Phố Tàu Toronto

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nằm giữa trung tâm thành phố Toronto, Phố Tàu (Chinatown) là điểm đến được nhắc tới trong nhiều cẩm nang du lịch. Với không ít người Việt, đây là chốn lưu giữ biết bao buồn vui.
Phố Tàu Toronto
Hàng quán của người Việt tràn ngập một góc phố

Canada quả là xứ sở đa văn hóa, gọi là Phố Tàu nhưng ở đây người Hoa và người Việt cùng chen vai nhau làm ăn, sinh sống. Dần dà có một Little Saigon giữa lòng Phố Tàu tự bao giờ. Người Việt mình thường đùa: "Ra Phố Tàu cần gì tiếng Anh, biết một trong hai thứ tiếng Hoa, Việt là thoải mái như ở nhà".

Có người so sánh Phố Tàu Toronto với khu chợ Cũ ở đường Hàm Nghi, TP.HCM. So sánh như thế có thể khập khiễng, nhưng hai dãy phố buôn bán sầm uất với nhiều cửa hàng treo bảng hiệu tiếng Việt giữa trung tâm thành phố này gần gũi, thân thương với bà con mình lắm. Những đại lý vé máy bay, văn phòng bác sĩ, tiệm chụp hình, tiệm kim hoàn, tiệm thuốc bắc, tiệm ăn, hàng vịt quay, hàng bánh mì thịt, dãy sạp trái cây... san sát nhau có khác gì phố xá bên nhà đâu.

Nhiều người Việt thích đắm mình trong cái không khí huyên náo của Phố Tàu. Nghe ai đó rủ nhau: "Du lịch local (địa phương) đi!", nghĩa là đi dạo ngoài Phố Tàu. Đó là nơi không hẹn mà gặp bạn bè, người thân; nơi có thể "ăn Việt, uống Việt, sống Việt". Mùa hè ấm áp, rảnh rỗi ra đây tìm cái thú uống ly nước mía, nhẩn nha ngồi xuống hàng bán băng đĩa lề đường lục lọi, trả giá mua vài cái đĩa mà đôi khi mang về coi không được". Người già, chẳng ham gì ba cái siêu thị bán đồ Tây, chỉ mong tới cuối tuần con cháu chở ra Phố Tàu ăn tô phở rồi dạo chợ, đi loanh quanh một chút là gặp bạn già. Có lẽ với người Việt mình đây Phố Tàu là "Phố Ta" mất rồi.

Lạ một điều, chốn chợ này lại là nơi đánh thức cái gốc Việt ngủ ngon trong những tất bật hằng ngày của cuộc sống nơi không phải quê nhà. Tết, chỉ cần ra Phố Tàu là bao nhiêu cảm xúc chợt ùa về, vội vàng mua sắm, "mang tết về nhà". Rồi mỗi khi thấy bán bánh ú tro (đông lạnh, mùi vị nhạt thếch) mới hay Tết Đoan ngọ cận kề. Và cũng chính mấy hàng bánh trung thu buôn bán rộn rịp, chứ chẳng phải tờ lịch, nhắc nhở mùa trăng cổ tích lại về. 

Một người bạn sống ở Toronto nhiều năm đoan chắc như đinh đóng cột với tôi rằng ở Phố Tàu không thiếu bất cứ thức ăn Tàu (dĩ nhiên) và Việt nào. Tôi muốn dạy cho "anh chàng Thạch Sùng" này bài học khiêm tốn nên "kiểm kê" rất kỹ hàng hóa ở đây. Đúng thật, thực phẩm Việt cái gì cũng có, có lẽ chỉ thiếu mỗi bún tươi. Những thứ hàng "độc" như bồn bồn, củ hũ dừa, tiêu xanh, các loại mắm... thì đành chấp nhận mua hàng đóng hộp nhập từ bên nhà sang thôi.

Chỉ buồn một nỗi, những mặt hàng thiết yếu bà con mình xài hằng ngày như gạo, nước mắm... đều là hàng Thái Lan. Bởi vậy, hàng Thái Lan bán ở đây thường có thêm tiếng Việt. Nhiều khi đọc những dòng chữ Việt sai chính tả trên lon nước cốt dừa, chai nước mắm, bao gạo... "made in Thái Lan" mà bực bội, không hiểu sao đến giờ các doanh nghiệp bên nhà vẫn chậm chân.

Đã qua cái thời bó rau muống còn đắt hơn con gà, thực phẩm Việt bây giờ tràn ngập Phố Tàu, lại khá rẻ. Phải chăng đó cũng là một trong những lý do kéo nhiều người Việt tụ hội về sống ở Tonronto? Bà con ở các thành phố lân cận cuối tuần thì thích lặn lội lên Phố Tàu chở về cả xe thức ăn. Còn hấp lực khiến dân Việt bên Mỹ mỗi dịp lễ lại xách xe chạy sang Toronto là thiên đường trái cây nhiệt đới ở Phố Tàu.

Canada không hạn chế việc nhập trái cây như Mỹ nên nơi đây không thiếu trái cây xứ nóng. Việt kiều Mỹ nhớ hương vị chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, xoài, mít, nhãn, thanh long, cóc, ổi... ở quê nhà chỉ việc vù qua đây ăn thỏa thích. Phải "chạy ba quãng đồng", trả 10 đô la (*) cho một ký lô chôm chôm mà mày mặt ai nấy vẫn hớn hở.

Ở Phố Tàu "thượng vàng hạ cám" đều có. Hàng hóa khá rẻ nên không chỉ dân châu Á đắm đuối với Phố Tàu mà dân "Tây" muốn tiết kiệm cũng rất thích mua sắm, ăn uống ở đây. Nhìn bảng giá 9,99 đô la/6 cái áo thun, "ta" còn hết hồn, huống chi "Tây". Dân sành điệu thì thích la cà tìm những món hàng "độc". Giờ thì tiệm ăn Việt phổ biến không thua gì tiệm ăn của người Hoa, khách "Tây" còn nhiều hơn khách Việt. Nhiều khi dạo phố, thấy mấy anh "Tây" tay cầm ổ bánh mì thịt - Vietnamese sandwich (giá chỉ một đồng rưỡi, quá rẻ so với thức ăn nhanh bên này), tay cầm chai sữa đậu nành ăn uống ngon lành mà lòng vui vui.

Với dân vừa chân ướt chân ráo sang, Phố Tàu còn là nơi để mưu sinh. Chịu cực một chút thì không khó tìm việc được trả tiền mặt. Nhiều người từng một thời gắn bó với Phố Tàu đâu dễ quên vị mặn giọt mồ hôi của những ngày bưng bê, khuân vác chờ thời.

Khi nghe nhiều người dặn dò rằng ra Phố Tàu phải cẩn thận với nạn móc túi, tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên, ăn xin thì tôi thấy rồi, không ngờ nơi đây lại "đủ món ăn chơi" như vậy. Chẳng biết người Toronto có cảm thấy khó chịu vì Phố Tàu hỗn độn, làm mất đi vẻ đẹp của khu trung tâm thành phố không, còn với tôi, Phố Tàu gần gũi ở những thứ tưởng như tầm thường ấy: đây đó một chút rác vương vãi, tiếng rao hàng lanh lảnh muốn át cả tiếng xe điện, những cụ già ngồi vệ đường bày bán vài bó rau xanh ngăn ngắt, dăm ba quả ớt chỉ thiên đỏ rực, mớ rau thơm nồng nàn, nhúm hành tỏi chắt chiu trồng sau vườn nhà...

Đã nhiều lần tôi dừng lại ở một "cửa hàng rau quả", ngắm nghía mấy trái bầu, quả bí mơn mởn, nghịch ngợm cò kè bớt một thêm hai để được nghe tiếng càu nhàu thân thuộc: "Rẻ rề dzậy mà còn trả giá!". Chỉ có lang thang ngoài Phố Tàu lúc nào cũng đông đúc mới tìm lại được cái cảm giác chen lấn như ngày nào lê la ở chợ Bến Thành, chợ An Đông... Len lỏi giữa dòng người lao xao tiếng Việt, tôi chạm khẽ vào một người không quen chỉ để nói câu xin lỗi bằng tiếng mẹ đẻ (dù đôi khi cũng bé cái lầm). Rồi hòa vào dãy phố ồn ã, cùng bạn bè cười nói xôn xao, hứng chí lên là hoa tay múa chân kể chuyện (đến những nơi khác phải xử sự như mọi người chung quanh để giữ thể diện dân tộc chứ!). Đôi khi tôi tự hỏi, chẳng hiểu sao những điều giản dị vậy lại giúp vơi đi nỗi nhớ nhà.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật