Tự truyện Nguyễn Quang Dũng (2)

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vượt qua những nỗi "ám ảnh" và những vấp váp... Nguyễn Quang Dũng tự vỡ ra bài học đầu đời trong nghiệp đạo diễn của mình: phải đặt bước chân đầu tiên xuống đã rồi mới tính chuyện đi đến cuối con đường.
Tự truyện Nguyễn Quang Dũng (2)
Nguyễn Quang Dũng và đoàn làm phim "Con gà trống".
Lớp đạo diễn điện ảnh khóa 1 của trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM có tổng cộng 21 sinh viên, có thể nói là khó tìm ra một lớp học nào có khoảng cách về tuổi và về trình độ hiểu biết nghề nghiệp cách xa nhau như vậy. Người lớn tuổi nhất lớp 40 tuổi và tôi thì 1‌8 tuổ‌i, trong lớp tôi đa phần là những người đã làm nghề rồi, không là diễn viên thì cũng là quay phim hoặc biên kịch, chí ít cũng học một khóa gì đó ở trong trường rồi.

Hạng bèo nhất đó là Vũ Ngọc Đãng thì cũng lang thang trong trường kiếm cơm bằng nghề chụp hình vài năm và tôi thì... còn dưới mức đó nữa tức là chưa hề có dính dáng gì đến Sân khấu Điện ảnh. Có rất nhiều người cho là nhờ quen biết, nhờ là con của ông Nguyễn Quang Sáng nên người ta cho tôi đậu, chứ cái thằng mới tốt nghiệp phổ thông, thi năng khiếu lại ôm cây đàn lên hát trong khi tất cả ai thi vào đạo diễn cũng phải làm tiểu phẩm và diễn xuất thì không có lý do gì chiếm một suất cả.

Ngay cả một người bạn thân của tôi hiện nay là Vũ Ngọc Đãng cũng rất ấm ức lúc đó. Vậy lúc đó tôi nghĩ gì khi người ta nói vậy? Thật tình thì lúc đó tôi cũng nghĩ giống mọi người, chắc là may mắn, nhờ có “gốc” hoặc nhờ người ta thương mà cho tôi vào trường. Lúc ấy thì tôi nghĩ vậy, còn bây giờ thì sao? Tôi cũng nghĩ vậy. Bởi vì thật sự tôi cũng chẳng tìm ra lý do nào hợp lý để chứng minh là mình có khả năng hơn người khác lúc thi vào trường.

Với suy nghĩ đó mà suốt ba năm trời tôi không dám lơ đãng, đi học luôn đều đặn, tôi sợ ba tôi mang tiếng vì tôi, tôi sợ các thầy hối hận vì đã đưa tôi vào danh sách lớp học mà bao nhiêu người đã không có cơ hội đó. Có thể nói lúc đó tôi là sinh viên thuộc loại chuyên cần vô địch của cái trường có tính nghệ sĩ hơi cao. Lúc đó các anh chị trong lớp tôi thường vắng mặt vì chạy show, và tôi trở thành người thông báo lịch học, giờ kiểm tra nên bỗng dưng tôi trở thành một sinh viên ngoan nhất và ai cũng cưng.

Có thể nói tôi và Vũ Ngọc Đãng đã thân nhau từ hồi còn đi học với lý do là hai đứa thuộc dạng nhỏ tuổi và ít kinh nghiệm. Đặc biệt hai thằng luôn bị kêu lên trả bài môn diễn xuất, bởi vì hai thằng diễn dở nhất lớp nên thầy đặc biệt chú trọng. Mỗi lần cứ đến giờ diễn xuất là tôi và Đãng đều thấy nặng nề, càng nặng nề hơn khi trả bài xong một đống điểm yếu của cả hai được đem ra làm ví dụ. Từ đó tôi và Đãng đã tự hứa mai mốt thằng nào làm phim thì kêu thằng nọ diễn vai nho nhỏ trong phim đó để “trả thù”. Đó là lý do vì sao mà phim của tôi hay của Đãng đều có hai thằng xuất hiện một chút.

Thỉnh thoảng bây giờ hai thằng ngồi với nhau vẫn thấy mắc cười về những chuyện học hành trong lớp. Cũng mắc cười khi từ chối một dự án phim nào thì ngay lập tức nhớ lại một câu nói của một người học chung trong lớp đã an ủi rằng: “Biết đâu mai mốt thằng Đãng với thằng Dũng cũng được người ta giao phim cho làm!” khi mà cả lớp đang nghĩ về tương lai ra trường có được ai giao phim không? Và thằng Dũng và thằng Đãng lúc đó được xem là cơ hội ít nhất.

Dũng "Khùng" trong phim Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt.

Tốt nghiệp loại giỏi năm 1999, nhưng thật tình thì cũng chẳng xin vô được hãng phim nào làm cả, đó là tình hình chung của bọn tôi lúc đó. Học đạo diễn ai mà chẳng muốn làm phim. Nhưng ở thời kỳ đó để được làm phim thì phải thuộc biên chế của hãng phim nào đó. Mà hầu như các hãng lúc nào cũng có hàng tá đạo diễn xếp hàng chờ làm phim vì mỗi năm một hãng phim chỉ làm một hoặc hai phim.

Thế rồi cơ duyên đến, chú Nguyễn Hồ (giám đốc TFS - Hãng phim truyền hình TP HCM lúc đó) gọi chúng tôi lại và thông báo rằng sẽ cho chúng tôi làm phim truyền hình 90 phút nếu có kịch bản tốt. Đó là một tin như trúng số đối với những người mới ra trường như chúng tôi. Lớp tôi lần lượt tìm kịch bản và nộp cho TFS để duyệt.

Riêng tôi may mắn hơn tất cả là đã có kịch bản Con gà trống của ba tôi đã được TFS duyệt từ thời chú Phạm Khắc định làm phim nhựa, nhưng thời điểm ấy chú ấy lại làm Giám đốc của Đài truyền hình nên không còn thời gian nữa. Các đạo diễn khác thấy cái kịch bản vừa có chiến tranh, vừa có thiếu nhi, vừa có con vật coi như tập trung toàn cái khó nên chưa ai dám nhận làm. Lúc đó máu nóng của tôi nổi lên, cái gì càng thấy khó thì càng thích và nghĩ cái gì mình cũng làm được nên tôi xung phong nhận làm kịch bản đó, bây giờ nghĩ lại tôi thấy lúc đó mình gan quá.

Nhưng tôi cũng biết khó nên không dám làm Con gà trống ngay mà đi làm phó đạo diễn cho một phim hợp tác với nước ngoài trước, đó là phim Vũ khúc con cò, cũng là một phim chiến tranh. Tôi muốn có thêm kinh nghiệm từ một phim chiến tranh với qui mô lớn và có nhiều thành phần làm phim là người nước ngoài. Chủ đích là đi học kinh nghiệm nên làm gì cũng làm, làm từ tiền kỳ chuẩn bị cho đến lúc quay và đến hậu kỳ. Phải nói phim này vẫn được dân làm phim bầu chọn là cực khổ nhất và nhiều trắc trở nhất. Thời gian làm phim kéo dài hơn một năm trời, với bao nhiêu chuyện vui buồn, cực khổ, khốn khó đều xảy ra.

Tôi nhớ lương mà tôi lãnh được lúc đó là 500 USD cho cả phim. Có người trong đoàn phim đã đặt tên tôi là “người không biết đòi hỏi” vì cả đoàn lúc đó ai cũng đòi tăng tiền mỗi khi lịch quay bị dôi ra. Tôi bắt đầu hiểu rõ hơn được làm phim là cực như thế nào, lúc mình tính đến lúc mình làm ra phim chẳng hề giống nhau. Và nó có thể làm người ta bán đất, cầm nhà mà nhiều khi chỉ ôm được những thước phim có khi vô giá, và cũng có khi chẳng... chút giá trị nào.

Xong phim Vũ khúc con cò tôi trở về bắt tay làm phim Con gà trống. Từ một đoàn phim hợp tác nước ngoài trở về với một phim truyền hình trong nước lại thêm nhiều bài học khác.

Đầu tiên những ý tưởng trong kịch bản của tôi đưa ra đều dẫn đến vượt mức kinh phí. Tôi nhớ Ban giám đốc hãng phim đã gọi tôi lên làm việc và thông báo là không đủ kinh phí để làm phim này cho nên tôi phải tìm cách khác hoặc cắt bớt những đòi hỏi quá khó và tốn nhiều kinh phí, còn nếu không được thì... hủy dự án, vì tiền chỉ có bấy nhiêu cho một phim thôi. Tôi còn nhớ mình xoay qua anh chủ nhiệm phim (tức là người lên kinh phí) hỏi: “Anh nhắm với số tiền đài cho có thực hiện được những yêu cầu trong kịch bản không?”. Anh chủ nhiệm quay qua trả lời: "Ồ, không làm nổi đâu”. Lúc đó tôi đứng lên trả lời với Ban giám đốc là: “Vậy con không làm nữa!”. Đó là một tin sốc. Bởi vì từ xưa đến nay chưa hoặc hình như rất hiếm một người được giao làm phim đầu tay mà lại từ chối như vậy.

Vậy là coi như tôi đã tự đóng cánh cửa cơ hội đầu tiên của đời mình bằng cái bản chất “gàn” vốn có của những người làm đạo diễn, tức là cứ phải làm được những gì mình nghĩ và không cần biết đúng hay sai, tốn kém như thế nào. Đêm hôm đó tôi rất buồn, đi chơi cả đêm với vài người bạn và biết rằng quyết định của mình sẽ làm mình mất cơ hội được làm phim, mà thời điểm đó đúng là chỉ có chú Nguyễn Hồ mới “liều” mà mời đạo diễn mới ra trường như chúng tôi thôi.

Quang Dũng chỉ đạo một cảnh quay trong phim "Nụ hôn Thần Chết".

Sáng hôm sau về đến nhà tôi bất ngờ khi người biên tập của hãng phim TFS đã ngồi sẵn nhà tôi. Chú ấy khuyên tôi không nên gàn như vậy và thông báo là Ban giám đốc đã tăng kinh phí cho phim, tuy không nhiều so với kinh phí ban đầu, nhưng như vậy là ưu ái cho tôi lắm rồi. Lúc đó, tôi bắt đầu suy nghĩ và biết giới hạn của sự “gàn”, tôi hiểu trước khi muốn trở thành một đạo diễn giỏi thì mình nên là một đạo diễn trước đã.

Tôi bắt tay vào làm phim Con gà trống. Một bộ phim vượt khả năng của tôi, vượt qua điều kiện làm việc trong lúc bấy giờ. Có thể tôi chưa hài lòng với bộ phim đó, có lẽ tôi ấm ức và thất vọng bởi những gì tôi tưởng không thành hiện thực và chẳng mấy ai nhớ cái phim đó. Nhưng với phim Con gà trống tôi đã trưởng thành, tôi đã hiểu không phải cái gì mình cũng làm được, tôi đã biết làm gì với hoàn cảnh nào và điều kiện nào.

Có thể khán giả chỉ nhớ đến Nụ hôn thần chết hay Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt nhưng riêng tôi thì không thể quên phim đầu tay Con gà trống (đoạt giải thưởng Văn học - Nghệ thuật TP HCM 2000-2003). Và để kết bài tự truyện này tôi phải cám ơn TFS rất nhiều, nơi mà đã giao tôi làm phim Con gà trống để tôi trở thành một đạo diễn trước khi trở nên một đạo diễn mà nhiều nhà sản xuất muốn làm việc như hiện nay.

Nguyễn Quang Dũng

(Theo Mực Tím)

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 263
  1. Tự truyện Nguyễn Quang Dũng (1)
Video và Bài nổi bật