Hội chứng tiêu chảy du lịch: bệnh trong các kỳ nghỉ

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 đang đến gần, cả mùa hè sắp tới cũng là thời điểm nhiều người chuẩn bị đi du lịch. Thế nhưng gần đây, đã xuất hiện một hội chứng tạm gọi là tiêu chảy du lịch (còn gọi là tiêu chảy xuất hiện trong các chuyến lữ hành).
Hội chứng tiêu chảy du lịch: bệnh trong các kỳ nghỉ
Hàng rong ở chợ đêm kém vệ sinh cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của khách du lịch

Một số nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, số người mắc tiêu chảy du lịch (TCDL) tăng lên rõ rệt vào các kỳ nghỉ. Tuy vậy, ở nước ta, chưa có nhiều nghiên cứu và biện pháp kiểm soát hội chứng tiêu chảy du lịch.

Tiêu chảy du lịch là gì ?

Một người được gọi là mắc hội chứng TCDL khi đi đại tiện hơn 2 lần/ngày, có biểu hiện đau bụng, có cơn co cứng bụng hoặc trướng bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài nhiều nước. Nguyên nhân gây ra TCDL chủ yếu là do vi khuẩn, nhất là loại sinh độc tố (eschevichia coli, shigella, campy lobacter, salmonella,…), do virus (rhotavirus, norwalk virus…), do ký sinh trùng (giardia, lambilia, entamoeba histolyca…) và không rõ nguyên nhân.

Đơn cử, E.coli là vi khuẩn đáng kể gây ra tiêu chảy và chúng có mặt ở khắp mọi nơi. Bình thường, có thể bạn vẫn đưa một lượng ít khuẩn E.coli vào c‌ơ th‌ể, hoặc chúng đã ở trong ruột người rồi và không có chuyện gì xảy ra.

Nhưng khi bạn di chuyển đến một vùng đất mới và bị nhiễm khuẩn E.coli chủng khác với chủng nơi bạn thường sinh sống thì rất có thể sẽ gây ra tiêu chảy. E.coli lạ này sẽ tiết ra độc tố ngăn chặn ruột già hút nước, làm phân lỏng và tiêu chảy xuất hiện. Do đó, TCDL không chỉ bó hẹp trong phạm vi các vùng trong một quốc gia, mà còn là vấn đề đáng lo ngại khi khách du lịch di chuyển đến nhiều quốc gia khác nhau.

TCDL thường kéo dài từ một đến vài ngày. Chỉ có một số ít người mắc TCDL có triệu chứng nặng kèm theo nôn mửa, sốt, phải nhập viện hoặc mệt lả, nằm bất động, không đi đâu được. Cá biệt, có trường hợp bị tiêu chảy kéo dài hàng tuần, hàng tháng và thậm chí tới vài tháng. Còn lại đa số người mắc chỉ bị triệu chứng nhẹ, đau bụng, đi ngoài nhiều lần rồi tự khỏi.

Tuy vậy, trong một chuyến du lịch, việc phải di chuyển thường xuyên, tâm lý muốn nghỉ ngơi, vui chơi, thưởng thức danh lam thắng cảnh, sự xuất hiện của tiêu chảy chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, phiền toái và mất vui.

Theo một nghiên cứu, phần lớn khách du lịch khá mơ hồ về hội chứng TCDL. Do đó, các thực khách rất dễ lơ là, không phòng bị được TCDL. Tự phòng bệnh, ngăn chặn ngay triệu chứng bệnh khi nó mới xuất hiện là điều mà mỗi người hoàn toàn có thể thực hiện để có một chuyến du lịch vui vẻ.

Để có chuyến du lịch vui khoẻ

Nguyên nhân trực tiếp gây ra hội chứng TCDL đương nhiên là do khách ăn uống thực phẩm kém vệ sinh. Do đó, ăn uống là khâu rất quan trọng để phòng bệnh. Theo lời khuyên của các chuyên gia, khách du lịch nên "cầm lòng" trước những món ăn đặc sản không rõ nguồn gốc.

Món ăn lạ, đặc sản ở các vùng du lịch sẽ dễ khiến du khách bị hấp dẫn và quên đi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài nguyên nhân thức ăn lạ, khó tiêu, rất có thể bạn tự cộng thêm lý do ăn thực phẩm thiếu vệ sinh gây ra tiêu chảy cho mình.

Các món ăn nguội, rau sống, sa lát, hoa quả lột vỏ bán sẵn, hoa quả nguyên vỏ và thức ăn bán rong… đều rất dễ bị nhiễm khuẩn. Đặc biệt, đối với nước uống, chỉ nên uống nước đóng chai, lon, không nên uống nước lã, nước đá pha rượu bia, nước giải khát.

Tốt nhất, mỗi người đi du lịch nên đề cao tinh thần tự phục vụ, ngoài ăn chín, uống sôi, nên rửa tay sạch để tự gọt trái cây, tự mở nắp lon nước uống… Sở dĩ, các chuyên gia đưa ra những lời khuyên tưởng như lặt vặt này là do các bệnh nhân mắc TCDL đều từ những hành động đơn giản nói trên. TCDL được coi là bệnh thông thường và có thể phòng tránh được.

Trong hành lý của người đi du lịch, nên chuẩn bị một số thuốc đề phòng gặp tiêu chảy thông thường như thuốc cầm tiêu chảy nguồn gốc thảo dược (berberin), men tiêu hoá, smecta, loperamide… và oresol để bù nước.

Tuy nhiên, không nên lạ‌m dụn‌g các loại kháng sinh khi mắc TCDL. Theo khuyến cáo thực hiện mô hình nhà thuốc thực hành tốt mới đây, tất cả các loại kháng sinh điều trị tiêu chảy đều phải theo đơn kê của bác sỹ. Do đó, tuỳ tiện dùng kháng sinh khi mắc tiêu chảy rất có thể làm tình hình xấu hơn.

Nếu có trẻ em đi theo, càng cần phải thận trọng khi gặp TCDL. Luôn chú ý bù đủ nước khi trẻ bị tiêu chảy, tuyệt đối không dùng thuốc điều trị tiêu chảy người lớn cho trẻ con.

Khi bị mất nước, trẻ có một trong các biểu hiện khát nước, khô da, mệt mỏi, chóng mặt, nước tiểu đậm màu, môi, lưỡi khô, khóc không ra nước mắt, không đi tiểu trong hơn 3 tiếng, mắt hõm, nóng sốt, nằm không yên, da nhăn nheo, bóp nhẹ thấy da không phẳng lại ngay…

Nếu thấy trẻ bị phân có máu hoặc mủ, màu đen, sốt cao, uống thuốc trong 24h không giảm bệnh, phải đưa trẻ tới bệnh viện ngay

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật