Một trong 2 bệnh nhi đi cấp cứu bằng máy bay được xuất viện

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bé Lữ Trà My, một trong 2 bệnh nhi đi cấp cứu bằng máy bay từ TPHCM ra Hà Nội sẽ được xuất viện vào ngày mai (18/9) sau 2 tháng điều trị tại bệnh viện Nhi TƯ - dù trước đó em được đánh giá “thập tử nhất sinh“.
Một trong 2 bệnh nhi đi cấp cứu bằng máy bay được xuất viện
Bé Trà My đã về bên vòng tay mẹ với trái tim gần như khỏe mạnh sau suốt 5 tháng chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo

Ngày 17/9, bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức buổi họp để soát xét lại toàn bộ quá trình điều trị cũng như dự kiến cho tiến trình điều trị tiếp theo của bé Lữ Trà My, một trong 2 bệnh nhi được chuyển đi cấp cứu bằng đường hàng không từ TP.HCM ra Hà Nội (bệnh nhân đi cùng là bé Trần Hải Quân, 2 tuổi, bị khối u Lymphangioma ở 2 bên má - PV).

Tại buổi họp, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương đã chia sẻ với các cơ quan truyền thông báo chí, nếu so với thời điểm nhận điều trị bé Lữ Trà My cách đây 2 tháng (ngày 19/7) thì kết quả của ngày hôm nay cứ… ngỡ như là đang mơ bởi sự thành công một cách vượt bậc.

Như Báo đã đưa tin, bé Lữ Trà My bị chứng tim bẩm sinh phức tạp, theo đó tâm thất trái của bé bị thiểu sản nặng, 2 động mạch bị đảo ngược và xuất phát từ cùng 1 thất phải. bệnh nhân sống được nhờ có những lỗ thông giữa các buồng tim làm cho máu trong các buồng tim được trộn lẫn với nhau làm gia tăng nồng độ ô-xy trong máu.

Động mạch chủ ở quả tim của bé Trà My bị hẹp một đoạn dài ở phần cung làm cản trở máu đi ra nuôi c‌ơ th‌ể, máu không đi ra động mạch chủ được phải chuyển hướng đi lên động mạch phổi làm tăng lưu lượng tuần hoàn phổi dẫn đến suy tim, tăng áp động mạch phổi, viêm phổi... Ngoài ra bé còn bị nhiễm trùng phổi, bị loét lưng do nằm lâu.

Ca bệnh của bé Trà My khiến bệnh viện Nhi đồng 1, nơi điều trị trước đó của em phải lắc đầu không chữa được. Rất may, trong lúc bế tắc và khó khăn nhất, được sự hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước, bé Trà My được chuyển ra bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật điều trị.

“Thật sự khi nhận điều trị bé Trà My, chúng tôi chỉ dự đoán khả năng cứu được bé là 50/50, thậm chí là chỉ 40/60 bởi chứng tim bẩm sinh phức tạp như bé Trà My thì ở Việt Nam chưa bao giờ làm cả, mà chúng tôi lại làm trong điều kiện không thuận lợi khi bé gặp nhiều thương tổn ở tim, phổi, lại bị nhiễm khuẩn do nằm ở bệnh viện lâu. Với những ca như bé Trà My, thế giới người ta phẫu thuật ngay trong tháng đầu, trong khi chúng tôi phẫu thuật cho em lúc đã 2,5 tháng tuổi là quá muộn”, GS-TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ về quá trình điều trị cho bé Trà My.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, GĐ bệnh viện Nhi TƯ, nếu bệnh nhi nào mắc bệnh hiểm nghèo mà cũng được sự vào cuộc tổng lực chữa trị của các y bác sỹ như bé Trà My thì hạn chế được rất nhiều ca t‌ử von‌g ở trẻ
Cũng theo bác sỹ Nguyễn Thanh Liêm, trong suốt quá trình điều trị cho bệnh nhi nhỏ tuổi này, đã có những lúc tưởng như phải buông xuôi hoàn toàn do em đã ngừng thở, tim ngừng đập, nhưng bằng nỗ lực của các ê-kíp y bác sỹ, từ chẩn đoán, xét nghiệm, phẫu thuật cho đến điều trị hồi sức sau mổ, cuối cùng bé Trà My đã vượt qua tất cả để khỏe mạnh trở lại. Hiện tại bé đã có thể tự thở, có thể uống được sữa, và sẽ được xuất viện trong ít giờ đồng hồ nữa.
“Ca điều trị của bé Trà My thực sự rất khó, nhưng cũng từ cái khó này mà chúng tôi đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm quý giá. Đó là bài học về lòng kiên trì, đó là sự tận tâm, là việc huy động tổng thể các nguồn lực về trang thiết bị cũng như con người. Với ca này, nếu thế giới có làm thì cũng chỉ được thế thôi, mà cũng chưa chắc đã được như thế”, bác sỹ Liêm mạnh dạn khẳng định.
Đặc biệt, ông còn chia sẻ thêm, nếu như tất cả những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo mà được sự quan tâm sát sao, sự vào cuộc của rất nhiều chuyên gia đầu ngành như đã và đang làm với bé Trà My thì có lẽ không có bé nào vào bệnh viện Nhi Trung ương… phải chết.

Hiện tại bé Trà My nặng hơn 3kg, đã được gần 5 tháng tuổi. Em sẽ được xuất viện nhưng phải quay lại để tiếp tục phẫu thuật thêm 1 lần nữa nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề còn phát sinh do chứng tim bẩm sinh phức tạp gây ra. Dự kiến ca phẫu thuật sẽ diễn ra trong 2 tháng tới, do thể trạng, cân nặng của bé vẫn đang còn quá yếu.


Bé Trần Hải Quân sẽ được phẫu thuật trong tuần tới để lấy sạch khối u còn lại ở vùng má trái
* Cũng trong buổi họp, GS. TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết về bé Trần Hải Quân, bệnh nhi cùng được đi cấp cứu bằng máy bay với bé Lữ Trà My. Theo đó, khối u Lymphangioma của bé Hải Quân đã được chích thuốc bleomycine để làm xơ hóa khối u. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật để lấy hai phần ba khối u đã bị xơ hóa ở vùng cổ chèn ép đường thở, đường ăn của bé. Riêng khối u nằm sâu ở bên trong vẫn tiếp tục được chích bleomycine để làm xơ hóa và dự kiến sẽ phẫu thuật để lấy hết khối u này trong tuần tới. Nhận định của các bác sỹ, phương pháp chữa trị nói trên rất có hiệu quả, ngăn cản được việc khối u tái phát trở lại như những lần mà bé được phẫu thuật trước đây. Hiện tại em đã có thể tự thở và ăn qua đường ống xông.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật