụ thể, hoặc kiến nghị gởi lên Bộ Công thương. Các việc này sẽ kết thúc trước Tết nguyên đán 2013, nhưng theo nhận định của ông Bắc thì “khó thực hiện xong trong thời gian này”.

Theo ông Bắc, Nghị định 40/2008/NĐ-CP trước khi được thay thế bởi Nghị định 94 quy định lò rượu thủ công do quận, huyện cấp phép. Nhưng trên thực tế những lò rượu thủ công có quy mô từ 100 lít/ngày phục vụ cho cư dân tại chỗ chưa được quản lý. Việc Nghị định 94 giao quyền cấp phép các lò rượu thủ công quy mô nhỏ này cho phường, xã sẽ thực tế hơn.

“Các quán tạp hóa có bán rượu cũng phải quen với các quy định. Bán rượu phải có phép chứ không dễ dãi như hiện nay. Nhưng cũng cần phải có thời gian, giám sát để Nghị định 94 thực hiện chặt chẽ”, ông Bắc nói.

Giám đốc Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai, ông Phạm Duệ cho rằng rượu có nhãn hay không có nhãn đều gây hại khi uống quá nhiều. Riêng rượu kém chất lượng, pha bằng cồn công nghiệp (methanol), có thể gây chết người. Cá biệt, có trường hợp trong rượu có thuốc sâu. Mục đích của người nấu rượu là nhỏ vài giọt thuốc trừ sâu làm cho rượu đậm đặc hơn sau khi nấu. Mặc dù không chết người ngay nhưng nó làm cho người uống bị tai biến động mạch tĩnh, ảnh hưởng sức khỏe.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật