Nước cam pha mật ong

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người đàn ông đó xuất hiện vào tuần thứ hai tôi vào làm ở quán.
Nước cam pha mật ong
Ảnh minh họa

Quán không treo đèn xanh, đè‌n đ‌ỏ. Chỉ có cây bông giấy già cỗi trùm lên mái hiên, đầy nghẹt hoa màu cam úa. 
Quán tên TB.
Nội cái tên quán TB cũng là đề tài mua vui cho mấy cô gái mỗi ngày mưa vắng khách. Sau vài cái ngáp đến ứa nước mắt sống, chị T lớn tuổi nhất buột miệng la lên: tổ bà nó…ế quá! Chắc bà Hai đặt tên quán này vào một ngày mưa thúi trời, thúi đất như vầy!

Và là chủ đề đố vui bất tận giữa các cô với mấy ông khách đã say ngầy ngật, lúc đó não đã trở thành khối lầy nhầy đông đặc . 
- Đố mấy anh tên quán mình TB là gì nè, anh nào nói hay em thưởng - một cô sẽ khơi mào, môi cong lên ngực ưởn về phía trước.
- Thiệt hay chơi cưng, muốn gì cũng chiều nghe, dễ òm, là Tân Bình chứ gì, quán nằm ở quận Tân Bình.
- Sai rồi anh ơi, một chị nối mi Hàn quốc đen dầy dài cong bất thường, cười ngặt nghẽo làm duyên - từ hồi tách quận, quán mình thuộc Tân Phú mà!
- Đúng chắc luôn - một anh vỗ đùi đánh đét, ngã nghiêng cợt nhã - TB là là em rồi, là ti bự!- Anh này mê chị Trang quê miệt vườn Xẻo Quít, da trắng như trứng gà , người mũm mĩm, mắt tí hin chưa nói đã tít mắt cười.
- Quỷ nè, nói nhây ghê hôn?- Chị Trang ngã dúi vào lòng anh đàn ông, nhéo yêu một cái đến nhảy nhỗm người.
- TB là… là tanh bành… hơ hơ hơ… vợ anh mà mò đến đây là tanh bành hết.
- Đang vui tự nhiên nói xui không hà! Phỉ phui anh đi!
- Thôi đi, nghiêm túc, đố trí tuệ mà mấy anh nói trây không hà… TB là quê Thái Bình của chị Hai đó nha. Cây xa rừng thương cây nhớ cội…
- Người xa người tội lắm người ơi! Đừng xa anh đêm nay, bà xã anh không ở đây… một anh ôm chai bia gào lên giọng nhừa nhựa, vậy là cả đám lại được dịp nghiêng ngã cười.

Chị Hai người hàng xóm cùng thôn Thới Bình với tôi, bên giòng sông Trèm trẹm. Hai nhà cách nhau cái dậu đan tre rách nát ngã nghiêng và cùng nghèo tã tơi lũng lưới. Nhưng chị Hai thoát lên thành phố trước, lận đận một thời gian rồi lấy được anh chàng chuyên gia Trung Quốc, chỉ là vợ tạm, vợ hờ, cho đến khi bà vợ già người Hoa từ lục địa bay sang cùng một bầy con gái, lúc đó chị đã đẻ đến đứa con gái thứ hai, là chị mất anh chồng hờ năm mươi tuổi. Số tiền đền bù mất thời con gái và mất chồng của chị đủ để mở cái quán này. 
Thiếu gì tên hay ho, văn vẻ như Chiều tím, Mây mờ, Ngựa hoang, Đêm tối, Ngàn sao như các quán khác nhan nhãn đặc nghẹt một con đường trước khu Công nghiệp, dọc theo kênh Tàu Hủ mà chị phải lấy tên này, vừa cụt lũn, vừa úp úp mở mở bí hiểm, tôi cằn nhằn chị. Chị cười cười nói:
- Vậy mới hay chứ mày, ở đây cái gì cũng mở toang toạch hoạch ra hết. Cái tên của tao "dzậy" mới làm người ta tò mò. Ở xứ này cũng như xứ mình, cái gì làm người ta thấy mới mẻ, mù mờ là người ta ham hố cái đã…Hiểu hông cưng?

Lên được thành phố, tôi thiệt lòng biết ơn chị Hai. Từ lúc ba tôi ra khơi rồi biệt tăm, mảnh đất trống sau nhà chỉ còn lại ngôi mộ gió. Mấy năm sau lại mọc thêm ngôi mộ đất nhỏ thấp lè tè của mẹ tôi lẫn trong đám rau má cằn cỗi, vậy là tôi thành con nhỏ mồ côi. Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường. Tôi mồ côi cả cha mẹ, tôi về ở với dì dượng. Dì tôi cũng thương tôi theo kiểu mất cha còn chú, mất mẹ bú v‌ú dì, nhưng dì sợ dượng như sợ cọp và vừa bước sang tuổi mười lăm, tôi cũng bắt đầu biết sợ tia mắt vằn đỏ của dượng lom lom nhìn tôi theo kiểu con rắn hổ mang đang muốn thôi miên con mồi tước khi quăng mình nuốt sống!
Một dịp chị Hai về thăm nhà, tôi nằn nì xin theo, chị đang cần một người tin cậy để dòm chừng nhà cửa. Vậy là tôi rời làng đi luôn. Ngoái lại đàng sau chỉ còn thấy cái làng Thới Bình ven sông Trẹm mù mịt hoang hoải trong khói đốt rạ ban chiều.

Chị Hai không bắt tôi tiếp khách như mấy chị trong nhà. Tôi chỉ lẹt xẹt loanh quanh phụ bưng bê khi quán đông khách. Nhất là vào lúc chiều chạng vạng công nhân khu công nghiệp tan ca đổ ra đường nườm nượp, khi nắng tắt , đèn đường vàng ệch vừa được bật lên, che giấu bớt những nếp nhăn, những má phấn nhợt nhạt, làn da xanh tái, c‌ơ th‌ể chảy xệ của các cô vốn quen ngồi thong thượt cả ngày dài vắng khách. CHị Hai cười ý nhị với mấy anh hám của lạ, nhăm nhăm đòi làm quen với em gái miền quê - chanh chua khế chát ổi non, chừa ra đi mấy anh ơi!

Nhưng hôm nay khi người đàn ông đó vừa lảo đảo xịch xe trước cửa quán, mấy chị đã bấm nhau cười khùng khục và đầy tôi ra phía trước:
- Út, ra tiếp anh nước cam mật ong nè. Anh dể thương lắm, gặp út là chịu liền!
Chị Hai đang vắng nhà, tôi lúng túng chưa biết phải làm gì, anh đã bước vào ngồi phịch xuống ghế, nói to như ở nhà:
- Em ơi anh về rồi!
Tiếng cười cứ thế vỡ ra rúc rích khắp quán. Tôi bị đẩy ra đứng trước mặt anh. Đó là một người đàn ông chỉ vừa trạc 40 tuổi mà từg đường nét trên khuôn mặt đã nhàu nát vì đau khổ, đen đuá nhưng không dấu được nét ngơ ngác chân phác dể mủi lòng. Đôi mắt anh ta đỏ hoe như đã uống ở quán nhậu nào đó, tia nhìn lạc lõng xa xăm. Lòng tôi chợt chùng xuống, tôi nhỏ nhẹ hỏi:
- Anh uống gì? Em pha cho.
- Em khuấy cho anh một ly nước cam pha mật ong. Anh ngước mắt nhìn tôi mà như đang nói với một ai khác- ngày nào cũng vậy mà phải hỏi là sao?
Tiếng cười lại được dịp bung ra tao tác. Tôi ngơ ngác nhìn quanh cầu cứu. Mấy chị nhấm nháy tôi ra dấu:
- Thì Út khuấy cho anh một ly cam với mật ong đi, bỏ nhiều nhiều mật ong nha. Anh hảo ngọt lắm!
Anh chụp lấy ly nước cam trong tay tôi, hấp tấp uống liền một hơi, rồi vội buông ra thở hắt:
- Không có ngon bằng vợ tôi pha rồi. Vợ tôi pha cái vị ngọt hơn, thanh hơn. Lần nào cũng uống một hơi cạn ly. Muốn đòi ly thứ hai nhưng tôi để dành mai uống cho nó còn thèm!
Một chị xán lại quàng tay quanh cổ anh, vuốt ve lồng ngực xẹp lép trêu ghẹo:
- Vậy anh không ở nhà uống nước cam của vợ pha, tới đây làm chi?
Anh rụt người lại, bối rối nửa muốn gạt tay cô gái ra, nửa ngại ngùng. 
- Tay em đeo đầy nhẫn, không như vợ tôi. Vợ tôi tay trắng trơn không có cái nhẫn nào. Cả đời tôi không mua được cho cô ấy cái nhẫn, nhẫn cưới cũng không có. Đến lúc bắt gặp trên ngón tay út của cổ có cái nhẫn vàng chút xíu là cổ đi luôn!
Tôi nghe nghẹn đắng trong họng, kéo ghế ngồi bên cạnh anh ân cần:
- Làm sao mà vợ anh bỏ đi?
Mắt anh ngầu đỏ, không nhìn thẳng vào tôi, anh cúi gằm đầu nhìn xuống bàn chân đen đúa , im lặng.
Một chị nhào sát đến móc chiếc ví da cũ trong túi anh ra, suồng sã:
- Hôm nay có tiền bo cho tụi em không? Hứa hẹn hoài à, hổng có tiền là hổng ai thèm thương anh nữa đâu nha!
- Không được, anh xua tay giựt lại chiếc ví, mặt dại đi - tôi chưa bao giờ cho ai một đồng nào. Cho tiền đàn bà là làm hỏng nó, cả vợ cũng vậy. Dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về. Nó cơ cực kiếm tiền ở đâu tui không biết. Cái ngày nó đi trong túi nó cũng không có đồng nào. Vậy mà nó vẫn đi!
Rồi anh bật nấc khan, tiếng khóc hơ hơ nghe não nùng.
Tôi cầm chiếc khăn lạnh, đưa cho anh:
- Thôi, anh đừng nói nữa. Uống nước cam đi kẻo tan đá ra hết ngọt bây giờ.
- Tui thích ngọt, uống nước cam phải cho thật nhiều mật ong. Vậy mà tui chưa bao giờ nói ngọt một câu được với vợ. Tui dặn nó rồi, đàn bà đừng ham nghe lời mấy thằng đàn ông nói ngọt, tụi nó chỉ dụ dỗ thôi chứ có thương yêu gì đâu. Sao nó ngu không chịu hiểu ? đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu. - Anh lẩm bẩm một mình, tiếp tục màn độc thoại:
- Gia đình tôi chê tôi không có bãn lĩnh đàn ông. Mấy ông anh dạy mày có ngon thì tìm gặp con vợ mày, xáng cho nó bạt tai giữa chợ rồi nói “xin lỗi em chỉ là con đĩ thôi!”. Gia đình xúi tôi chơi bời đi, cho con vợ biết mặt, gái đầy đường quơ tay là có.
Anh chợt nhỏ giọng thê thiết - Tôi chắc mình không có bãn lĩnh đàn ông thiệt rồi. Sao mà cứ nặng lòng hoài vì một con đĩ! 

Mấy chị dường như đã chán với câu chuyện não nùng này, từ từ tản xa hết. Anh ngồi một hồi như ngủ rồi chợt sực tỉnh, nhìn vào mặt tôi lom lom:
- Em giống vợ anh ghê! Mà cái miệng cười khác, cổ cười là cười cả mắt, mũi miệng. Cười như có nắng bên trong. Còn em cười mà mắt tối thui. Mấy cô kia cười mà mắt lạnh ngắt..
Chị Hai vừa về tới đã gắt ầm:
- Thôi, lại đi nhậu bỏ thằng nhỏ ở nhà rồi. Về nhà với con trai đi. Về nhà đi, biết đâu con vợ nó nhớ hai cha con mò về nhà kìa…
Anh lật đật đứng lên, cũng tức tưởi như khi vừa đến, thảy đại tờ một trăm ngàn đồng trên bàn rồi đạp xe chạy lủi thủi , đầu cúi gằm.
Chị Hai nhìn theo ngao ngán:
- Mấy thằng có vợ ngoan giỏi không biết giữ, không biết quý, coi như rác. Đến khi vợ bỏ đi mất thì hóa dại hóa khùng. Lần sau không cho nó vào ngồi nữa nha chưa! Cứ than thở nhớ vợ hoài mấy thằng khác nghe chạnh lòng bỏ về nhà với vợ hết, còn làm ăn buôn bán gì nữa?

Mới Bảy giờ sáng, mặt trời lên cao quá ngọn cây, nắng đã gay gắt chói chang. Mấy chị còn nằm nghiêng ngửa dặt dẹo mê mệt sau cơn say ầm ĩ dày vò kéo dài cả đêm qua. Tôi cầm cây chổi lúa kéo lạt xạt mấy bông hoa giấy rụng đỏ tấp vào bên hiên. Từ xa, chiếc bóng gầy gò với cái đầu cúi gằm trên tay lái từ từ tiến lại gần. Ôm chặt sau lưng anh là một cậu bé da trắng trẻo khuôn mặt thanh tú như con gái, chắc được thừa hưởng nét mềm mại của mẹ. Chỉ có đôi mắt xa vắng trống trơn là giống bố y đúc. Tôi hớn hỡ mừng rỡ như gặp người quen thân, hai tay ngoắt lia lịa. Anh từ từ lướt ngang qua tôi, đôi mắt vẫn trống rỗng xa xăm như không hề thấy tôi đứng sát bên đường. Chỉ có cậu bé ngoảnh đầu lại mỉm cười với tôi rụt rè. Nụ cười như có nắng nhảy nhót trong mắt.
Chị bếp mở cổng xách giỏ đi chợ, tôi tần ngần nói vói theo:
- Chị ơi, nhớ mua thêm chai mật ong. Nhà mình hết trơn rồi đó!
Chị bếp tròn mắt nhìn tôi ngạc nhiên:
- Mật ong mần chi cô? Cô Hai đâu có dặn?
Tôi nghe mình gắt lên, hụt hơi, vội vã:
- Thì để pha nước cam với mật ong chứ chi. Khách người ta thích mà!
Ừa, mà phải rồi. Mật ong nó lành, vết thương nào cũng chữa liền miệng được. Nữa là vết thương lòng!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật