Không được quên chống tham nhũng

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nói về những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn tham nhũng chưa được đẩy lùi, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh có nhắc đến một chữ “quên”. Ông Tranh cho rằng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân .
Quên đi bổn phận trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân là lý do khiến tham nhũng không hề bị đẩy lùi đó là cái sự "quên” lớn nhất. Tuy nhiên đây không phải là điều quên duy nhất khiến tệ tham nhũng không những không bị đẩy lùi mà ngày càng nghiêm trọng. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã được trình ra phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường Vụ QH thống kê ra rất nhiều điều mà đáng lý ra những công bộc của dân phải ghi lòng tạc dạ, nhưng đáng tiếc họ lại vướng phải một chữ "quên”.
Chẳng hạn, về việc "quên” nộp lại "quà tặng”. Năm 2012,  mặc dù cũng có 18 cá nhân và tập thể đã nộp lại quà tặng với số tiền 362 triệu đồng theo đúng quy định. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ "số trường hợp nộp lại quà tặng là cá biệt, không phản ánh đúng thực trạng hiện nay. Hiện tượng lợi dụng dịp lễ, tết và những phong tục, tập quán để biếu xén vẫn diễn ra khá phổ biến nhưng chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn”. Hay, việc xác định giá, đấu giá tài sản doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa; công khai việc giải phóng mặt bằng, giá bồi thường khi thu hồi đất... cũng không ít lúc "quên”.
Trong công tác kê khai tài sản thu nhập của cán bộ công chức, có quá ít trường hợp được kết luận kê khai không trung thực. Việc "quên” trong kê khai này, đã để lại dấu ấn rất lớn. Có lẽ vì vậy báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn đánh giá, "công tác kê khai tài sản, thu nhập tuy đã được triển khai trên diện rộng nhưng vẫn còn biểu hiện hình thức, tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, hiệu quả thấp”. Và "việc xác minh tài sản, thu nhập nhằm làm rõ tính trung thực của việc kê khai còn ít được thực hiện, quy định về việc công khai bản kê khai mới được triển khai thực hiện nên kết quả còn hạn chế”.
Phải khẳng định, đây là những biểu hiện "quên” có liên quan trực tiếp đến công tác PCTN làm giảm hiệu quả của PCTN. Nhưng còn nhiều việc "quên” khác mà không một báo cáo nào thống kê được con số cụ thể. Tại một lĩnh vực cần nâng cao đạo đức của nghề đó là y tế thì tình trạng tham nhũng rất phổ biến. Cho dù nó chỉ là "tham nhũng vặt” thì cũng đã đủ ăn mòn giá trị đạo đức của những người hành nghề chữa bệnh cứu người. Nhưng, điều đáng nói là người có trách nhiệm trong việc tìm ra giải pháp ngăn chặn tham nhũng đôi khi lại đưa ra những giải pháp mang tính khẩu hiệu. Còn nhớ tại một phiên trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kêu gọi người dân chung tay cùng ngành, bằng cách kiên quyết không đưa phong bì cho y bác sĩ. Nhưng bà "quên” không đề cập đến việc sẽ xử lý y, bác sĩ ra sao nếu họ nhận phong bì?
Còn lĩnh vực giáo dục thì sao? Vẫn rất nhiều chữ quên hiển hiện tại đây. Đó là: Quên quyền đi học là quyền của trẻ em, nên mới đẻ ra nạn chạy trường, chạy lớp ngay từ tuổi mầm non. Quên giáo dục phổ thông phải đem lại tri thức đồng đều cho mọi học sinh nên mới đẻ ra hàng loạt yêu sách, thực chất là tham nhũng trá hình, mang tên "đóng góp tự nguyện”….
Tại cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, đề đạt nguyện vọng của mình với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cử tri Phan Đức Tuyên  (P Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) cũng đã nhắc đến lý do khiến tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn đẩy lùi là bởi chúng ta chưa có quyết tâm chính trị cao; Chưa xử lý kịp thời, kiên quyết những kẻ vi phạm đó hoặc có xử lý với hình thức giơ cao đánh khẽ, không công khai nên không đủ sức răn đe nên rất ít tác dụng... Nói tóm lại, "quên” xử lý nghiêm cán bộ có hành vi tham nhũng là lý do chính khiến tệ tham nhũng chưa được đẩy lùi.
Quả là điều thật đáng tiếc.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật