Rối với những “than thở” không đúng sự thật của nhiều lao động miền núi

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều gia đình miền núi, dân tộc thiểu số cho con đi xuất khẩu lao động, đã bịa ra những khó khăn của con em ở nước bạn rồi kêu than, mong được hỗ trợ. Thực trạng nay gây khó cho cơ quan quản lý.
Rối với những “than thở” không đúng sự thật của nhiều lao động miền núi
Lao động tìm hiểu thông tin trước khi đăng ký đi xuất khẩu lao động
Trong 10 tháng năm 2012, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 75 lao động ở 6 huyện miền núi tham gia xuất khẩu lao động ở 3 nước Hàn Quốc (13 lao động), Malaysia (61 lao động) và Nhật Bản (1 lao động).

Ông Nguyễn Văn Thuần - Chủ tịch UBND huyện Minh Long - cho biết: “Vừa rồi có nhiều lao động và phụ huynh phản ánh chủ lao động nước ngoài đuổi việc, cũng có phụ huynh nói con thất nghiệp đi cấy lúa hoặc không đủ tiền về nước sau 4 năm lao động ở Hàn Quốc. Cụ thể sự việc, địa phương kết hợp với các đơn vị liên quan tìm hiểu và xác minh thực hư”.

Huyện Minh Long có 9 lao động tham gia xuất khẩu lao động ở Malaysia, 2 lao động ở Hàn Quốc. Bà Chế Thị Huệ (ngụ xã Long Hiệp, huyện Minh Long), mẹ của lao động Nguyễn Thị Diễm, trình bày: “Con thôi bị nhà tuyển dụng cho nghỉ việc, giờ phải đi cấy lúa, trồng hẹ thật cực

khổ, tôi rất mong nhà nước hỗ trợ cho con tôi có điều kiện sinh sống và về nước”.

Bà Từ Lệ Ba (ngụ xã Long Sơn, huyện Minh Long) – mẹ của chị Phạm Thị Lệ Hà – cũng cho biết: “Không hiểu vì sao con tôi bị đưa ra khu trồng cây của công ty làm, lương hạ thấp hơn và rơi vào tình trạng khó khăn”.

Một người mẹ khác là bà Nguyễn Thị Phổ cho rằng: “Con tôi là Đoàn Quốc Thắng lao động ở Malaysia 3 năm, sau đó xin làm thêm 1 năm nhưng vẫn không có đủ tiền về nước, gia đình phải vay mượn để con về nhà, nay gia đình rất khó khăn”.

Đem những tâm tư trên trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hùng – Phó phòng việc làm (Sở Lao động Thương binh và Xã hội), PV Báo nhận được câu trả lời: “Ngay khi có thông tin về các trường hợp trên, chúng tôi liên lạc khẩn cấp với đơn vị xuất khẩu lao động, nhà tuyển dụng để xác minh thì mới biết sự thật, cuối cùng họ phải xin lỗi và ngụy biện lời kêu than không có cơ sở”.

Đối với lao động Nguyễn Thị Diễm, hiện đang làm việc ổn định ở Malaysia, mức lương tháng 10 là 823,84RM (đơn vị tiền tệ của Malaysia), quy đổi ra tiền Việt Nam là 5,7 triệu đồng; tháng 9 là 7,7 triệu đồng (1.100RM).

Khi cơ quan chức năng cung cấp thông tin mức lương hiện tại, nơi làm việc thì gia đình lao động Nguyễn Thị Diễm “im lặng”.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cũng cho biết, lao động Phạm Thị Lệ Hà do ngủ gật 3 lần trong quá trình vận hành dây chuyền sản xuất, nhà tuyển dụng tạo điều kiện đưa ra bộ phận chăm sóc cây nhưng cũng ngủ gật triền miên. Trường hợp lao động Đoàn Quốc Thắng (lao động ở Malaysia), qua xác minh thì mức thu nhập tháng 8/2012 là 8,2 triệu đồng (1.171RM), tháng 9 là 7,7 triệu đồng (1.102RM) và tháng 10 là 10,3 triệu đồng (1.470RM).

Như vậy bước đầu xác định những “than thở” của dân là không đúng thực tế. Nhiều lao động là người dân tộc thiểu số chưa có ý thức chấp hành nội quy, thích làm việc tự do, không tôn trọng hợp đồng lao động.

Ngoài các trường hợp đã nêu, ông Nguyễn Hữu Dũng khẳng định: “Khi công ty ở nước xuất khẩu lao động bị phá sản, chúng tôi có nghĩa vụ bố trí nơi làm việc khác cho người lao động, không làm ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của họ nên nhiều lao động rất yên tâm làm việc. Tuy nhiên cũng có nhiều lao động chưa có ý thức, kỷ luật trong công việc. Nhiều phụ huynh dựa vào chính sách ưu tiên đối với việc xóa đói giảm nghèo, kêu than không đúng sự thật. Đây cũng là nỗi lo khi chúng tôi thực hiện quản lý công tác lao động ở địa phương với 6 huyện nghèo”.

Trao đổi với PV Báo, ông Nguyễn Duy Nhân – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi - cho biết: “Đối với chính sách, Sở luôn hỗ trợ chậm thanh toán tiền vay ở Ngân hàng Chính sách hoặc tìm kiếm việc làm mới nếu lao động gặp bất trác thật sự. Còn đối với lao động vô kỷ luật và tự ý bỏ về nước, Sở không chịu trách nhiệm và từ chối nhận làm lao động ở những lần sau”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật