Hương tẩm hoá chất gây ngứa mắt, khó thở

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cả thôn Cao (xã Bảo Khê, Thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) chuyên sản xuất hương lớn nhất miền Bắc đã dùng hoá chất để sản xuất hương đậu tàn.
Hương tẩm hoá chất gây ngứa mắt, khó thở
Sản xuất huơng tại thôn Cao (xã Bảo Khê, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên)

Theo phân tích của chuyên gia, hóa chất này sẽ gây hại cho người thắp hương, đặc biệt là những người ở trong đền chùa, những nơi thắp nhiều hương hay những nơi đốt tiêu huỷ hương.

Thôn Cao là làng Việt cổ nằm ven vùng châu thổ sông Hồng. Làng có nghề làm hương xạ nổi tiếng. Hiện nay, làng Cao sản xuất hương theo đơn đặt hàng khắp nơi và xuất hàng đi khắp cả nước. Hương liệu chủ yếu là vị thuốc bắc thay thế cho hương liệu trầm giờ đã không có.

Có hai loại hương làng hay sản xuất là hương vòng và hương thẻ. Hương thẻ có hai loại, loại thứ nhất là hương đậu tàn, nghĩa là sau khi thắp hương xong, tàn hương không bị rụng mà đậu lại trên chân hương, tạo thành những chùm "râu". Loại hương này được người tiêu dùng ưa chuộng vì dân gian quan niệm thắp hương không rụng tàn là có lộc. Loại thứ hai là hương thường. Loại này hương cháy đến đâu tàn rụng đến đấy. Nhìn bên ngoài, hai loại này giống hệt nhau.

Ở thôn Cao, gia đình bà Đào Đức Viên mỗi ngày cho ra lò 10.000 nén hương, chủ yếu xuất đi Hà Nội. Ở góc sân nhà bà Viên có mấy thùng hoá chất màu xanh. Trên thùng ghi chữ Made in China. Chúng tôi đọc những thành phần hoá học ghi trên hộp: H3PO4 >85%. Trọng lượng: 36,6 kg/thùng. Đây là những thùng hoá chất con trai bà Viên mua ở Gia Lâm về làm hương đậu tàn. Cứ hết lại mua, chừng vài ngày nhà bà lại dùng hết chủ yếu để sản xuất loại hương đậu tàn. Hoá chất mỗi nhà nhập một nơi. Như nhà ông Tạ Quang Kí, bí thư chi bộ thì lại nhập hoá chất ở Hải Phòng.

Hộ nhà chị Thuỷ, anh Tạo đã làm nghề hương 20 năm rồi. Mỗi ngày gia đình anh chị sản xuất tới 5 vạn nén. Theo chị Thuỷ, cách nhúng que tre vào hoá chất để tàn hương được đậu không phải là do người thôn Cao nghĩ ra mà do ông Nguyễn Ân Hải ở Thôn Nẻo - Hải Dương. Ban đầu ông Hải giấu giếm. Mãi sau người làm công cho ông Hải làm lộ ra nên giờ cả thôn Cao mới biết cách dùng loại hoá chất này. Gia đình chị Thuỷ đã sản xuất loại hương đậu tàn này từ năm 1994. Khi chúng tôi liên lạc với ông Hải, ông này chối đây đẩy, bảo nhà ông không sản xuất loại hương đậu tàn.

Ông Tạ Quang Kí, bí thư chi bộ cho biết: "Nhà tôi cũng sản xuất hương đậu tàn, đó là do nhu cầu của thị trường". Hoá chất được người bán mang đến từ Hải Phòng. Theo ông Ký, nhà ông pha chế bằng cách hoà thêm nước lã vào hoá chất theo tỉ lệ 3/7. Nghĩa là 3 cốc hoá chất, 7 cốc nước lã. Nhưng không phải nhà nào cũng làm theo công thức trên. Tăm hương nhỏ ngâm 1 phút, tăm to ngâm 3 phút. Với nhà ông Ký, việc sản xuất hương đậu tàn chỉ dùng để bán chứ không thắp.

Ông Nguyễn Văn Hải, trưởng thôn Cao:
Hoá chất làm hương đậu tàn là hoá chất cho vào ắc qui

Thôn Cao có 140 hộ/168 hộ sản xuất hương. Hoá chất để làm hương đậu tàn là hoá chất cho vào ắc qui. Đã là hoá chất chắc chắn là độc. Nhưng thị trường yêu cầu, chúng tôi phải sản xuất. Không thể nói chính xác được phải ngâm trong hoá chất bao lâu vì mỗi nhà có một phương pháp riêng. Nếu cho nhiều hoá chất quá cây hương cũng không cháy được, ít quá lại không đậu tàn. Khi nhúng hương người ta phải đặt đồng hồ. Làng nghề giống như thày lang ta, pha chế tỉ lệ là do người trong làng thực hiện.

PGS TS Hoa Hữu Thu, Khoa Hóa học trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội:
Tác hại cho người thắp hương

Khi ngâm que tre trong axit photphoric ( H3PO4), axit photphoric có tác dụng loại các hợp chất hữu cơ và kết hợp với nhóm OH trên phân tử xenlulo (là thành phần cơ bản nhất của que tre) để tạo thành estephotphat. Sau đó đem que tre phơi khô làm bay hết nước ở que tre và chỉ còn estephotphat bám ở trên bề mặt que tre. Người ta bao bột hương vào que tre này sau đó lại đem phơi khô. Khi thắp hương, bột hương cháy sinh ra nhiệt, nhiệt sinh ra làm cho photphat thăng hoa dưới dạng P2O5 (anhidrit photphoric) và đồng thời kéo cho tàn tro thành hình cong tròn.

Có điều này là do khi chuyển từ trạng thái rắn sang trạng thái khí, các liên kết estephotphat bị đứt ra do thăng hoa và chính lực đó làm uốn cong tàn tro của que hương. Các khí cháy sinh ra khi thắp hương trong đó có P2O5 (anhidrit photphorit) khi kết hợp với nước trong không khí gây ngứa rất mạnh, có tác dụng lên da làm cho da bị mòn, tác dụng lên giác mạc làm ngứa mắt, tác dụng lên hệ hô hấp, gây khó thở cho người hít phải. Tất cả các tác hại trên không gây ra cho người sản xuất mà chỉ gây ra cho người thắp hương, đặc biệt là những người ở trong đền chùa, những nơi thắp nhiều hương hay những nơi đốt tiêu huỷ hương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật