Nghệ sỹ violon Xuân Huy: Ẩn sỹ giữa đời thường

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nguyễn Xuân Huy từng là một tài năng lớn của violon Việt Nam những năm 80 – 90 của thế kỷ trước. Nhớ thời điểm ấy, người ta nhắc đến anh với rất nhiều mỹ từ, là người Việt Nam trẻ nhất của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam chơi lâu nhất trong dàn nhạc thế kỷ của cố công nương Diana, là người đi biểu diễn ở các quốc gia nhiều nhất,…
Nghệ sỹ violon Xuân Huy: Ẩn sỹ giữa đời thường
Nghệ sỹ violon Xuân Huy

Nhiều năm đã trôi qua, một số tài năng trẻ đã xuất hiện nhưng tên tuổi của anh luôn được nhắc đến với một niềm tự hào của rất nhiều thế thệ sau. Bao nhiêu năm qua, anh gần như sống ẩn dật để theo đuổi những cái mà anh cho là đúng đắn nhất…

Nhớ thời điểm cuối năm 2011, khi những cơn gió mùa đông thổi lạnh thấu tâm can, trên tuyến đường Lê Thái Tổ, một dàn nhạc giao hưởng say mê chơi những bản nhạc cổ điển mà thế giới từng phải cúi đầu.

Trong dàn nhạc hôm ấy, không nhiều người nhận ra thần đồng violon Nguyễn Xuân Huy nhưng tiếng đàn điêu luyện của anh đủ để níu kéo rất nhiều du khách đi đường dừng lại. Một số khách sành nhạc quốc tế cũng phải ngả mũ thán phục trước tiếng đàn của anh, dù họ không hề biết anh là ai.

Sau Luala Concent, anh trở về với cuộc sống thường nhật của mình, vẫn chơi trong dàn nhạc do mình thành lập và gần như không xuất hiện trước truyền thông.

Nhiều nhà báo khi gặp lại anh đã rất ngỡ ngàng, đã cố tình tìm kiếm để được trò chuyện, để tìm hiểu về cuộc sống của anh nhưng dường như đều không mang lại kết quả. Chẳng phải vì anh “cành cao lá dài” gì mà vì anh ngại xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Và tôi không biết có nên tự hào không khi nhận được cái gật đầu đồng ý của anh bởi bao nhiêu năm qua, có mấy người được may mắn ấy đâu. Dẫu đã từng nhìn thấy anh biểu diễn ở Luala trên phố Lý Thái Tổ nhưng khi anh xuất hiện, tôi vẫn rất ngỡ ngàng bởi sự giản dị của anh.

Nhớ lại những năm tháng vinh quang

Nguyễn Xuân Huy bảo rằng, anh may mắn vì được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Bố anh, nghệ sỹ Nguyễn Bảo Đoàn, tốt nghiệp chuyên ngành Violon ở nhạc viện Thượng Hải. Mẹ anh, bà Phạm Thị Đông là một nghệ sỹ thanh nhạc danh tiếng một thời.

Sinh ra trong cái nôi nghệ thuật ấy nên ngay từ năm lên 8 tuổi, Xuân Huy đã được làm quen với chiếc đàn Violon và chỉ một năm ngắn ngủi luyện tập, anh vào khoa Trung cấp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

4 năm sau, anh sang Venhepsky (Ba Lan) dự thi “tài năng vĩ cầm trẻ” và đứng thứ 16 trong số hơn 300 thí sinh dự thi. Ngoài ra, anh còn là thí sinh ngoài top 15 đoạt giải phụ khi chơi tiền cổ điển (Teleman) hay nhất.

Ở tuổi 16, Nguyễn Xuân Huy đỗ thủ khoa khoa Violinist của Nhạc viện Hà Nội và nhận được một suất học bổng của Trường Trung cấp âm nhạc Gnesiny Liên Xô nhưng anh được đặc cách học âm nhạc trình độ đại học.

Mỗi học kỳ kết thúc, anh luôn nhận được điểm 5 (thang điểm cao nhất lúc bấy giờ ở nước bạn). 1‌8 tuổ‌i, anh được các giáo sư của trường giới thiệu thi vào dàn nhạc giao hưởng Century do Công nương Diana tài trợ.

Một lần nữa, anh đã vượt qua hàng trăm thí sinh và có mặt trong top 15 người cuối cùng của dàn nhạc. Từ đó, ngoài thời gian học tập ở trường, anh được cùng giàn nhạc đi biểu diễn khắp các châu lục.

Tuy nhiên, bi kịch bắt đầu đến vào năm 1991 khi Liên Xô tan rã. Các lưu học sinh ở xứ sở Bạch Dương bị cắt học bổng và bắt buộc phải tự bươn trải kiếm sống và Huy cũng không ngọai lệ.

Bên cạnh đó, sự đào thải khắc nghiệt của dàn nhạc Century vô cùng khắc nghiệt. Mỗi năm, dàn nhạc thường tổ chức các cuộc sát hạch để lựa chọn những người giỏi nhất ở lại. Dẫu vậy, trong suốt từ năm 1992 đến 1997, Huy đã vượt qua hơn 20 cuộc sát hạch để được là người Việt Nam duy nhất chơi trong dàn nhạc danh giá này.

Cuộc sống khó khăn, sự khắc nghiệt của dàn nhạc đôi lúc khiến Xuân Huy mệt mỏi. Có lúc anh muốn về nước nhưng khát khao được biểu diễn trong dàn nhạc Century đã níu anh ở lại.

Tuy nhiên, khi kết thúc khóa học ở Trường Trung cấp âm nhạc vào năm 1992, số tiền học phí 7000 đô quá lớn nên anh đành gác lại sự nghiệp học hành. Suốt một năm sau đó, vừa biểu diễn ở dàn nhạc Century, anh vừa tranh thủ đi dạy võ kiếm sống.

Nghe chuyện này, nhiều ngưỡi không khỏi ngỡ ngàng bởi trong suy nghĩ của nhiều người, một nghệ sỹ chơi nhạc cổ điển bàn tay mềm mại, chỉ biết kéo vĩ cầm thôi. Khi tôi hỏi điều này, Xuân Huy cười hồn hậu:

“Tôi làm tất cả mọi việc chỉ để được theo đuổi giấc mơ của mình. Trước đây tôi từng học Vịnh xuân quyền để rèn luyện bản thân, không ngờ nó lại giúp mình nhiều đến thế”. Lúc ấy, tôi liếc nhìn đôi tay của anh, nó vẫn mềm mại và hình dáng nhỏ nhắn của anh, tôi không tưởng tượng được khi múa võ, nó sẽ thế nào.

Sau một năm vừa đi dạy võ, vừa đi biểu diễn trong dàn nhạc của Công nương Diana, anh tích đủ số tiền học phí để sau đó thi vào Nhạc viện Tchaikovsiky với điểm cao, và cuộc hành trình chinh phục ước mơ lại tiếp diễn.

Suốt hơn 3 năm tiếp theo, anh không nhớ mình đã đi biểu diễn những đâu, chỉ biết rằng dấu đóng trên 5 cuốn hộ chiếu dày đặc, và tình yêu với âm nhạc có lẽ sẽ còn theo mãi nếu như Công nương Diana không t‌ử nạ‌n trên chuyến bay từ Moscow sang Sydney Opera House vào ngày cuối cùng của tháng 8/1997.

Mọi người trong dàn nhạc gần như bật khóc trước tin dữ. Anh còn đau đớn hơn khi hung tin “bố ở quê mắc bệnh hiểm nghèo”. Vậy là cùng một lúc, Nguyễn Xuân Huy đón nhận hai hung tin. Anh lập tức về nước.

Còn dàn nhạc Century thì đứng trước nguy cơ tan rã do mất đi người tài trợ chính. Thế nhưng, họ vẫn dành một ghế trống để chờ anh trở lại. Đây thực sự là một ưu ái quá lớn dành cho một cậu sinh viên đến từ Việt Nam xa xôi. Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Huy đã không sang Nga nữa mà quyết định ở lại quê nhà.

Anh được mời về làm việc ở Nhà hát Vũ kịch Việt Nam. Tuy nhiên, sau 10 năm xa quê, mọi nếp sống thay đổi và suy nghĩ cũng khác biệt. Bên cạnh đó, môi trường cổ điển chưa thực sự được chú ý, những buổi biểu diễn ít ỏi khiến anh chán nản nên cuối cùng anh tạm biệt nhà hát sau 7 tháng gắn bó.

Sau đó, anh về dàn nhạc giao hưởng Quốc gia nhưng cũng không ở lại được lâu vì quá ít đất diễn. Huy bảo rằng, với một người học hành bài bản, khát khao cống hiến mà không có nơi cho mình “thể hiện” thì nên từ bỏ.

Nhiều người hay tin rất bất ngờ bởi hai nơi Huy bỏ là hai môi trường tốt nhất để chơi nhạc cổ điển thế nhưng Huy không nghĩ thế bởi anh quen với môi trường chuyên nghiệp ở nước ngoài nên đã hình thành trong anh sự khó tính và có những đòi hỏi vô cùng khắt khe nên anh phải đi tìm một hướng khác để mãi được sống với tình yêu của mình.

Xuân Huy chia sẻ rằng, là người sống nhiều năm bằng tiếng vỗ tay của khán giả, quen di chuyển đến tất cả các sân khấu lớn trên thế giới, giờ trở về chỉ kéo cho mình nghe, một cảm giác cũng xa xót đến vô chừng, thế nhưng anh không còn lựa chọn nào khác.

Làm đàn để luôn gắn bó với violon

Không có đất dụng võ, Xuân Huy trở về với cuộc sống đời thường, nhận dạy thêm cho một số bạn trẻ có đam mê âm nhạc. Anh cũng không nhận quá nhiều người bởi anh không dạy theo các phương pháp sư phạm mà dạy theo kiểu truyền nghề.

Với anh, dạy học cho các bạn ấy cũng là một cách để duy trì tình yêu với cây vĩ cầm của mình. Tuy nhiên, thù lao cho những buổi dạy học ấy rất ít nên anh chuyển sang đi buôn, anh làm bất kể nghề gì để có điều kiện trang trải cuộc sống.

Dù vất vả mưu sinh nhưng anh tuyệt đối không “bán rẻ tiếng đàn” của mình. Anh cũng không bao giờ mang tiếng đàn vĩ cầm của mình để đi đánh “nhạc tiệm”.

Nếu chẳng may bạn bè bể show mà nhờ giúp, anh sẵn sàng đến “hỗ trợ” và những lúc ấy anh chơi bằng cả niềm khát khao được chơi nhạc để giúp bạn chứ không phải vì mưu sinh dù có lúc anh phải bán sắt thép, kinh doanh cửa hàng game onlie…

Sau một thời gian mưu sinh, anh bỗng chạnh lòng khi nghĩ về những năm tháng cực khổ trên xứ người để đam mê, thế là từ bỏ tất cả để trở về với cây vĩ cầm nhưng cuộc trở về ấy không phải là bước lên sân khấu biểu diễn mà anh chuyển sang làm đàn.

Nói về chuyện đẽo đàn của Nguyễn Xuân Huy, người ta bảo nó như giai thoại, Huy thì bảo: “Nó cũng bình thường như muôn ngàn công việc khác. Chẳng qua anh gắn bó với chiếc đàn lâu năm. Hồi ở nước ngoài, mỗi khi đi biểu diễn ở các nước, anh lại tranh thủ tới các xưởng chế tác đàn violon để quan sát và sau đó làm theo thôi”.

Đó là lời anh giải thích chứ thực tế, nếu không có một tình yêu với đàn quá lớn, những lần quan sát ít ỏi ấy mấy ai có thể làm nên cơm cháo gì. Ngoài làm đàn bằng dao thì anh cũng chỉnh sửa đàn bằng dao nốt.

Có những nghệ sỹ nghe tiếng anh, mang chiếc đàn mắc lỗi của mình đến nhờ chỉnh, thường thì khi sửa người ta mổ đàn ra để “hành động”, Nguyễn Xuân Huy thì không làm thế, anh nghe tiếng đàn, hiểu nó sai chỗ nào và chỉnh đúng ch‌ỗ ấ‌y nên khi sửa không cần phải “phanh thây”.

Để làm được như vậy, người nghệ nhân thường phải có sự am hiểu về đàn, sự khéo léo của đôi tay và đặc biệt là cảm nhận âm chuẩn của tiếng đàn. Mà Nguyễn Xuân Huy thì hội tụ đủ tất cả các yếu tố ấy bởi anh hiểu cây violon hơn cả chính bản thân mình.

Nếu như lúc chơi đàn, Nguyễn Xuân Huy có những đòi hỏi khắt khe cho bản thân thì lúc đẽo đàn cũng có những yêu cầu tương tự. Chính vì sự lao tâm khổ tứ cho mỗi đứa con tinh thần ấy nên những chiếc đàn của anh cũng được gửi gắm cho những người tri ân.

5 chiếc đàn ưng ý nhất nằm ở 5 vị trí mà nhiều nghệ nhân làm violon thèm muốn. Hai chiếc ở Việt Nam được chia đều cho hai miền Nam Bắc, một cây ở Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam do trưởng khoa dây sử dụng, một cây do chính Giáo sư Tạ Bôn ở TP.HCM dùng.

Ba cây đàn xuất ngoại thì có hai cây ở Nhạc viện Paris và một cây ở Nhạc viện Berlin. Và dù chỉ dùng dao để “đẽo” nhưng những chiếc đàn của anh thường có giá rất đắt, nếu những chiếc đàn sản xuất thủ công bình thường chỉ có giá khoảng vài triệu thì đàn của Huy phải bán mấy ngàn đô la. Mới đây nhất, anh vừa bán một chiếc với hơn chục ngàn đô.

Tôi không thể chạy theo số đông

Tôi bảo với Nguyễn Xuân Huy rằng, giới mê nhạc cổ điển chẳng ai không biết anh nhưng ra ngoài đời thực, anh gần như chẳng được ai nhắc nhớ dù có thời anh được vinh danh ở rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

Bây giờ, tên anh dường như là một sự lãng quên, điều đó có làm anh buồn? Nguyễn Xuân Huy cười vui vẻ, với anh nhắc đến nhiều cũng không để làm gì, cái anh muốn là làm thế nào để giới trẻ Việt Nam đến với nhạc cổ điển, yêu nhạc cổ điển và hiểu được nó mỗi khi nghệ sỹ kéo đàn.

Chính vì cái suy nghĩ ấy nên anh đã nhận lời phụ trách chuyên môn cho một dàn nhạc gồm những người yêu vĩ cầm của cả Việt Nam và nước ngoài. Anh bảo rằng: “Đó là những người hiểu tiếng đàn và biết chơi đàn thực thụ”. Giữa năm 2007, dàn nhạc đã có một buổi biểu diễn chính thức đầu tiên ở Tam Đảo.

Từ bấy đến nay, dàn nhạc do anh phụ trách vẫn hoạt động đều đặn và như anh khẳng định thì “chúng tôi sống tốt với hướng đi ấy”. Anh đích thân đưa dàn nhạc tiếp cận với khán giả và đã có những thành công được ghi nhận.

Anh bảo, mỗi khi được mời biểu diễn ở một chương trình nào đó, anh luôn làm cho đối tác hài lòng với khoản tiền công mà họ đã bỏ ra để thuê dàn nhạc của mình. Anh thẳng thắn chia sẻ, nếu BTC chương trình ấy chỉ muốn bỏ ra khoảng 200 triệu để làm chương trình, anh sẽ thuyết phục họ bỏ ra gấp đôi, thậm chí gấp ba nhưng kết quả họ thu lại sẽ lớn hơn rất nhiều.

Và những người trong dàn nhạc của anh cũng hài lòng khi nhận được thù lao lớn và quan trọng là được biểu diễn trước những người thực sự hiểu âm nhạc. Anh cũng khẳng định, có thể chương trình mình tham gia không sang trọng nhưng nếu khán giả thật sự hiểu thì với người nghệ sỹ, đó là cả một niềm hạnh phúc mà không giá nào mua được.

Và anh không quên lần chơi đàn tại tư dinh của nghệ sỹ Phó Đức Vạn (một cây violinist lâu năm của Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam) ở Thị trấn Xuân Mai cách đây ba năm. Một không gian với rất đông các nghệ sỹ và anh đến chơi chỉ đơn giản là được chơi cho những người hiểu và yêu đàn thưởng thức.

Chính nghệ sỹ Phó Đức Vạn sau này đã lên tiếng khẳng định rằng “về chơi vĩ cầm, ở Việt Nam ông chỉ phục mỗi Nguyễn Xuân Huy”.

Thế nên thời gian ấy, cứ hai tháng một lần, tại tư dinh của nghệ sỹ Phó Đức Vạn, Nguyễn Xuân huy lại tổ chức một “bữa tiệc” âm nhạc để mọi người cùng thưởng thức.

Thi thoảng, anh lại đi về giữa các miền Bắc – Trung – Nam để thực hiện các buổi biểu diễn mang tính nghệ thuật cao cho một số đối tượng khán giả nhất định, tất cả đều được thực hiện lặng lẽ trong khuôn viên của một gia đình nào đó chứ không ầm ĩ ở nhà hát.

Anh bảo, đó là cách để thỏ‌a mã‌n đam mê, và cũng là cách anh cống hiến cho những vị khách có tình yêu lớn với âm nhạc cổ điển. Ngoài ra, nó chính là tiền đề để anh mạnh dạn tìm cho mình hướng đi hoàn toàn độc lập trong biểu diễn, bảo tồn và phục hưng dòng nhạc cổ điển tại Việt Nam.

Khoảng thời gian của mấy năm trước ấy cứ lần lượt trôi đi trong lặng lẽ và Nguyễn Xuân Huy cũng đã từng bước tạo dựng được hướng đi cho riêng mình với âm nhạc cổ điển nước nhà.

Nhớ thời điểm anh cùng nhiều nghệ sỹ nổi tiếng tham gia Luala Concert cuối năm 2011, anh đã tập hợp 20 nghệ sĩ đàn dây của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, họ đã dành thời gian luyện tập hơn hai tháng dưới sự chỉ huy và dàn dựng của anh.

Trước đó, anh đã có cuộc gặp gỡ với Đỗ Ngọc Minh (ông chủ Tập đoàn DX), một trong những người luôn muốn đưa nhạc giao hưởng thoát ra khỏi khán phòng nhà hát để phục vụ miễn phí công chúng.

Và Nguyễn Xuân Huy, một người đang khát khao mong muốn tìm một hướng đi cho nhạc giao hưởng Việt Nam. Cuộc gặp định mệnh của hai người đã tạo nên dự án Luala Concert.

Với những người chỉ quen biểu diễn trước sự hoành tráng của các nhà hát, trong không gian chuyên nghiệp thì việc biểu diễn ở những nơi công cộng dễ khiến người ta bị tác động.

Thế nhưng, khi cầm chiếc vĩ cầm lên kéo, xung quanh rất đông khán giả trẻ và mọi tạp âm đường phố dường như nhường hết chỗ cho tiếng đàn của dàn nhạc với những tác phẩm giao hưởng nổi tiếng như "Emperior Waltz" (Strauss), "Divenmento" No 136 và No 137 (Mozart), "Eine Kleine Wachtmusik" (Vivaldi), "Serande Sring Orch" (Tchaikovsky), "Air from Suite" No 3 (Bach), "Aus Holbergs 2eit" (Greig), Impromptu (Sibeling) hay quen thuộc như "Turkey March" (Mozart), "Hungarian Dance" (Brahum), "Serenade" (Elgar)…

Khi kết thúc, phải mất mấy giây lặng im, khán giả mới sực nhớ phải vỗ tay tán thưởng cho các nghệ sỹ. Xuân Huy bảo, nhìn thấy khán giả trẻ đến nghe cổ điển say sưa, anh rất hạnh phúc. Chưa bao giờ người nghệ sỹ và khản giả lại gần gũi nhau đến thế. Và anh thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn với ngón đàn của mình.

Tôi bảo với Nguyễn Xuân Huy, tài năng của anh thì không ai phủ nhận nhưng anh mai danh ẩn tích quá lâu nên không nhiều người được may mắn thưởng thức.

Xuân Huy lắc đầu bảo, anh không mai danh ẩn tích, anh vẫn biểu diễn thường xuyên và tiếng đàn của anh đêm nào cũng réo rắt dù khán giả đôi khi chỉ là mấy bức tường và một đôi lần chơi cho bạn bè nghe. Mỗi lần chơi đàn, anh chơi bằng cảm xúc chân thành nhất và chơi bằng một sự gắn bó không thể nói thành lời.

Trước giờ chia tay, tôi bỏ nhỏ Nguyễn Xuân Huy rằng anh gầy hơn nhiều so với hồi tham gia Luala Concert, Huy cười cười bảo “đã giảm 7kg so với thời điểm ấy” bởi anh đang thực hiện phương pháp nhịn ăn để chữa bệnh.

Tôi đồ rằng Xuân Huy đang chạy theo mốt cầu kinh niệm phật của một số nghệ sỹ trẻ, anh lắc đầu bảo: “Người ta thường tìm đến phương pháp này nhưng không hiểu để làm gì còn tôi biết tác dụng của nó” và mười mấy ngày nay, anh không ăn gì nhưng thấy mình vẫn rất khỏe dù cân nặng có giảm đi chút ít. Tuy nhiên, đầu óc anh vẫn minh mẫn và mỗi tối vẫn kéo vĩ cầm cho riêng mình.

Khi trò chuyện với Xuân Huy, tôi nhận ra ở anh khác xa rất nhiều hình ảnh một nghệ sỹ violon trong tưởng tượng của tôi. Dường như, cuộc sống với nhiều biến động đã biến anh thành một người không màng đến xung quanh. Ngay cả ở lúc này, anh vẫn bảo mình không chạy theo số đông.

Anh ít khi đọc báo, ít khi xem phim, anh cũng không dùng internet nhiều, ngay cả email anh cũng không tạo lập… dường như, mọi thứ trên con người Nguyễn Xuân Huy là một sự khác biệt với hiện thực cuộc sống.

Điều đặc biệt là khi anh nhắc đến gia đình, đó là một khoảng lặng không dễ gì chia sẻ. Chỉ đến khi tôi vô tình nhắc đến cô em gái Khánh Thi thì anh mới trở lại cuộc trò chuyện của mình. Anh bảo rằng dù Khánh Thi ra ngoài có là ai thì trong mắt anh, Khánh Thi mãi là một cô em gái nhỏ và cả tin đến ngờ nghệch.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật