Bi kịch ở một khu rừng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên là khu bảo tồn thiên nhiên được Thủ tướng Chính phủ cấp phép thành lập năm 1992 nhằm mục đích bảo vệ rừng, bảo vệ muông thú.
Bi kịch ở một khu rừng
Súng săn bị kiểm lâm tịch thu

Nhờ có sự hiện diện của những cánh rừng nguyên sinh và các loài mãnh thú có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới mà VQG Cát Tiên từng một thời được xem là niềm tự hào của hệ thống VQG tại Việt Nam. Thế nhưng niềm tự hào ấy giờ đây đang đứng trước nguy cơ “phá sản” khi không ít người ám chỉ đây là “rừng chết”, là “mồ chôn mãnh thú”, “tử địa giữa đại ngàn”... Vì đâu nên nỗi?

LÂM TẶC LỘNG HÀNH

Những ngày này, thông tin về VQG Cát Tiên được dư luận dành cho sự quan tâm đặc biệt. Giữa cái thời người khôn của khó, doanh nghiệp phá sản vì làm ăn thua lỗ, vật giá leo thang, tội phạm cướp giật, lừa đảo có chiều hướng gia tăng... mà thiên hạ lại hướng tầm ngắm đến khu rừng nằm cách xa thành phố, chẳng ăn nhập gì đến miếng cơm manh áo của mình thì quả là chuyện... đặc biệt.

Thực ra sự quan tâm ấy bắt nguồn từ việc ngày 5-10-2012, một con bò tót có tên trong sách đỏ Việt Nam lẫn thế giới bị đám đông hè nhau tấn công và xẻ thịt. Đây quả là cú sốc với những người làm công tác bảo tồn và những ai quan tâm đến số phận, sự tồn vong của các loài thú hoang quý hiếm trên đất Việt.

Cách đây không lâu trước sự kiện bò tót nói trên, chúng tôi có chuyến xuyên rừng già Cát Tiên tìm hiểu về công tác bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm nơi đây. Sau khi chẻ rừng, trầy trật với đủ thứ tai ương do đường trơn, chúng tôi đặt chân đến Trạm kiểm lâm Đất Đỏ (khu vực giáp ranh giữa xã Tà Lài và xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Tại đây, những anh em kiểm lâm giàu tâm huyết bảo vệ rừng thổ lộ những chông gai, hiểm nguy khi phải giữ rừng giữa hàng ngàn ánh mắt cú vọ và họng súng manh động của cánh phường săn. Nói có sách mách có chứng, anh Phạm Tuấn Đạt, Trạm phó trạm kiểm lâm, liền bày ra hàng loạt súng săn có tính sát thương cao, dư sức hạ gục cả mãnh hổ, đa phần là súng săn tự chế. Sau này, qua trao đổi với lãnh đạo Hạt kiểm lâm Cát Tiên, chúng tôi được biết phường lâm tặc còn sử dụng cả súng AK47, súng AR15, súng calip...

Rời Trạm kiểm lâm Đất Đỏ, mang theo quyết tâm bám rừng giữ thú của những người lính giữ rừng, chúng tôi trở về Hạt kiểm lâm Cát Tiên. Trong câu chuyện hôm ấy, chúng tôi nhớ mãi thông điệp hàm chứa nhiều sự trăn trở của ông Nguyễn Văn Minh - Hạt phó thường trực Hạt kiểm lâm Cát Tiên. Ông Minh nói rằng Cát Tiên có đến 40 loài thú nằm trong sách đỏ thế giới và để bảo vệ muông thú ở vườn, đó là nhiệm vụ trần ai mà nếu không yêu rừng, không can đảm thì khó bám trụ được: “Chúng tôi đã nỗ lực hết sức, ngày đêm bám rừng nhưng với quân số 127 người (chiếm 67% nhân lực toàn vườn) mà phải bảo vệ gần 72.000ha rừng trong tầm ngắm của trên 18 vạn người đã và đang sinh sống tại vùng đệm và vùng lõi của rừng thì không thể nào quản lý xuể...”.

RỪNG KHÓC

Là đơn vị trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), VQG Cát Tiên có nhiệm vụ bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên rừng được giao. Cứ nghĩ cái cảnh mình sống chết với rừng trong sự lăm le triệt phá, bắn giết của kẻ khác mà thấy thương cho những người tâm huyết trong việc giữ rừng ở VQG Cát Tiên. Một tháng sau chuyến đi xuyên rừng, vào tháng 10-2011 câu chuyện lâm tặc lộng hành, “tử thần” tiến công vào rừng cấm Cát Tiên trở nên nóng bỏng khi Quỹ quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Quỹ Bảo tồn quốc tế tê giác (IRF) công bố rừng cấm Cát Tiên đã tuyệt chủng tê giác. Theo hai tổ chức này, con tê giác cuối cùng ở Việt Nam tại Vườn quốc gia Cát Tiên là con tê giác được tìm thấy xác vào tháng 4-2010. Để đưa đến kết luận đáng buồn này, các chuyên gia đã đưa chó đặc nhiệm săn tìm dấu vết tê giác, phân tích gen của 22 mẫu phân được nhóm khảo sát của VQG Cát Tiên và WWF thu thập từ năm 2009 - 2010. Sau quá trình kiếm tìm, phân tích, kết quả cho thấy các mẫu phân đều thuộc về xác cá thể tê giác được tìm thấy tại vườn Cát Tiên vào tháng 4-2010.


Sau thảm kịch tê giác tuyệt chủng,

Thông tin được WWF và TRF đưa ra khiến chúng tôi sốc. Sốc bởi trước đó một tháng, lúc trò chuyện về số lượng tê giác ở vườn, lãnh đạo hạt kiểm lâm lạc quan cho rằng còn 2 - 4 cá thể nhưng cũng lưu ý tê giác đang đối mặt với hiểm nguy vì lòng tham của phường lâm tặc. Người ta tin sừng tê giác là thần dược chữa bá bệnh, và chính niềm tin này đã đẩy giá sừng tê giác lên đến tiền tỷ. Sát hại một con tê giác cắt lấy sừng, lột lấy da bán được số tiền khổng lồ nên cánh thợ săn không từ bất kỳ thủ đoạn nào để giương nòng khạc đạn săn con thú “quý tộc” này.

Chúng tôi gọi điện cho lãnh đạo hạt kiểm lâm Cát Tiên hỏi thăm sự thể và nhận được tiếng thở dài. Lúc này trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng người ta nói ra rả, dồn dập thông tin buồn về con vật được xem như là linh hồn của VQG Cát Tiên: “Tê giác tuyệt chủng tại VQG Cát Tiên là tê giác Java hay tê giác một sừng, là loài từng được ghi nhận phạm vi phân bố rộng ở toàn khu vực Đông Nam Á, cả Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt nhiều ở các đảo của Indonesia. Hiện chỉ còn một quần thể tê giác 1 sừng khoảng 40 con sống ở Vườn quốc gia Ujung Kulo trên đảo Java ở Indonesia”.

Hôm ấy, ông Minh khép lại câu chuyện tuyệt chủng của loài tê giác một sừng bằng tâm sự buồn: “Là linh hồn của rừng Cát Tiên, nay tê giác vĩnh viễn không còn nữa, rừng đau mà anh em chúng tôi cũng đau”. Tuyên bố của WWF và IRF đồng nghĩa với việc từ đây Việt Nam nói chung, rừng cấm Cát Tiên nói riêng vĩnh viễn mất đi một thực thể giống loài, như thế hỏi sao rừng không rưng rưng nước mắt?


nay đến bò tót lâm nguy

BI KỊCH CHỒNG CHẤT

Còn chưa nguôi ngoai đến sự ra đi vĩnh viễn của con tê giác một sừng người ta lại “sốc” khi biết được ngay giữa VQG Cát Tiên, một vụ giết hại thú hoang quý hiếm bậc nhất xảy ra. “nạn nhân” lần này là một con bò tót. Theo ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc VQG Cát Tiên, ngày 5-10 ngay khi nhận được thông tin của quần chúng về việc một con bò tót đang bị đám đông sát hại tại thôn Phước Sơn, xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng), ông cùng đồng nghiệp lập tức đến hiện trường nhưng không kịp cứu nguy cho con vật nặng hơn 3,5 tạ. Tại hiện trường, cơ quan chức năng chỉ thu giữ bộ đồ lòng của con vật quý hiếm.

Qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng biết được con bò bạc mệnh bị bắn chết gần khu vực dân cư thuộc vùng đệm VQG Cát Tiên và thu được “thủ cấp” của con vật từ hai người đàn ông ngụ xóm Cầu Treo, xã Phước Cát 2. Từ lời khai của hai người này, đến ngày 9-10 đã có 15 nghi can được Công an huyện Cát Tiên triệu tập. Khoảng một tháng trước khi hung tin bò tót quý hiếm bị giết hại được hé mở, VQG Cát Tiên công bố đoạn video hiếm hoi một con bò tót đực sống đơn độc được nhân viên của vườn là Võ Trọng Duyến quay vào ngày 18-7 tại khu vực núi Tượng. Sự kiện này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu con bò bị sát hại chính là con bò đực đơn độc?

Rừng cấm Cát Tiên có từ 19-22 đàn bò tót với số cá thể ngoài 100 con, chiếm khoảng 1/4 số lượng cá thể bò tót của cả nước. Trước khi hung tin con bò tót bị sát hại loan truyền, những người bảo vệ rừng đã tỏ ra âu lo cho số phận của đàn bò trước quá nhiều họng súng, bẫy bọng nằm trong số 18 vạn người sống trong vùng lõi, vùng đệm của vườn. Và sau bi kịch tuyệt chủng của loài tê giác, nỗi âu lo đàn bò tót bị xâ‌ּm hạ‌ּi của những người giữ rừng đã được cánh phường săn biến thành hiện thực.


Kiểm lâm Cát Tiên với những tang vật tịch thu trong các chiến dịch truy quét lâm tặc

Trước nỗi cám cảnh voi chết, gấu chết, tê giác bị giết hại đến tuyệt chủng, bò rừng bị xẻ thịt bán công khai đã có người đau lòng gọi VQG Cát Tiên là “khu rừng tử thần”. Nếu đổ lỗi cho lực lượng kiểm lâm khi buông lỏng quản lý để xảy ra thực trạng buồn lòng trên thì quả là đổ tội oan bởi ngần ấy anh em, chưa đến 130 con người mà phải đối phó với 18 vạn người, đối phó chỉ bằng lòng quả cảm thì dẫu có nhiệt tâm đến cỡ nào đi nữa anh em chẳng thể nào cứu được thú, giữ được rừng.

Cứ với đà tương quan lực lượng, kiểm lâm “hẻo” quân trong khi phường săn tứ phía, vừa đông vừa trang bị vũ khí tận răng kết thành những binh đoàn cú vọ lăm le cưa chặt, khạc đạn... thì không chỉ tê giác và bò tót, các loài thú hoang ở VQG Cát Tiên sẽ còn bị hạ gục dài dài. Thực trạng này nếu không có liệu pháp đặc trị thì e rằng sớm muộn gì VQG Cát Tiên - nơi từng được mệnh danh “thiên đường của thú hoang” trở thành “khu rừng tử thần”, “khu rừng chết”... là điều khó tránh khỏi!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật