Bà cụ hơn một thập kỷ ngóng con

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù mưa hay nắng, ngày nào bà Lê Thị Đen ở xã Khả Phong (Kim Bảng, Hà Nam) cũng ngồi bên cửa sổ để ’ngóng con gái về’. Suốt 13 năm qua, bà lão 80 tuổi vẫn ngồi đó với hy vọng con gái sẽ về, ít nhất một lần trong đời.
Bà cụ hơn một thập kỷ ngóng con
Hơn chục năm qua, bà Đen vẫn đưa ánh nhìn xa xăm hướng về phía cửa sổ ngóng con. Ảnh: Tiểu Nguyễn.

Cái tên Lê Thị Đen như vận vào cuộc đời đen đủi của bà. Lâu nay người dân ở đội 4 xã Khả Phong không gọi bà bằng cái tên Đen mà gọi theo tên chồng là Đạt. Bà lão ốm yếu không thể làm gì ra tiền nên sống nhờ vào sự quan tâm của họ hàng, làng xóm.

Bà lão có nước da đen nhăn nheo, đôi bàn tay run run ngồi một chỗ trên chiếc giường cũ kỹ trải chiếu rách nát và đen sì. Đôi mắt mờ đục của bà lúc nào cũng hướng ra ngoài cửa sổ mong ngóng, chờ đợi. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Đen ngày đêm chống chọi với căn bệnh viêm phế quản và chân trái bị gãy phải chống nạng.

Sinh ra ở vùng chiêm trũng Bình Lục (Hà Nam), bố mẹ mất sớm, bà Đen sớm phải lăn lộn kiếm sống nuôi đứa em nhỏ dại. 17 tuổi, bà yêu và kết hôn với ông Đạt, người khác huyện. Do chồng bị bệnh, bà không thể sinh con. Về sau ông chữa khỏi bệnh thì bà lại không còn khả năng sinh nở vì đã hơn 40 tuổi. Buồn tủi nhưng bà luôn động viên chồng: "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn, mình xin một đứa con nuôi cũng được".

Thời ấy, 2 vợ chồng bà thường đi đốn củi, quét lá trong núi về đun. Một lần đang đốn củi, chồng bà nghe tiếng trẻ con khóc. Giữa nơi hoang vu, hai vợ chồng lần theo tiếng khóc thì tìm thấy đứa trẻ còn chưa mở mắt, cạnh đó có chai sữa nhỏ. "Ông ấy bế đứa nhỏ lên dỗ dành Bố đây, bố đây, con đừng khóc nữa", vừa kể, ánh mắt bà lão rạng rỡ.

Vợ chồng bà đem đứa nhỏ về nuôi và đặt tên là Lê Thị Len. Đứa trẻ lớn dần nhờ tình yêu thương và sự săn sóc của đôi vợ chồng hiếm muộn. Ngôi nhà nhỏ chưa đầy 20 m2 của ông bà lúc nào cũng rộn rã tiếng cười.

Gia đình khó khăn, giờ có thêm đứa con gái, vợ chồng bà Đen phải làm lụng vất vả hơn. Trong ký ức của bà, đứa con gái ấy ngoan ngoãn, mới 6 tuổi đã biết nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Lớn hơn chút nữa, cô cũng theo mẹ ra đồng nhổ mạ, cấy gặt. Năm 1999, trong lúc kéo xe lúa, bà lỡ tay khiến xe vổng lên đập luôn vào đầu chồng đang đẩy đằng sau. tai nạn ấy cướp đi sinh mạng của ông Đạt.

Từ đó, gánh nặng đè cả lên đôi vai bà. Một năm sau ngày chồng mất, bà bị ngã gãy chân. Vì không có tiền chạy chữa, đôi chân bà thành tàn phế. Thấy hoàn cảnh khó khăn, xã chu cấp cho bà đôi nạng để có thể di chuyển.

Lúc này, cô con gái của bà Đen cũng đến tuổi lấy chồng. Cô kết hôn với một thanh niên cùng làng và gia đình cũng không khá giả gì. Do hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng dắt díu nhau vào miền Nam sinh sống và biệt tích không về. Theo những người hàng xóm, vợ chồng cô con gái cộng thêm 3 đứa con chẳng khi nào đủ ăn. Vì vậy hơn 10 năm qua, cô chưa bao giờ về quê thăm mẹ lấy một lần.

"Đến giờ cũng hơn chục năm rồi mà chẳng thấy con hỏi thăm một lời, nghĩ cũng thấy bạc. Tôi nuôi nó từ bé, lẽ nào không được coi là máu mủ ruột già của mình ư?", dứt lời, bà lão ôm ngực ho từng đợt dài.

bệnh tật bủa vây khiến mọi sinh hoạt của bà từ cái đơn giản nhất cũng trở nên khó khăn. Đôi chân chống nạng nhưng hàng ngày bà vẫn phải xách nước từ giếng chung (giếng nước này của nhà bà và người em cùng cha khác mẹ với chồng bà) về nhà để giặt giũ và đun nước uống. Bà cố gắng ngồi vững lên cái ghế cao để giặt qua quít rồi lại run rẩy phơi trước cửa nhà. Đến bữa, gia đình người em chồng nấu bát cơm trắng đem cho bà Đen.

Bình thường, bà lão cũng luộc quả trứng hay ăn tý vừng (em gái ở quê gửi) cho xong bữa. Nhiều khi không chịu nổi ăn khan, bà đành đổ nước sôi vào chan với cơm. Có hôm không còn gì để ăn, bà hòa tý đường vào nước rồi chan, thế cũng xong bữa.

Người làng thương bà, ai gặp cũng cho quà, khi là cái bánh, cái kẹo, mớ rau, thanh đậu, có lúc là mấy đồng để mua thức ăn. Nhiều người không gặp ở chợ xuống tận nhà cho bà, dù chỉ là ít rau hay quả trứng.

Bà Nguyễn Thị Anh, trưởng xóm cho biết, mỗi tháng nhà nước hỗ trợ 180.000 đồng cho bà Đen. Số tiền này được giao lại cho em dâu ngay cạnh để lo cơm nước, sinh hoạt cho bà Đen. "Quá khứ có nhiều bất hạnh khiến bà Đen luôn đau đớn tuyệt vọng. Niềm vui duy nhất của bà có lẽ chỉ là ngày ngày ngồi bên cửa sổ ngóng con về", bà Anh cho hay.

Đưa ánh nhìn xa xăm hướng về phía cửa sổ, nơi có ánh sáng nhiều nhất trong căn phòng nhỏ, bà Đen lẩm bẩm: "Con gái tôi có bạc đến mấy chắc biết tấm lòng của mẹ già này cũng sẽ về với tôi, ít nhất một lần trong đời nữa phải không?".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật