Đỗ Hoàng Diệu sau hôn nhân

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau cuốn “Bóng đè” làm náo động thị trường sách không thấy Đỗ Hoàng Diệu xuất hiện. Chỉ nghe chị lấy chồng, qua Mỹ, sinh con và chờ cuốn tiểu thuyết “Rắn và tôi” được cấp giấy phép. Giới thạo tin kháo nhau rằng, sự im ắng ấy có thể là tiền đề cho một cú sock văn học mới.
Đỗ Hoàng Diệu sau hôn nhân
Ảnh minh họa

Tiểu thuyết vẫn dữ dội

Từ lúc “Rắn và tôi” hoàn thành, cho đến giờ đã hơn một năm chưa xin được giấy phép xuất bản, chị có sửa chữa gì thêm không?

Tôi sửa khá nhiều, gần như viết lại một số thứ. Nhiều chi tiết đã thay đổi, thậm chí thay đổi cả tính cách nhân vật. Thời gian mang bầu tôi có thể nghĩ ra nhiều điều.

Thông điệp của cuốn sách này là gì?

Tôi cũng không biết, nó có vẻ hơi mù mờ, có vẻ thập cẩm, giống món lẩu. Tôi muốn đi sâu tìm hiểu tâm lý con người. Con người luôn có hai mặt, trong mỗi con người luôn có một người điên ẩn náu.

Truyện của chị vẫn luôn có những chi tiết dữ dội, không thể khác đi sao?

Có lẽ tạng tôi thế, tôi không thể viết những tình yêu thầm lặng, yêu mà chỉ đứng xa xa để nhìn… Tôi bị ám ảnh bởi nhân vật chính. Cô ta tên Quy. Quy sinh ra bởi một vụ hiế‌p dâm tập thể, không biết bố mình là ai, sau này Quy cũng rơi vào bi kịch như mẹ.

Đâu là cái cớ để chị viết tiểu thuyết này?

Tôi có một người bạn sống ở dốc Xẻ Gỗ, trên đường Đê La Thành rẽ xuống. Buổi tối ở đấy đèn đường rất thiếu, và những người thợ mộc sống trong những căn lều dựng tạm, lúc chập choạng tối họ hay mở những bản nhạc vàng nghe rất buồn cười. Tôi bị ấn tượng bởi khung cảnh ấy.

Cách viết của chị có thay đổi không, so với hồi “Bóng đè”?

Có thể, dù tôi không có ý thức để thay đổi.

Nếu không thay đổi thì độc giả có thể tìm thấy sự khác nhau nào trong những tác phẩm của chị?

Trước hết, tiểu thuyết thì khác truyện ngắn, và là tiểu thuyết nên tôi có thể đi sâu vào tâm lý nhân vật hơn, tôi có thể nói đến nhiều thứ trong cuộc sống hơn, có đất để viết về “những điều trông thấy” hơn.

Yếu tố se‌ּx thì sao?

Tuỳ người đọc sẽ nhận biết nó khác như thế nào.

Hôn nhân làm tôi đơn giản đi

Nhiều độc giả rất quan tâm đến cuộc sống sau hôn nhân của chị?

Nó cũng bình thường, không phải là cái gì khó khăn lắm hoặc xáo trộn nhiều lắm.

Chồng người Mỹ, vợ người Việt, có bao giờ anh chị xung đột vì hai nền văn hóa quá khác nhau?

Cũng có nhưng Alex nói tiếng Việt giỏi và cũng hiểu Việt Nam nên bây giờ thì tạm ổn.

Đại ý hai người thường “gây” nhau trong chuyện gì?

Cũng lung tung đủ thứ. Chẳng hạn hồi mới sang tôi rất nhớ nhà nhưng vì tính lạnh nên không nói, không tâm sự. Alex trái lại là người cởi mở, anh ấy cho việc tôi không nói là coi thường.

Hai vợ chồng đôi khi cũng không cùng quan điểm. Ví dụ, một trong năm cuốn sách văn học Alex thích nhất là Anna Karênina nhưng tôi thì không. Đấy, đại loại toàn chuyện linh tinh thế.

Khi gặp xung đột, hai người thường giải quyết như thế nào?

Chúng tôi nói chuyện.

Chị có gặp khó khăn trong việc hòa nhập với gia đình chồng không cùng quốc tịch?

Tuy ít có điều kiện tiếp xúc nhưng tôi thấy bình thường. Chúng tôi chỉ ở gần gia đình chị gái Alex, họ rất tốt. Người Mỹ rất tôn trọng riêng tư cá nhân, họ ít can thiệp.

Tôi tôn trọng bố mẹ chồng và họ tôn trọng tôi. Có lẽ làm dâu một gia đình Mỹ dễ hơn làm dâu một gia đình Việt Nam.

Có con, nhiều bà mẹ nói là cuộc sống đảo lộn, cách nhìn thay đổi, chị thì sao?

Cuộc sống của tôi có thể xáo trộn nhưng cách nhìn nhận vấn đề thì không thay đổi. Ví dụ trách nhiệm với con thì phải có trách nhiệm ngay từ lúc mang bầu, chứ không phải đẻ ra mới lo trách nhiệm.

Những người quen trước đây của chị không ai nghĩ Đỗ Hoàng Diệu có thể làm vợ, mẹ chỉn chu đến thế?

Bất cứ người phụ nữ nào cũng có khả năng ấy, không riêng gì tôi.

Một thời gian dài nghỉ để sinh con, giờ viết lại chị có thấy như một sự bắt đầu mới?

Chẳng hạn bây giờ tôi đã bật máy tính và ngồi vào bàn nhưng vẫn cố quay ra hỏi Alex xem có muốn ăn gì không để tôi đi mua, hoặc đề nghị cho tôi bế con, cuối cùng cũng bị Alex phát hiện ra là tôi đang tìm cách để trốn. Nhưng sau đó tôi lại viết rất nhanh.

Có một dự định nào cho công việc về luật của chị không?

Có lẽ hơi khó. Bây giờ tôi phải chăm em bé, rất khó để đi làm. Tôi không bao giờ muốn giao con cho người giúp việc. Với lại, ở nhà cũng hay. Alex cũng dành thời gian ở nhà đọc sách, hai người có thời gian để nói chuyện nhiều hơn.

Thay đổi lớn nhất sau khi kết hôn mà chị nhận thấy ở mình?

Trước tôi dành rất nhiều thời gian để trang điểm, giờ thì không. Hồi con gái, trước khi ra đường mà cảm thấy không tự tin với cái quần cái áo nào đấy thì thay ngay, giờ thì kệ. Có thể vì tôi bị ảnh hưởng bởi văn hóa Mỹ, họ ăn mặc đơn giản, không màu mè, không rườm rà rắc rối.

Bây giờ thu mình lại trong cuộc sống của gia đình, chị có thấy điều ấy ảnh hưởng đến vốn sống của một nhà văn?

Tôi không nghĩ thế, sự tưởng tượng là từ bên trong tâm thức mỗi người. Không phải mình cứ ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người, va chạm với xã hội thì trí tưởng tượng của mình sẽ phong phú lên. Có người suốt đời ngồi trong một căn phòng nhưng vẫn viết lên những tác phẩm vĩ đại.

Nhưng rõ ràng tiếp xúc nhiều thì vốn sống sẽ phong phú lên?

Có thể vốn sống phong phú lên nhưng trí tưởng tượng cùn đi. Mà trong sáng tạo tôi coi trọng sự tưởng tượng hơn là thực tế cuộc sống. Thấy gì ghi nấy có thể nhiều người thích nhưng tôi không thích những cái tả chân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật