Bến Tre: Sát hại cả anh trai chỉ vì chuyện... “nhậu say bắt mẹ tắm”

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ vì giận người anh trai về tật, mỗi lần đi nhậu say về thường bắt mẹ tắm cho mình, người em đã đối xử tàn bạo, gây ra án mạng T.Tâm...
Bến Tre: Sát hại cả anh trai chỉ vì chuyện... “nhậu say bắt mẹ tắm”
Ảnh minh họa

Phiên tòa xét xử bị cáo Đỗ Văn Phụng (SN 1976, ngụ tại xã An Thới, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) diễn ra trong không khí trầm buồn với những khuôn mặt bơ phờ, mệt mỏi của những người trong cùng một gia đình.

Câu chuyện bị cáo Đỗ Văn Phụng khai trước Tòa khiến những người dự khán không khỏi cám cảnh trước thảm kịch “nồi da xáo thịt” của một gia đình và những tác hại khôn lường từ nạn rượu chè bê tha.

Bà Lê Thị Bông (SN 1945) cùng chồng là Đỗ Văn Nuôi có hai người con trai gồm Đỗ Văn Phụng và Đỗ Văn Mến. Ông Nuôi chẳng may qua đời, một mình bà Bông tần tảo nuôi các con khôn lớn.

Hai con trai của bà Bông có một đặc điểm giống nhau là có thể ngồi cả ngày bên chai rượu, nhiều khi chỉ có vài quả cóc, trái ổi là anh em cùng nhậu say xỉn. Men rượu tàn phá c‌ơ th‌ể, làm suy yếu thần kinh nên mỗi lần nhậu say, Đỗ Văn Mến thường về nhà bắt mẹ già phục dịch đủ chuyện, kể cả những việc nhỏ như cơm nước, tắm giặt.

Điều đó khiến cậu em trai Đỗ Văn Phụng không khỏi bức xúc. Hai anh em thường hay cãi lộn và mâu thuẫn cứ âm ỉ lớn dần.

Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 28-2-2012, Đỗ Văn Mến đến nhà ông Huỳnh Văn Trực ở ấp Phú Đăng, xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày uống rượu. Nhậu được một lúc, Đỗ Văn Phụng cũng ghé vào nhà ông Đăng góp vui.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ nâng ly, cả Mến và Phụng đều ngấm rượu. “Tửu nhập, ngôn xuất”, Phụng lè nhè hỏi Mến: “Anh là đàn ông lớn rồi mà sao cứ đi nhậu về là bắt mẹ tắm cho anh, anh không biết nhục hả?” Mến cũng không vừa: “Thằng này em út mà láo, đó là chuyện của tao, can dự gì đến mày!”.

Hai anh em quên cả tôn ti trật tự quay sang mạt sát lẫn nhau. Mâu thuẫn lên cao khi Phụng dọa: “Anh mà còn bắt mẹ tắm là coi chừng, thằng này không để yên đâu”. Mến cũng nổi đóa: “Đầu tao có sạn rồi, mày đừng nói nhiều, muốn đánh thì đánh đi!”.

Phụng liền đứng lên đẩy mạnh khiến Mến ngã văng vào giường ngủ bên cạnh làm sập giường. Phụng rút cây song giường đánh mạnh nhiều nhát vào người anh trai khiến song giường gãy thành nhiều đoạn. Xong xuôi, y ngồi xuống tiếp tục uống rượu với ông Trực như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Mặc dù bị trúng đòn đau nhưng Mến cắn răng chịu đựng, lồm cồm bò dậy và tiếp tục uống rượu. Nhậu đến hơn 13 giờ cùng ngày, Phụng lại lôi chuyện cũ ra chửi Mến thậm tệ, sau đó rút thanh giường đánh anh trai nhiều nhát vào đầu và vai.

Mến bỏ chạy ra sân, Phụng không tha, đứng dậy rượt đuổi và đạp Mến rơi xuống mương nước cạnh nhà ông Trực. Mến bò được lên và đi vào nhà thì tiếp tục bị Phụng kéo ra đẩy tiếp xuống mương nước. Nhận được tin báo từ người dân, Công an xã Ngãi Đăng kịp thời đến hiện trường mời Phụng về trụ sở làm việc.

Riêng Mến được đưa đến trạm y tế xã băng bó vết thương nhưng Mến đau quá nên bỏ về nhà. Khi qua cầu An Thới, Mến ngã gục xuống đường. Lúc này, bà Lê Thị Bông trên đường đi chùa về phát hiện con trai nằm bên đường nồng nặc hơi men.

Bà Bông nghĩ rằng Mến lại uống rượu say như thường ngày nên đưa về nhà. Đến 21 giờ, bà Bông gọi con dậy ăn cơm mới phát hiện Mến đã tắt thở. Qua giám định pháp y cho thấy, Mến bị chấn thương sọ não do những cú đánh vào đầu của em trai. Phụng bị khởi tố về tội “Giết nguời”.

Bỗng chốc người mẹ già phải xa cách hai con trai, người anh chết, người em vào tù. Trong phiên tòa xét xử Đỗ Văn Phụng, người mẹ trở thành đại diện người bị hại, còn người đại diện hợp pháp cho Phụng chính là chị ruột của bị cáo.

Ba người thân trong cùng một gia đình đối diện với nhau tại một phiên tòa với ánh mắt đau khổ, tuyệt vọng. Bà Bông cho rằng, Phụng bình thường cũng hiền lành, ngoan ngoãn, không đánh ai bao giờ, có thể do bị cáo có tiền sử thần kinh, lại do tác động của rượu nên mới sát hại chính anh ruột của mình.

Cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với Phụng, kết quả cho thấy, về y học: Trước, trong và sau khi gây án, bị cáo có bị rối loạn nhân cách, cảm xúc không ổn định. Tuy nhiên, về Pháp Luật, bị cáo vẫn nhận thức và điều khiển được hành vi nhưng có phần hạn chế do bệnh.

Vì vậy, HĐXX nhận định bị cáo Phụng vẫn có đủ năng lực chịu trách nhiệm Hình Sự theo quy định Pháp Luật. hành vi của bị cáo thể hiện tính hung hăng, côn đồ, cần phải bị nghiêm trị. Trước vành móng ngựa, Phụng lặng lẽ cúi đầu, rơi nước mắt ân hận.

Phiên tòa kết thúc với mức án 12 năm tù dành cho Đỗ Văn Phụng, nhìn người mẹ già thẫn thờ trước những mất mát quá lớn, ai cũng xót thương. Vụ án một lần nữa gióng lên cảnh báo về những hậu quả T.Tâm do nạn rượu chè bê tha, do ý thức Pháp Luật còn hạn chế ở nhiều vùng quê sông nước miền Tây...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật